Tại nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố, hoạt động sản xuất đã dần trở lại bình thường nhằm đáp ứng kịp thời các đơn hàng sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh

Chiều 18/10, tại họp báo  thông tin về công tác phòng chống dịch COVID-19, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh Phạm Đức Hải cho hay, ngày 14/10, Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn số 8688/BYT-DP về việc tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi. Việc tiêm chủng được thực hiện theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp (tiêm trước cho trẻ từ 16-17 tuổi và hạ dần độ tuổi) theo tiến độ cung ứng vắc xin và tình hình dịch tại địa phương. Bộ cũng đề nghị các địa phương có thể xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm mũi 1 từ tháng 10 nếu đã chuẩn bị đủ điều kiện.

Danh sách tiêm bao gồm trẻ đang đi học từ lớp 6 đến hết lớp 12. Đối với trẻ thuộc lứa tuổi này không đi học, các sở y tế cần phối hợp với chính quyền địa phương để lập danh sách. Việc tổ chức tiêm được thực hiện tại các cơ sở tiêm chủng cố định, tại điểm tiêm lưu động và trường học (đối với các địa bàn tổ chức được học tập trung ở trường).

Cũng theo ông Hải, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh dự thảo Kế hoạch tổ chức tiêm chủng cho trẻ từ 12-17 tuổi trên địa bàn Thành phố. Sau khi Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể hơn về thông tin loại vắc xin sẽ tiêm, tiêm vào thời điểm nào, tiêm ra sao…, lúc đó Sở Y tế Thành phố sẽ tiếp tục hoàn chỉnh tờ trình. Từ đó, UBND TP Hồ Chí Minh mới ban hành kế hoạch tiêm chủng vắc xin cho trẻ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Liên quan đến tiến độ thu hẹp các bệnh viện dã chiến, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó Chánh văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, theo lộ trình, Sở kiến nghị với UBND Thành phố cho phép các bệnh viện được tiếp nhận và triển khai mô hình bệnh viện dã chiến điều trị 3 tầng.

Cụ thể, Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh tiếp nhận Trung tâm hồi sức thuộc Bệnh viện hữu nghị Việt Đức (đã tiếp nhận ngày 15/10), Bệnh viện Nhân dân Gia Định tiếp nhận Trung tâm hồi sức thuộc Bệnh viện Bạch Mai (đã tiếp nhận ngày 15/10), Bệnh viện nhân Nhân dân 115 sẽ tiếp nhận Trung tâm hồi sức của Bệnh viện Trung ương Huế dự kiến vào cuối năm 2021. Còn lại các bệnh viện thu dung sẽ theo lộ trình ngưng hoạt động từ nay đến hết ngày 31/12.

Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Lao động , Thương binh và xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, theo số liệu từ Ban Quản lý chế xuất, khu công nghiệp, Khu công nghệ cao, số người lao động trở lại TP Hồ Chí Minh ngày càng tăng, đến nay thêm gần 135.000 người. Số người lao động trở lại các doanh nghiệp trên địa bàn quận huyện khoảng 5.000 người. Thời gian qua, số lượng người lao động ở Tây Nguyên trở lại làm việc khá đông, cho thấy nguồn lao động sắp tới sẽ khả quan hơn./.

 

V.Lê