Đây là 1 trong những nội dung được trao đổi tại Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Áp dụng Basel II trong quản trị rủi ro của các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam: cơ hội, thách thức và lộ trình thực hiện” do Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức vừa qua.
Một số kết quả bước đầu
Từ tháng 6/2004, Basel II đã chính thức được ban hành. Mục tiêu của Basel II là tăng cường hơn nữa hoạt động ổn định và lành mạnh của hệ thống ngân hàng quốc tế và thúc đẩy hoạt động quản trị rủi ro tốt hơn trong ngành ngân hàng. Như ông Jaime Caruana, cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Tây Ban Nha và cựu Chủ tịch ủy ban Basel đã từng phát biểu, Basel II không dự định là bảo đảm tuân thủ các quy tắc về yêu cầu vốn chủ sở hữu mà Bộ qui tắc này nhằm mục tiêu tăng cường chất lượng quản trị rủi ro và giám sát ngân hàng.
Tại Việt Nam, định hướng thực hiện Basel II trong hệ thống ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng.
Gần đây, NHNN đã có Công văn số 1601/NHNN-TTGSNH ngày 17/3/2014 lựa chọn 10 ngân hàng trong nước thí điểm triển khai Basel II, tiến tới thực hiện triển khai áp dụng Basel II đối với tất cả các ngân hàng trong nước. NHNN đã xây dựng và ban hành Thông tư 41/2016/TT-NHNN (Thông tư 41) ngày 30/12/2016 quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh NHNN theo phương pháp tiêu chuẩn và có hiệu lực thi hành từ 1/1/2020 đối với toàn hệ thống ngân hàng.
Về phía ngân hàng thương mại, Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) là những đơn vị tiên phong trong trong áp dụng các chuẩn quản trị rủi ro tiên tiến của thế giới. Vietcombank cũng đã phối hợp cùng Công ty PwC triển khai dự án hoàn thiện khung pháp lý quản lý rủi ro thị trường theo yêu cầu Basel II.
Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho biết, dự án đã cơ bản hoàn thành mục tiêu xây dựng một khuôn khổ vững chắc để đo lường và quản trị rủi ro thị trường cho các sản phẩm kinh doanh vốn hiện tại và tương lai. Ban lãnh đạo Vietcombank yêu cầu các bộ phận từ kinh doanh, quản lý rủi ro đến tác nghiệp, công nghệ, kiểm toán…cần phối hợp chặt chẽ, xuyên suốt để giải quyết triệt để các khuyến nghị của tư vấn, triển khai đúng lộ trình các nhiệm vụ đã đặt ra. Với việc hoàn thành khung quản lý rủi ro thị trường này, Vietcombank đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu chính của Chương trình Quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II.
Trước đó, dịp đầu tháng 12, Ngân hàng TMCP Phương Đông Việt Nam (OCB) cũng chính thức công bố hoàn thành dự án xây dựng khung quản lý vốn theo Basel II. Ngân hàng đã được kiểm tra sức chịu đựng trong các kịch bản về vốn và lập kế hoạch vốn cho giai đoạn 2017 - 2020. Đáng chú ý, dù ở ngoài danh sách các ngân hàng được NHNN chỉ định triển khai Basel II, OCB đã chủ động thực hiện lộ trình này và áp dụng Basel II trong toàn hệ thống của mình.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho biết, khi triển khai Basel II giúp OCB có được một cơ cấu tổ chức quản trị rủi ro phù hợp, với chức năng, nhiệm vụ rõ ràng; các công cụ quản lý rủi ro được xây dựng phục vụ cho việc nhận diện, đo lường, đến theo dõi và báo cáo rủi ro; hệ thống công nghệ và dữ liệu phù hợp.
Lợi ích rõ rệt nhất mà Basel II mang lại cho hệ thống ngân hàng Việt Nam là tăng cường cạnh tranh lành mạnh và minh bạch của hệ thống, tăng cường sức đề kháng của các ngân hàng trước bất ổn và biến động của thị trường.
Sớm khắc phục những vướng mắc
GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, trong xu hướng hội nhập, việc áp dụng Basel II tại các NHTM Việt Nam là một xu thế phù hợp với yêu cầu hoạt động và quá trình hội nhập quốc tế.
