Sớm giải tỏa công suất điện mặt trời 

(Chinhphu.vn) – Ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo cho biết, về tiến độ xây dựng đường dây, hiện có 6 công trình sẽ đóng điện 2019, 5 công trình khởi công cuối năm 2019 và một số đường dây, công trình hoàn thành năm 2020. “Hi vọng năm 2020 có thể giải tỏa cơ bản công suất từ các nhà máy điện mặt trời”.

 

Công nhân lắp pin điện mặt trời. 

Chưa từng có trong lịch sử ngành điện

 

Số liệu được Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho thấy, gần trăm nhà máy điện mặt trời dồn dập vận hành trong thời gian ngắn để cán đích trước ngày 30/6. Năm 2018, chỉ 3 nhà máy đóng điện thành công, 3 tháng đầu năm 2019 thêm 5 nhà máy. Thế nhưng từ tháng 4-6, con số này đã vọt lên 81 nhà máy.

Riêng 6 tháng năm 2019, có tới gần 90 nhà máy điện mặt trời hòa lưới. Công suất lắp đặt của các nhà máy điện mặt trời lên tới gần 4.500 MW (trong khi công suất nguồn điện cả nước là 45.000 MW).

Đại diện Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia cho biết, số lượng nhà máy đưa vào vận hành đồng loạt trong một thời gian ngắn là điều "chưa từng có trong lịch sử" ngành điện.

Tại cuộc họp trực tuyến Chính phủ ngày 4/7, ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận phản ánh chuyện một số dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn phải cắt giảm công suất theo yêu cầu của A0.

Nguyên nhân bởi, theo quy hoạch tới năm 2020, Ninh Thuận được duyệt 2.000 MW dự án năng lượng tái tạo, trong đó có mặt trời, nhưng thiết kế lưới truyền tải khu vực này chỉ chịu được tối đa công suất 800-1.000 MW. Tới cuối tháng 6, tổng công suất các dự án năng lượng tái tạo của tỉnh này được đấu nối là 1.300 MW, trong đó gần 1.090 MW là điện mặt trời. Ông Vĩnh cho rằng, cần giải pháp lâu dài để không gây thiệt hại cho nhà đầu tư.

Trong một diễn biến liên quan đến việc không thể giải tỏa được công suất các nhà máy điện mặt trời do thiếu lưới điện, trả lời tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương chiều 4/7, ông Bùi Quốc Hùng cũng cho biết, Ninh Thuận và Bình Thuận là 2 tỉnh có số lượng nhà máy điện mặt trời lớn nhất. Cụ thể, Ninh Thuận có 15 nhà máy với tổng công suất hơn 1.000 MW, còn Bình Thuận có 19 nhà máy với tổng công suất 871 MW. Vì thế, đây là nơi tình trạng quá tải lưới điện diễn ra trầm trọng. Nhiều máy biến áp, trục đường dây ở mức quá tải tới hơn 200%. Điển hình Trục đường dây 110kV Tháp Chàm - Hậu Sanh - Tuy Phong - Phan Rí quá tải tới 260-360%...

“Mặc dù các công trình lưới điện 110kV như nâng công suất, xây dựng mạch 2 các đường dây 110kV Tháp Chàm - Ninh Phước - Phan Rí, Phan Thiết - Lương Sơn - Phan Rí - Tuy Phong, Thủy điện Đại Ninh - Phan Rí, Ninh Phước - Tháp Chàm đã được phê duyệt trong quy hoạch. Tuy nhiên đến nay các công trình này vẫn chưa vào vận hành dẫn đến việc không đồng bộ giữa nguồn và lưới gây ra hiện tượng quá tải giữa Bình Thuận và Ninh Thuận.

Tại thời điểm phê duyệt quy hoạch điện lực tỉnh hoặc quy hoạch riêng lẻ dự án năng lượng tái tạo chưa đủ cơ sở để xem xét tổng thể khu vực khi Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia chưa tính đến tích hợp nguồn năng lượng tái tạo. Do vậy, có thể xảy ra trường hợp công suất nguồn năng lượng tái tạo truyền tải từ Ninh Thuận, Khánh Hòa đổ về Bình Thuận gây quá tải lưới điện”, ông Bùi Quốc Hùng lý giải.

