Số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 phục vụ đắc lực cho đại hội đảng các cấp 

(ĐCSVN) - Những thông tin, số liệu thu thập được từ cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở có ý nghĩa rất quan trọng và quý báu, được công bố vào thời điểm các cấp, các ngành, Trung ương và các địa phương đang tích cực chuẩn bị cho công tác xây dựng văn kiện trình Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

 

 [INFOGRAPHIC] Dân số Việt Nam qua 5 lần tổng điều tra (1979, 1989, 1999, 2009, 2019) - Thiết kế: Trần Quỳnh

Tổng điều tra dân số và nhà ở tại Việt Nam đã được thực hiện trong nhiều thập kỷ qua nhằm cung cấp thông tin toàn bộ về tình hình dân số, các đặc điểm dân cư và tình trạng nhà ở, điều kiện sống của toàn thể người dân tại thời điểm điều tra. Tổng điều tra dân số và nhà ở được tiến hành theo chu kỳ 10 năm/lần.

Cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở lần thứ 5 (tháng 4/2019) vừa tiến hành công bố kết quả. Đây là cuộc điều tra có nhiều điểm mới, mang tính đột phá so với 4 lần tiến hành trước, trong đó nổi bật là việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin.

Cuộc Tổng điều tra năm 2019 áp dụng đồng thời phương pháp điều tra phỏng vấn trực tiếp để điền thông tin vào phiếu hỏi điện tử với sự trợ giúp của máy tính bảng và điện thoại thông minh, điền thông tin vào phiếu giấy và hộ dân cư tự điền thông tin vào phiếu điện tử trực tuyến. Theo ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cải tiến này đã đem lại những lợi ích thiết thực trong nâng cao chất lượng số liệu, tăng tính minh bạch và chặt chẽ của quy trình sản xuất thông tin thống kê, rút ngắn thời gian công bố kết quả, giảm kinh phí điều tra thống kế và phù hợp với xu hướng điều tra của thế giới.

Thông tin thu thập từ Tổng điều tra được đồng bộ ngay sau khi hoàn thành mỗi phiếu hỏi. Khi điều tra viên kết thúc phỏng vấn và đồng bộ dữ liệu cũng là lúc dữ liệu đã sẵn có trên máy chủ đặt tại Trung ương. Kết quả là chỉ sau hơn 2 tháng hoàn thành thu thập thông tin tại địa bàn, dữ liệu cơ bản đã được hoàn thiện để biên soạn báo cáo kết quả Tổng điều tra và sử dụng trong quá trình điều hành, quản lý tại cấp Trung ương và địa phương. Dữ liệu Tổng điều tra năm 2019 có sớm hơn một năm so với phương pháp điều tra truyền thống.

10 nhóm thông tin chủ yếu được cung cấp qua cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 gồm: Thông tin chung về dân số; mức độ sinh, chết và phát triển dân số; trình độ giáo dục, đào tạo; tình trạng khuyết tật; tình trạng hôn nhân; tình trạng di cư; tình hình đăng ký khai sinh của trẻ em; tình hình lao động – việc làm; thực trạng về nhà ở; điều kiện sinh hoạt cơ bản của hộ dân cư.

Cũng theo ông Nguyễn Bích Lâm, những nhóm thông tin trên phải đảm bảo tính so sánh với các cuộc Tổng điều tra trước đây và đáp ứng yêu cầu thông tin phục vụ xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 của mỗi địa phương và của quốc gia.

Một điểm mới nữa là kết quả Tổng điều tra đã lồng ghép thông tin đáp ứng biên soạn các chỉ tiêu phát triển bền vững. Mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu là mục tiêu phổ quát được thiết kế nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo tất cả mọi người đều được hưởng hòa bình, thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Ngày 10/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững với 17 mục tiêu chung và 115 mục tiêu cụ thể tương ứng với các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu. Căn cứ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư quy định Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam gồm 158 chỉ tiêu. Tổng điều tra năm 2019 được thiết kế, lồng ghép để thu thập, cung cấp thông tin phục vụ tính toán và đánh giá khoảng 15% các chỉ tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Ngoài ra các thông tin về dân số từ cuộc Tổng điều tra cũng là cơ sở để tính một số chỉ tiêu phát triển bền vững khác của quốc gia.

Nhiều con số, nhận định được đưa ra từ cuộc Tổng điều tra đã vẽ nên bức tranh tổng thể về dân số và nhà ở của nước ta. Ví dụ: chỉ số già hóa có xu hướng tăng lên nhưng Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, cứ một người phụ thuộc được gánh đỡ bởi hai người trong độ tuổi lao động; mặc dù dân số liên tục tăng nhưng di cư đang có dấu hiệu giảm cả về số lượng và tỷ lệ. Tây Nguyên từ vùng nhập cư trở thành vùng xuất cư. Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ là hai vùng nhập cư. Gần một nửa dân số từ 15 tuổi trở lên tham gia thị trường lao động là phụ nữ. Nguồn lao động trẻ, dồi dào nhưng trình độ tay nghề và chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động nước ta vẫn còn thấp; lao động đòi hỏi kỹ năng thấp vẫn chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế; tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam ở mức thấp nhưng tỷ lệ thất nghiệp ở người có trình độ chuyên môn cao lớn hơn tỷ lệ thất nghiệp của người có trình độ chuyên môn thấp. Tỷ lệ thất nghiệp của dân số từ 15 tuổi trở lên của nước ta là 2,05%. Phần lớn dân cử có nhà ở đang sống trong những ngôi nhà kiên số hoặc bán kiên cố. Diện tích bình quân đầu người về nhà ở đã tăng so với 10 năm trước nhưng còn cần nhiều nỗ lực để đạt được mục tiêu của Chiến lược phát triển nhà ở đến 2020, tầm nhìn đến 2030 là diện tích nhà ở tối thiểu 8m2 sàn/người…

Những thông tin, số liệu thu thập được từ cuộc Tổng điều tra có ý nghĩa rất quan trọng và quý báu, được công bố vào thời điểm các cấp, các ngành đang tích cực chuẩn bị cho công tác xây dựng văn kiện trình Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Các số liệu thống kê cho thấy hiệu quả của việc thực thi các chính sách về dân số và phát triển thời gian qua, đồng thời cũng phản ánh những hạn chế, bất cập của chính sách đối với các nhóm đối tượng, lĩnh vực khác nhau như đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ, người có trình độ giáo dục thấp…

Vấn đề mấu chốt hiện nay là các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương cần tiếp cận, sử dụng hiệu quả bộ dữ liệu của cuộc Tổng điều tra để phục vụ cho quá trình tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, cấp ủy, chính quyền địa phương hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ tới dựa trên bằng chứng, đảm bảo phát triển theo phương châm dân số vừa là mục tiêu, vừa là động lực của quá trình phát triển và không để ai bị bỏ lại phía sau./.

 
Trần Quỳnh
362 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1255
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1255
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87102472