Kết quả từ một số nghiên cứu cho thấy, hầu hết các ngân hàng thí điểm đã thành lập Ban quản ý dự án Basel II, tỷ lệ an toàn vốn của hệ thống ngân hàng đã cao hơn 10% (quy định là 9%), các NHTM rất nỗ lực để hoàn thiện hơn nữa hệ thống quản trị rủi ro nhưng rủi ro…
Dù vừa qua đã đạt được những kết quả bước đầu, nhưng theo ông Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, lộ trình áp dụng Basel II trong quản trị rủi ro tại các NHTM không đơn giản và còn nhiều vấn phức tạp và có nhiều vấn đề nảy sinh cần tiếp tục được nghiên cứu và xử lý. Thực tế, tỷ lệ an toàn vốn của hệ thống ngân hàng cao hơn quy định nhưng vẫn thấp hơn các nước trong khu vực. Nợ xấu vẫn còn tiểm ẩn, vấn đề khác biệt về chuẩn mực kế toán và công bố thông tin hiện tại so với chuẩn mực quốc tế…
Có cùng quan điểm, TS. Phan Hữu Việt - Cơ quan thanh tra giám sát – NHNN cho biết, để thực hiện Basel II theo đúng lộ trình, NHNN đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai Basel II. Các ngân hàng đã có sự chuyển biến tích cực về nhận thức, vai trò, tác động của việc triển khai Basel II nhằm phát triển ngân hàng theo các chuẩn mực, thông lệ quốc tế về an toàn vốn và quản trị rủi ro. Do đó mặc dù đang tiếp tục tập trung nguồn lực thực hiện tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, 10 ngân hàng thí điểm đã thể hiện rõ sự quyết tâm thực hiện.
Tuy vậy, các ngân hàng vẫn gặp khó khăn trong việc thay đổi nhận thức của người quản lý và điều hành. Khoảng cách về quản trị, điều hành của các NHTM còn khá xa với các yêu cầu của Basel II. Cơ sở dữ liệu và hạ tầng thông tin yếu cũng là thách thức không nhỏ trong việc triển khai Basel II. Chi phí tài chính để triển khai Basel II tương đối lớn, đây là thách thức chủ yếu đối với các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ.
Đại diện một NHTM bậc trung, có tổng tài sản là 155.000 tỷ đồng, bà Nguyễn Thị Thanh Sơn-Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho rằng, các ngân hàng phải tự nhận thấy việc nâng chuẩn không phải chỉ vì chỉ đạo của NHNN mà còn vị mục tiêu phát triển ổn định, lâu dài, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh và xếp hạng của ngân hàng.
Tuy nhiên, đại diện LienVietPostBank cũng chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn triển khai cũng nhiều khó khăn, đòi hỏi nguồn lực tài chính phát sinh khi thực hiện Basel, chi phí này tang lập tức ảnh hưởng đến giá vốn. Bà Sơn dẫn chứng với trường hợp cho vay bất động sản, tỷ lệ rủi ro trước đây là 100% nhưng nếu áp theo Basel II thì rủi ro tăng lên 200% vậy NHTM phải lựa chọn hoặc tăng giá vốn cho vay.
Sau khi nghiên cứu trao đổi về những điển hình tốt và những vướng mắc, các chuyên gia đưa ra nhiều kiến nghị với các cơ quan quản lý và ngân hàng. Thứ nhất, đối với Quốc hội và Chính phủ, cần định hướng phát triển thị trường mua bán nợ, hoàn thiện hoạt động của công ty mua bán nợ. Thứ hai, về phía NHNN, ngoài các điều kiện về cơ bản đã có của môi trường pháp lý để thực hiện Basel II, cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho vấn đề bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng theo các chuẩn mực quốc tế, tăng cường năng lực tài chính của các NHTM; thực hiện lộ trình áp dụng Basel II tại các ngân hàng cùng với quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.
Cuối cùng, đối với các NHTM, cần chú trọng nguồn nhân lực triển khai dự án Basel II tại các ngân hàng, xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu và thông tin nhằm đảm bảo các thông tin tài chính được chuẩn hóa. Bên cạnh đó, cần có lộ trình rõ ràng để tăng vốn chủ sở hữu của ngân hàng; hoàn thiện, nâng cao năng lực quản trị điều hành, xây dựng chiến lược và chính sách quản trị rủi ro.
Huy Thắng