|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh:VGP. |
50% DN FDI báo cáo thua lỗ
Tại Hội thảo, Phó Tổng KTNN Đoàn Xuân Tiên khẳng định, kể từ khi mở cửa nền kinh tế đến nay, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một trong những nhân tố quan trọng của nền kinh tế, bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển, đóng góp vào tăng trưởng GDP và thu ngân sách Nhà nước (NSNN), ghi dấu ấn đậm nét trong xuất khẩu, tạo ra năng lực sản xuất mới, nâng cao khả năng cạnh tranh của DN Việt Nam.
Tuy nhiên, thực tế cũng đã bộc lộ rõ nhiều vấn đề tiêu cực, hạn chế của khu vực FDI. Hiện tượng các DN FDI kê khai, báo lỗ đã khá phổ biến, chiếm khoảng 50% tổng số DN FDI đang hoạt động trên cả nước, trong đó có nhiều nguyên nhân, nhưng phải kể đến hành vi “chuyển giá”. Thậm chí có tình trạng nhiều nhà đầu tư tìm cách chuyển giao những máy móc đã lạc hậu cho các nước nhận đầu tư (trong đó có Việt Nam). Hậu quả của việc này là giá trị thực của những máy móc chuyển giao rất khó xác định, gây tổn hại môi trường sinh thái, chất lượng sản phẩm thấp, chi phí sản xuất cao…
Lãnh đạo KTNN chỉ ra các hạn chế trong quản lý các dự án FDI thời gian qua như: Chưa nhất quán giữa mục tiêu và biện pháp thực hiện thu hút FDI; các chính sách ưu đãi thu hút FDI được áp dụng chung cho toàn bộ các tỉnh thành, chưa dựa trên lợi thế cạnh tranh, đặc thù của mỗi địa phương; chưa thực hiện đánh giá tác động đầy đủ của chính sách và chi phí lợi ích mà chính sách đạt được. Các thủ tục để được nhận ưu đãi chưa minh bạch… Đưa dẫn chứng cụ thể, lãnh đạo KTNN cho biết, TPHCM có tới gần 60% trong số trên 3.500 doanh nghiệp FDI thường xuyên kê khai lỗ trong nhiều năm. Tỉnh Bình Dương, một trong những tỉnh thu hút được nhiều dự án FDI, cũng có đến 50% doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ giai đoạn 2006-2011. Một điều bất hợp lý là mặc dù thua lỗ liên tục và lỗ lớn nhưng doanh nghiệp FDI vẫn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.
Lãnh đạo KTNN chỉ ra ví dụ điển hình như trường hợp của Coca-Cola. Cụ thể, theo Cục thuế TP HCM, từ khi bắt đầu hoạt động ở Việt Nam năm 1992, Công ty Coca-Cola liên tục báo lỗ. Đến tháng 12.2012, tổng số lỗ lũy kế của Coca-Cola Việt Nam lên đến 3.768 tỉ đồng, vượt quá số vốn đầu tư ban đầu. Trong khi đó, sản lượng thực tế của công ty tăng trưởng khoảng 20% mỗi năm và công ty mở rộng nhà máy sản xuất.
Hay như Metro Việt Nam, sau khoảng 12 năm hoạt động, đơn vị này đã 6 lần thay đổi giấy phép kinh doanh, nâng tổng vốn đầu tư tại Metro Việt Nam lên hơn 301 triệu USD. Tuy nhiên, Metro Việt Nam liên tục kê khai lỗ với số lỗ lũy kế lên đến 1.657 tỉ đồng và chỉ duy nhất năm 2010 là có lãi 173 tỉ đồng. Mặc dù lỗ, Metro Việt Nam vẫn tiếp tục mở thêm 19 điểm bán lẻ trên toàn quốc.
GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng thừa nhận về hiện tượng chuyển giá, hiện tượng doanh nghiệp FDI sử dụng máy móc, thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu gây nên tình trạng tiêu hao nhiều năng lượng. Thậm chí, có DN FDI đã lợi dụng sơ hở của cơ quan quản lý để gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, thậm chí đến mức nghiêm trọng. Bên cạnh đó là tình trạng tranh chấp lao động trong các doanh nghiệp FDI có xu hướng gia tăng do xung đột về lợi ích giữa chủ doanh nghiệp với người lao động, một số chủ doanh nghiệp thiếu tôn trọng người lao động…
Phát huy tốt hơn vai trò của kiểm toán
Theo lãnh đạo KTNN, hoạt động chuyển giá đáng báo động vì trong khi các DN FDI báo lỗ thì hầu hết các doanh nghiệp trong nước cùng ngành nghề đều có lãi, nhất là trong lĩnh vực may mặc, da giày.
Sự gian lận này đã gây thất thu cho ngân sách hàng chục ngàn tỷ đồng trong nhiều năm qua. Quy mô các khoản thu NSNN này không nhỏ khi các doanh nghiệp FDI đã chiếm tới khoảng 20% GDP, khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và chiếm trên 40% giá trị sản xuất công nghiệp, trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu, gần 50% tổng kim ngạch nhập khẩu, chiếm khoảng 30% tổng thu.
|
Phó Tổng KTNN Đoàn Xuân Tiên phát biểu. Ảnh:VGP. |
Yêu cầu bức thiết hiện nay là nhận diện đầy đủ mặt trái của việc thu hút đầu tư FDI đến kinh tế, chính trị, xã hội, đặc biệt là chú ý đến môi trường, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp và xây dựng các kế hoạch cụ thể nhằm khắc phục các bất cập, thách thức đang gặp phải.
Để đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong việc đánh giá các chính sách và việc thực thi các chính sách thu hút vốn đầu tư FDI, một trong những yêu cầu cấp bách đặt ra hiện nay là cần có các giải pháp nâng cao vai trò, chất lượng kiểm toán của KTNN.
KTNN là một “vũ khí” quan trọng để góp phần phòng ngừa, hạn chế những mặt trái từ đầu tư FDI, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương và tính bền vững của nền tài chính quốc gia.
Lãnh đạo KTNN cho hay, hàng năm, KTNN đã phát hiện nhiều sai phạm của DN FDI trong lĩnh vực môi trường, đất đai, hoạt động chuyển giá, từ đó đã có các kiến nghị để cơ quan quản lý khắc phục những sai sót, yếu kém, sửa đổi, bổ sung các quy định để ngăn chặn các “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách.
Tuy nhiên, Phó Tổng KTNN Đoàn Xuân Tiên cho rằng các kiểm toán viên của KTNN mới thực hiện kiểm toán một số “mắt xích” rất nhỏ liên quan đến chính sách thu hút FDI như kiểm toán công tác quản lý thuế, đất đai, kiểm toán môi trường và cũng chưa có các chuyên đề kiểm toán riêng… Bởi cơ sở pháp lý để KTNN thực hiện kiểm toán việc ban hành chính sách và đánh giá việc thực thi chính sách thu hút FDI còn chưa rõ ràng, chưa theo đúng tinh thần của Hiến pháp và quy định của Luật KTNN. Thêm nữa, công tác phối hợp giữa KTNN và các cơ quan quản lý nhà nước còn nhiều trở ngại do cơ sở pháp lý còn chưa rõ ràng, đặc biệt là về đối tượng, nội dung kiểm toán.
Trước yêu cầu đặt ra, lãnh đạo KTNN cho rằng, cần có giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán, trong đó tập trung vào việc thu hút vốn đầu tư FDI lành mạnh, làm trong sạch môi trường đầu tư, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam, tăng kim ngạch xuất khẩu, bảo vệ môi trường để góp phần vào thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Do đó, các chuyên gia, đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá, trao đổi quan điểm và làm rõ vai trò của KTNN trong lĩnh vực này nhằm góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, lành mạnh nền tài chính quốc gia.
PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa (Đại học Kinh tế quốc dân) cũng chỉ ra loạt dấu hiệu nhận biết hành vi chuyển giá của các doanh nghiệp FDI như có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn mức trung bình của ngành; có lãi trong thời gian được miễm thuế, nhưng sau đó báo lỗ khi hết thời hạn miễn thuế; chi cho các dịch vụ nội bộ/trong cùng hệ thống chiếm tỉ trọng lớn và kéo dài qua nhiều năm; chi mua máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất, nguyên vật liệu... từ bên liên kết với tỷ trọng lớn trong tổng mua sắm từ các nguồn…
Có cùng quan điểm với KTNN, bà Nguyễn Thị Phương Hoa nhấn mạnh yêu cầu tăng cường trách nhiệm của kiểm toán độc lập trong kiểm toán Báo cáo tài chính (BCTC) của doanh nghiệp FDI. Kiểm toán hoạt động có dấu hiệu chuyển giá cần được thực hiện theo cả hai cách là kiểm toán riêng trong một cuộc kiểm toán hoặc kiểm toán kết hợp trong khi kiểm toán BCTC. Kiểm toán phải trên tất cả các phương diện vì có khả năng chuyển giá ở giao dịch về hàng hoá cũng như giao dịch về dịch vụ, chuyển giá cả yếu tố đầu vào cũng như kết quả đầu ra của đơn vị…
“Cần công khai kết quả kiểm toán hoạt động chuyển giá đối với những hành vi chuyển giá nghiêm trọng. Việc công khai kết quả kiểm toán các hành vi chuyển giá nghiêm trọng sẽ tạo áp lực xã hội như tẩy chay sản phẩm, dịch vụ các doanh nghiệp thực hiện hành vi chuyển giá”, bà Nguyễn Thị Phương Hoa nói.
“Theo kinh nghiệm của Anh, với nghi án hãng cà phê nổi tiếng Starbuck (Mỹ) đầu tư làm ăn ở Anh và thực hiện chuyển giá, khai báo lỗ trong suốt 13 năm và trốn thuế. Do công khai kết quả kiểm toán, người tiêu dùng Anh đã tẩy chay hàng loạt cửa hàng cà phê Starbuck ở Anh, khiến hãng này đã phải tuyên bố xem xét lại việc nộp thuế 5-6 triệu bảng Anh trong năm 2012”, bà Nguyễn Thị Phương Hoa nêu kinh nghiệm quốc tế.
Anh Minh