Đây là yêu cầu của Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp chiều 8/6, tại Trụ sở Chính phủ. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.

Số ca mắc mới bắt đầu có xu hướng chững lại

Báo cáo tại cuộc họp, ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết đến 9 giờ ngày 8/6, thế giới ghi nhận hơn 174 triệu ca mắc COVID-19, trong đó hơn 3,7 triệu ca tử vong.

 Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Đặng Quang Tấn cho biết số ca mắc mới bắt đầu có xu hướng chững lại. (Ảnh: VGP)

Tại Việt Nam, từ ngày 27/4 đến 14 giờ ngày 8/6, cả nước ghi nhận 6.251 ca mắc COVID-19 tại 39 tỉnh, thành phố. Về xét nghiệm SARS-CoV-2, tính đến ngày 7/6, cả nước đã thực hiện xét nghiệm Realtime RT-PCR được gần 4,48 triệu mẫu cho gần 7,3 triệu lượt người, trong đó, từ 29/4 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được hơn 1,78 triệu mẫu cho hơn 3,76 triệu lượt người. Tính đến ngày 7/6, cả nước đã triển khai tiêm chủng được 325.788/1.681.800 liều vaccine phòng COVID-19 phân bổ.

Trong đợt dịch này, dịch bệnh đã xuất hiện ở 39 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; 16 địa phương đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới; 7 địa phương không có lây nhiễm thứ phát; 16 địa phương chưa qua 14 ngày với tổng số 5.817 ca mắc.

Trong đó 5 địa phương ghi nhận số ca mắc cao là: TP.Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Đà Nẵng. Các trường hợp mắc mới hầu hết là các trường hợp tiếp xúc gần (F1) đã được cách ly từ trước hoặc trong khu vực đã phong toả.

Đến thời điểm này, tình hình dịch bệnh trong nước cơ bản đã được kiểm soát. Bộ Y tế nhận định trong những ngày tới, tại Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.Hồ Chí Minh có thể sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các ca mắc mới do nhiều trường hợp đã bị phơi nhiễm từ trước, hầu hết đã được cách ly hoặc trong khu vực phong tỏa, số ca mắc mới bắt đầu có xu hướng chững lại.

Cũng theo Bộ Y tế, sẽ vẫn có thể ghi nhận một số trường hợp mắc đơn lẻ tại một số địa phương khác từ những người nhập cảnh trái phép hoặc từ những trường hợp có tiếp xúc với ca bệnh tại một số ổ dịch cũ.

Ban Chỉ đạo lưu ý, các địa phương như Bắc Ninh, Bắc Giang và TP.Hồ Chí Minh cần tiếp tục huy động toàn bộ lực lượng đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch, chú trọng ở mức cao nhất công tác giám sát, phát hiện tại cộng đồng và đảm bảo an toàn cao nhất với các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.

Thường trực Ban Chỉ đạo lưu ý Bộ Y tế cần tiếp tục theo dõi chặt tình hình dịch bệnh tại Bắc Ninh, Bắc Giang; TP.Hồ Chí Minh và một số địa phương lân cận (Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu),… theo sát tình hình Lạng Sơn; rút kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch tại Điện Biên.

Thúc đẩy công nghệ, phương pháp xét nghiệm mới

Tại cuộc họp, các thành viên Thường trực Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, qua thực tiễn tình hình dịch bệnh tại Bắc Ninh và Bắc Giang, một trong những vấn đề đáng lo nhất hiện nay là dịch bệnh xuất hiện trong các khu công nghiệp nhưng không được phát hiện nhanh. Qua báo cáo của các đơn vị, các ý kiến thống nhất cần tích cực, tăng cường các giải pháp liên quan đến năng lực xét nghiệm để đề phòng dịch bệnh xảy ra ở nhiều nơi, đặc biệt tại các khu công nghiệp; công tác xét nghiệm phải tổ chức ngay từ những ngày đầu.

Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương ban hành hướng dẫn tự lấy mẫu xét nghiệm; thúc đẩy thí điểm công nghệ xét nghiệm COVID-19 sử dụng mẫu nước bọt; nhanh chóng tiếp cận công nghệ kết hợp giữa xét nghiệm sinh học với quang học, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).

Theo Bộ Y tế, công nghệ xét nghiệm COVID-19 sử dụng mẫu nước bọt và công nghệ xét nghiệm quang học đã được thực hiện tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Đến nay, kết quả ban đầu được đánh giá khả quan. Dự kiến, trong tuần này, Bộ Y tế sẽ đánh giá để đề xuất, triển khai thí điểm tại các vùng có dịch.

 Thường trực Ban Chỉ đạo giao Bộ Y tế khẩn trương đúc rút kinh nghiệm phòng, chống dịch trong khu công nghiệp tại Bắc Ninh, Bắc Giang, phổ biến ngay cho các địa phương. (Ảnh: VGP)

Hoàn thiện chu trình quản lý khép kín người nhập cảnh

Thường trực Ban Chỉ đạo cũng đã nghe báo cáo về quá trình thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo về chấn chỉnh công tác đưa đón chuyên gia, người Việt Nam từ nước ngoài về thành khâu, quy trình khép kín.

Về các giải pháp công nghệ liên quan đến vấn đề này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành tích hợp các giải pháp, phối hợp với các đơn vị để hoàn chỉnh quy trình; hiện đang chạy thử trước khi trao đổi, báo cáo lại với Bộ Y tế. Do nhu cầu đưa đón chuyên gia nước ngoài, người Việt Nam bị mắc kẹt ở nước ngoài về nước hiện rất lớn, các thành viên Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương hoàn thiện hệ thống công nghệ người nhập cảnh vào Việt Nam để Bộ Y tế nghiệm thu trong tuần tới.

Các ý kiến nhấn mạnh, phải nêu rõ trách nhiệm thực hiện quy định phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn cho cộng đồng của mỗi người nhập cảnh; đồng thời quy định cụ thể trách nhiệm của các tổ chức như Đại sứ quán trong việc tiếp nhận người nhập cảnh vào Việt Nam; các bộ, ngành thành viên “Tổ 5 người” trong việc quyết định các chuyến bay nhập cảnh, giải cứu công dân; chính quyền cơ sở, cơ quan y tế trong việc theo dõi người nhập cảnh thực hiện theo dõi y tế tại địa phương sau khi hoàn thành cách ly tập trung….

Đến nay, Bộ Y tế đang khẩn trương hoàn thiện quy trình đưa đón chuyên gia, người Việt Nam bị mắc kẹt ở nước ngoài về nước, tạo thành quy trình quản lý khép kín, từ khi tiếp nhận đăng ký nhập cảnh, cách ly tập trung, theo dõi y tế tại nhà…

Dự kiến, những người nhập cảnh vào Việt Nam được phân loại thành các nhóm khác nhau. Người đã tiêm vaccine phòng COVID-19 được kiểm tra bằng các xét nghiệm khác nhau để khẳng định chứng minh hiệu quả việc tiêm vaccine (bởi các loại vaccine hiện hành có hiệu quả từ 70-90%), sau đó việc thực hiện cách ly rút ngắn xuống còn 7 ngày.

Thường trực Ban Chỉ đạo nhận định, nếu kiểm soát tốt, cơ bản trong tháng 6, tình hình dịch bệnh được khống chế nhưng sẽ vẫn ghi nhận các ca mắc lẻ tẻ trong cộng đồng. Trong khi đó, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 ở trong nước và nhiều nước trên thế giới chưa thể có miễn dịch cộng đồng sớm. Do đó, các lực lượng không chủ quan, lơ là, luôn sẵn sàng phòng, chống dịch bệnh.

Ngoài ra, Thường trực Ban Chỉ đạo giao Bộ Y tế khẩn trương đúc rút kinh nghiệm trong đợt chống dịch tại Bắc Ninh, Bắc Giang để sớm ban hành Sổ tay phòng, chống dịch bệnh trong các khu công nghiệp và phổ biến ngay cho các địa phương./.

 
Đỗ Thoa