Thông tin thêm, ông Hùng cho biết, Quyết định 11/2017 của Thủ tướng về tăng giá điện mặt trời lên 9,35 cent (khoảng 2.086 đồng) một kWh có hiệu lực từ 1/6/2017 đã mở ra nhiều cơ chế khuyến khích cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển năng lượng này. Tuy nhiên, quyết định này chỉ có hiệu lực đến 30/6/2019. Do đó, các địa phương có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo đều đầu tư rất lớn để hưởng ưu đãi này.

“Khó khăn là đầu tư lưới truyền tải là mất từ 2-3 năm, trong khi đầu tư nhà máy điện mặt trời chỉ mất từ 6 tháng đến 1 năm nên phát triển lưới không theo kịp đầu tư các dự án điện mặt trời. Việc bổ sung quy hoạch điện lực tỉnh cũng chưa liên kết quy hoạch đường dây điện lực quốc gia”, ông Hùng nói.

Sẽ sớm giải toả công suất các nhà máy năng lượng tái tạo

 

Trước thực trạng trên, Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia đã có cảnh báo, nếu không có biện pháp giải quyết, đến năm 2020 tình hình ngày càng trầm trọng hơn, khi đó, nguy cơ sự cố, rã lưới điện rất cao.

Về phía Bộ Công Thương, ông Hùng cho biết, để giải tỏa công suất cho các nhà máy năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương đã thực hiện các giải pháp như: Báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng cũng có văn bản đồng ý bổ sung điều chỉnh quy hoạch điện, cụ thể bổ sung dự án lưới điện 500 kV tại Ninh Thuận, Bình Thuận; các đường dây 220 kV…

Về tiến độ xây dựng đường dây, hiện có 6 công trình sẽ đóng điện 2019, 5 công trình khởi công cuối năm 2019 và một số đường dây, công trình hoàn thành năm 2020.

“Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn trong đầu tư hạ tầng trong công tác, thi công, đền bù giải phóng mặt bằng, khi có những công trình chỉ 1-2 hộ dân nhưng việc giải phóng mặt bằng kéo dài hàng năm; vướng mắc trong thi công của các nhà thầu khi có quá nhiều công trình nhưng hệ thống nhà thầu Việt Nam chưa đáp ứng được về năng lực…”, đại diện Cục Điện lực và năng lượng tái tạo chia sẻ.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đang tiếp tục chỉ đạo Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) khẩn trương đẩy nhanh tiến độ đường dây; kiến nghị Thủ tướng có cơ chế xã hội hóa tư nhân tham gia đầu tư xây dựng đường dây truyền tải, tháo gỡ khó khăn về vốn, đáp ứng tiến độ giải tỏa công suất nhà máy điện mặt trời; có cơ chế đặc biệt triển khai công trình lưới điện chống quá tải.

“Hy vọng tới năm 2020 có thể giải tỏa cơ bản công suất từ các nhà máy điện mặt trời”, ông Hùng nói.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ sẽ có báo cáo Thủ tướng Chính phủ các giải pháp cụ thể vào tuần tới

Bên cạnh đó, để đảm bảo cung ứng đủ điện cho nền kinh tế và bảo đảm hiệu quả đầu tư xã hội, Bộ trưởng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải thực hiện nghiêm, đúng các giải pháp, theo đúng lộ trình các kế hoạch đầu tư hệ thống trạm, lưới điện để đảm bảo giải tỏa công suất điện. EVN cũng phải có giải pháp kỹ thuật cụ thể đảm bảo sự hài hòa trong việc giải toả công suất và đưa điện lên lưới.

“Bộ Công Thương đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép áp dụng một số cơ chế đặc thù liên quan đến Luật Quy hoạch mới để tập trung đẩy nhanh tiến độ đưa một số dự án mới vào để giải tỏa công suất, tăng nguồn phát để cân đối nguồn cung điện từ nay đến cuối năm”, Bộ trưởng cho biết.

Phan Trang

 
278 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 631
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 631
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77160263