Trong khi đó, đặc thù của hoạt động xây dựng đa ngành, nhiều đối tượng tham gia, sử dụng nhiều trang thiết bị phương tiện kỹ thuật, phạm vi sản xuất trải rộng, thời gian dài, vốn lớn… làm cho hoạt động giám định xây dựng khi có trưng cầu giám định trở nên phức tạp, khó khăn.
PGS.TS Phạm Minh Hà - Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng,
Bộ Xây dựng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Anh Tuấn)
Trước thực tế này, ngày 19/10, tại thành phố Đà Nẵng, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng - Bộ Xây dựng phối hợp với Cục Bổ trợ tư pháp - Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị thảo luận giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động giám định tư pháp xây dựng.
Hội nghị thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, đơn vị có liên quan đến từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Phú Yên, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Hải Dương, Nghệ An…
Theo PGS.TS Phạm Minh Hà - Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), đây là cơ hội tốt để các đại biểu tập trung đánh giá thực trạng, nhận diện và chủ động đưa ra một số giải pháp, đề xuất liên quan công tác giám định tư pháp xây dựng, quy trình chuẩn về giám định tư pháp xây dựng, quy định của pháp luật liên quan đến công tác trưng cầu giám định, lập dự toán, thẩm định, nhận thanh toán chi phí, tiền bồi dưỡng giám định, và tham dự phiên tòa.
Đại diện Cục Bổ trợ tư pháp, bà Nguyễn Thị Thụy - Trưởng phòng Giám định tư pháp nhấn mạnh theo Khoản 4, Điều 4 Thông tư liên tịch 01/2014/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP, các trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định xây dựng khi cần xác định hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xây dựng gồm: Lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án; đấu thầu; khảo sát, tư vấn, thiết kế, thi công, giám sát, nghiệm thu, thanh quyết toán; quản lý vốn đầu tư…, trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định trưng cầu giám định cơ quan trưng cầu giám định phải giao hoặc gửi quyết định trưng cầu giám định, hồ sơ, đối tượng trưng cầu giám định cho tổ chức, cá nhân thực hiện giám định; gửi quyết định trưng cầu giám định cho Viện Kiểm sát có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, đồng thời nêu lên một số vướng mắc, khó khăn cụ thể về quyền, nghĩa vụ của tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định, người giám định, chi phí giám định cũng như chế độ bồi dưỡng giám định.
Trong khi đó, ông Đỗ Việt Hà, với hơn 10 năm công tác tại Trung tâm công nghệ quản lý và kiểm định xây dựng (CDMI) - Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng - Bộ Xây dựng nêu ý kiến đối với công tác giám định tư pháp, đơn vị tư vấn nhận được văn bản trưng cầu giám định khi chưa có thông tin về công trình, nội dung trưng cầu đôi khi không đúng với nhu cầu công việc, nên sau khi nhận được văn bản trưng cầu, đơn vị tư vấn cần nhiều thời gian và nguồn lực nghiên cứu hồ sơ, tiếp cận hiện trường để xác định có đủ điều kiện thực hiện hay không, thậm chí hồ sơ quản lý chất lượng thường là không đầy đủ, không có hồ sơ thiết kế, quản lý chất lượng hay chủ công trình không cho phép đào bới, đục tẩy để tiếp cận kết cấu chịu lực. Một số trường hợp giám định tư pháp do cơ quan cảnh sát điều tra yêu cầu, có cán bộ thực hiện dự án đã bị khởi tố, tạm giam nên khó khăn trong việc trao đổi thông tin.
Chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực này, ông Lê Đức Trường - Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an cho rằng, thời gian qua nhiều nội dung yêu cầu giám định phức tạp, công việc nhiều, liên quan đến nghiệp vụ chuyên môn của nhiều ngành, vượt quá khả năng của một nhóm cá nhân hoặc một tổ chức giám định; thậm chí một số vụ việc cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định còn tràn lan, lạm dụng kết luận giám định để làm căn cứ xử lý vụ án, vụ việc (nhiều việc không cần thiết phải trưng cầu giám định).
Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, từ năm 2010 tới nay có khoảng 350 vụ việc được trưng cầu giám định tư pháp xây dựng, riêng giai đoạn 2015 - tháng 6/2018, trung bình mỗi năm có khoảng 10 vụ. Tuy hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên môn, định mức kinh tế - kỹ thuật đã được ban hành, qua từng thời kỳ có sửa đổi, bổ sung song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Cả nước đang có 84 tổ chức giám định tư pháp xây dựng theo vụ việc, 166 giám định viên tư pháp xây dựng, 243 người giám định tư pháp xây dựng theo vụ việc, 30 trung tâm kiểm định, giám định thuộc các Sở Xây dựng, 1.100 LAS-XD phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng và các tổ chức tư vấn xây dựng. Theo quy định, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm lập và công bố danh sách tổ chức giám định tư pháp xây dựng tại địa phương, Sở Xây dựng là đầu mối. Hiện mới chỉ có 45/63 tỉnh, thành đã công bố tổ chức giám định tư pháp xây dựng./.
Anh Tuấn