Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống là thể hiện bản lĩnh chính trị, sự nhiệt tâm của mỗi cán bộ, đảng viên ở các địa phương, đơn vị đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Tại Hội nghị toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng (tháng 4-2016), Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhắc nhở: “…Nghị quyết đã có, điều quan trọng lúc này là đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, là tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết có hiệu quả. Làm sao để khắc phục được tình trạng Nghị quyết thì đúng, thì hay, nhưng chậm đi vào cuộc sống; thậm chí có trường hợp nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít”.
Vậy, để nghị quyết của Đảng ở các địa phương sớm đi vào cuộc sống, cần thực hiện những giải pháp sau:
Thứ nhất, Cấp ủy ở các địa phương, đơn vị cần khẩn trương chỉ đạo nghiêm túc việc tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng, nâng cao hơn nữa vai trò và trách nhiệm của cấp ủy đảng, nhất là bí thư cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết, phải thật sự thống nhất về quan điểm, nhận thức và quyết tâm cao trên cơ sở quán triệt đầy đủ nghị quyết của Đảng, kế hoạch, chương trình hành động, đề án đã được tập thể cấp ủy thông qua. Đồng thời, chú trọng đến chất lượng đội ngũ báo cáo viên để nghị quyết thật sự thấm sâu vào trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Thứ hai, Chú trọng chỉ đạo đổi mới hình thức tổ chức học tập, quán triệt các nghị quyết của Đảng theo tinh thần Kết luận số 176-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án “Nâng cao chất lượng học tập lý luận chính trị; nghiên cứu, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng trong cán bộ, đảng viên”. Cần coi trọng việc tổ chức học tập quán triệt Nghị quyết theo hình thức trực tuyến để những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cơ quan, đơn vị trực tiếp truyền đạt cho đội ngũ cán bộ, đảng viên tới cấp cơ sở. Cách làm này sẽ mang đến nhiều hiệu quả vì đồng chí Bí thư cấp ủy trực tiếp truyền đạt nghị quyết về cơ bản bản thân đã hiểu sâu sắc các chủ trương, mục tiêu, giải pháp và nắm rất vững tình hình thực tiễn của địa phương mình, ngành mình.
Thứ ba, Cụ thể hóa Nghị quyết bằng việc xây dựng Chương trình hành động. Các quan điểm, chủ trương, đường lối, của Đảng được cụ thể hóa thành các chương trình hành động sát hợp với thực tiễn của các cấp ủy, các phòng, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị được xem là yếu tố quan trọng, là việc làm thường xuyên, quyết định để đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Cần nhận thức rõ, chương trình hành động không phải là nghị quyết của cấp ủy cấp dưới để thực hiện nghị quyết của cấp ủy cấp trên; cũng không phải là “sao chép” lại nghị quyết của cấp trên rồi sửa lại một số ý để trở thành chương trình hành động cấp mình. Chương trình hành động phải nêu được những nội dung đề ra trong nghị quyết mà địa phương, cơ quan, đơn vị, ngành cần triển khai thực hiện. Những nội dung này phù hợp với thực tế, chức năng, nhiệm vụ, điều kiện, đồng thời đáp ứng được những yêu cầu, đòi hỏi của địa phương, cơ quan, đơn vị, ngành mình.
Việc xây dựng chương trình hành động phải được thảo luận dân chủ, rộng rãi, bởi đó là những việc cần làm, sẽ làm của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, ngành. Mặt khác, cần hướng dẫn cấp ủy cấp dưới xây dựng kế hoạch tuyên truyền chương trình hành động thực hiện nghị quyết; định kỳ kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình hành động để điều chỉnh, bổ sung khi cần thiết, sao cho nghị quyết sớm đi vào cuộc sống thông qua các chương trình hành động thực hiện nghị quyết.
Thứ tư, Cấp ủy ở các địa phương, đơn vị cần tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền nghị quyết trên các phương tiện thông tin đại chúng, bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động, sáng tạo, xây dựng các chuyên mục “đưa nghị quyết của Đảng vào trong cuộc sống”. Tổ chức tuyên truyền thực hiện Nghị quyết của Đảng trong cán bộ, đảng viên, đặc biệt là tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Bởi đây là một khâu quan trọng để chuyển tải nội dung cốt lõi của Nghị quyết đến đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; giúp cho cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu sâu kỹ, thấu đáo nội dung các nghị quyết, từ đó thực hiện và vận dụng sáng tạo nội dung các nghị quyết vào tình hình thực tế ở địa phương, cơ quan, đơn vị, thôn/bản thúc đẩy quá trình đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Thứ năm, Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra việc thực hiện nghị quyết. Đảng ta đã khẳng định lãnh đạo phải có kiểm tra, không có kiểm tra coi như không có lãnh đạo. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nhận xét: “Chín phần mười khuyết điểm của chúng ta là do thiếu sự kiểm tra”. Để việc học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết không mang tính hình thức, đối phó, cấp ủy các cấp cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cả trong và sau quá trình học tập các nghị quyết của Đảng. Nội dung kiểm tra, giám sát trên các lĩnh vực như: Việc xây dựng Chương trình hành động, kế hoạch của cấp ủy; quy trình tổ chức các hội nghị học tập, quán triệt nghị quyết (thời gian, nội dung, tài liệu,...); chất lượng báo cáo viên; số lượng đảng viên tham gia học tập; số lượng, chất lượng bài thu hoạch; việc xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết. Mục đích của sự kiểm tra là làm cho nghị quyết của Đảng được thực hiện đúng trong cuộc sống, kịp thời uốn nắm nhận thức sai trái, lệch lạc; Có hình thức xử lý nghiêm đối với những đảng viên không chấp hành tham gia học tập nghị quyết; những đảng bộ, chi bộ tổ chức học tập không nghiêm túc, tỷ lệ đảng viên tham gia học tập, chất lượng thảo luận, viết thu hoạch thấp; không thực hiện nghiêm túc, chu đáo việc tuyên truyền, phổ biến nghị quyết cho đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, kiểm tra không chỉ ở những nơi làm chưa tốt mà còn ở những nơi làm tốt để nhân rộng cho nơi khác học tập, phát hiện, biểu dương, nhân rộng cái đúng, cái mới, cái tiến bộ.
Thứ sáu, Chú trọng hơn nữa khâu sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện nghị quyết. Kịp thời đánh giá, bổ sung ngay trong quá trình triển khai hoặc sau một khâu của cả quá trình thực hiện nghị quyết những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn cuộc sống. Trong quá trình sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm cần có thái độ thẳng thắn, dám nhìn thẳng vào sự thật, khẳng định những việc đã thực hiện được, chỉ ra những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm để có biện pháp khắc phục tháo gỡ. Đánh giá sát đúng thực tiễn để rút ra những bài học kinh nghiệm phát hiện và nhân rộng những cách làm hay, hiệu quả những điển hình tiên tiến để biểu dương, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân thực hiện tốt việc triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng. Như vậy thì mới có hiệu quả tốt hơn trong việc triển khai đưa nghị quyết của Đảng vào trong cuộc sống. Châu Minh – Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy