|
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể kiểm tra Trung tâm giám sát giao thông trên cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. Ảnh: VGP/Phan Trang. |
Ngày 31/8, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trực tiếp kiểm tra thực tế và làm việc với các nhà đầu tư về tình hình triển khai thu phí tự động không dừng tại một số trạm thu phí trên tuyến đường bộ cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Hà Nội - Hải Phòng.
Vào bằng vé, ra bằng làn tự động
Báo cáo Bộ trưởng, ông Phạm Văn Khôi, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ cho biết, đơn vị này đã lắp đặt hệ thống thiết bị thu phí tự động không dừng ô tô tại 44/44 làn thu phí. Việc thu phí tự động được triển khai từ 10/6/2020 và hiện đang vận hành thực tế 18/44 làn (41%).
Thực tế tại hiện trường cho thấy, các trạm thu phí có làn thu tự động đều lắp đặt các bảng thông tin, bảng điện tử để hướng dẫn xe đã dán thẻ trả phí tự động sử dụng đúng làn thu phí tự động.
“Trong tháng đầu tiên triển khai, tỉ lệ trung bình xe sử dụng dịch vụ thu phí tự động là 6%. Sang tháng 7 và 8/2020, tỉ lệ này tăng lên 28% (tương đương 23.000-25.000 lượt xe/tháng)”, ông Khôi cho biết.
Tuyến Cầu Giẽ-Ninh Bình nối thông với tuyến Pháp Vân-Cầu Giẽ do Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc (VEC) quản lý, việc thu phí tự động cũng được thực hiện từ 10/6, nhưng chỉ mới lắp đặt thiết bị thu phí tự động tại 15 làn thu phí, nên tỉ lệ xe trả phí tự động mới đạt khoảng 22% tổng số xe.
Tuyến đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng do Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính (Vidifi) quản lý, đến nay đã lắp đặt xong thiết bị thu phí tự động tại 32/62 làn thu phí. Việc thu phí tự động được triển khai từ 11/8 vừa qua có tỉ lệ xe sử dụng làn phí tự động đạt 6,4% tổng số lượt xe (khoảng 2.000 xe/ngày).
Về tình hình triển khai trên toàn quốc, đại diện Công ty VETC (đơn vị triển khai dịch vụ thu phí tự động) cho biết, hiện toàn quốc có 38 trạm thu phí áp dụng thu phí tự động và tỉ lệ trả phí tự động hiện đạt 33%, tăng 10% so với trước.
|
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nghe đơn vị vận hành hệ thống thu phí không dừng báo cáo trên cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. Ảnh: VGP/Phan Trang. |
Mặc dù đạt nhiều kết quả khả quan, nhưng ông Phạm Văn Khôi cho biết, khó khăn hiện nay là chưa áp dụng chế tài xử phạt khi lái xe điều khiển xe chưa dán thẻ E-tag đi vào làn thu phí không dừng (ETC).
“Tình trạng xe không dán thẻ E-tag đi vào làn ETC khiến máy thay đổi liên tục đang làm ảnh hưởng đến hệ thống (khoảng 1%). Đơn vị đã lập hơn 30.000 biên bản với xe vi phạm trong thời gian vừa qua, yêu cầu lái xe ký cam kết nếu vi phạm trên 3 lần sẽ bị từ chối phục vụ nhưng vì chưa có chế tài xử phạt nên tình trạng lái xe vi phạm vẫn tiếp diễn. Chưa kể đến việc do dùng làn ETC nên lưu lượng xe mua vé còn lại (khoảng 70%) đi vào làn thu phí thủ công dẫn đến tình trạng ùn tắc”, ông Khôi chia sẻ.
Thậm chí, ông Nguyễn Văn Nhi, Phó Tổng Giám đốc VEC còn cho biết, có tình trạng lái xe cố tình điều khiển xe không dán thẻ E-tag đi vào làn ETC mà đơn vị thu phí không xử lý được, gây ra tình trạng kẹt xe buộc phải xả trạm hoặc cá biệt có trường hợp lái xe đi vào tuyến bằng vé thủ công còn đi ra bằng làn tự động.
|
Dữ liệu từ hệ thống gíam sát giao thông được khai thác để cung cấp cho các cơ quan chức năng. Ảnh: VGP/Phan Trang |
Xử phạt sau khi hoàn tất lắp đặt thu phí không dừng trên toàn quốc
Đối với vấn đề chế tài xử phạt mà các nhà đầu tư BOT nêu ra, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, lái xe điều khiển xe chưa dán thẻ E-tag đi vào làn ETC sẽ bị xử lý theo Điểm c Khoản 4 Điều 5 của Nghị định 100/2019 quy định xử phạt 1-2 triệu đồng đối với ô tô không đủ điều kiện nhưng vẫn đi vào làn thu phí không dừng (ETC) ngay sau khi hoàn tất lắp đặt các trạm thu phí không dừng trên toàn quốc (31/12/2020).
Ông Nguyễn Văn Huyện đề nghị các trạm BOT cần phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông để phân làn nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc khi chưa áp dụng chế tài xử phạt.
Trước tình trạng còn nhiều ô tô chưa dán thẻ trả phí tự động, tài khoản không đủ tiền thanh toán nhưng vẫn lưu thông vào làn thu phí tự động, gây chậm trễ, bức xúc cho phương tiện khác, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, việc để xảy ra lộn xộn tại trạm thu phí có một phần trách nhiệm của nhà đầu tư.
“Các nhà đầu tư phải tổ chức lực lượng hướng dẫn, thông báo, phân luồng từ xa cho phương tiện sử dụng đúng làn. Làn thu phí tự động không dừng là làn ưu tiên nên cần có quy định vận hành rõ ràng, để người dân thấy được lợi ích của thu phí tự động. Đối với trường hợp xe cố tình vi phạm nhiều lần để gây rối, cản trở, các nhà đầu tư có thể đề xuất lực lượng chức năng hỗ trợ giải quyết”, Bộ trưởng nói.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho biết, hiện Bộ GTVT đã thống nhất với Bộ Công an tăng cường phối hợp công tác giám sát qua công nghệ, phạt nguội vi phạm giao thông. Các dữ liệu từ hệ thống giám sát giao thông phải được khai thác tuyệt đối để cung cấp cho Cảnh sát giao thông, lực lượng chức năng để phục vụ công tác bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Việc tuyến đường Cầu Giẽ-Ninh Bình không đồng bộ với tuyến Pháp Vân-Cầu Giẽ về hệ thống thu phí tự động khiến hiệu quả thu phí tự động bị hạn chế, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu lãnh đạo VEC báo cáo ngay Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước để khẩn trương triển khai công tác thu phí không dừng trên tuyến Cầu Giẽ-Ninh Bình và các tuyến đường khác do VEC quản lý, thực hiện nghiêm theo Quyết định số 19/2020 của Thủ tướng quy định về thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng.
“Việc chuyển sang hình thức thu phí tự động không dừng là chủ trương lớn của Chính phủ, mang lại nhiều lợi ích, được nhân dân ủng hộ. Theo chỉ đạo của Chính phủ, chậm nhất đến cuối năm 2020, tất cả các trạm thu phí phải áp dụng hình thức thu phí tự động không dừng. Vì vậy, các cơ quan quản lý và nhà đầu tư, lực lượng liên quan cần nỗ lực hơn trong việc triển khai thu phí tự động không dừng để đạt kết quả tốt hơn”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Phan Trang