Báo cáo tại Hội nghị cho biết, qua 5 năm thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tố quốc, các ban ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã chú trọng quan tâm đến chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng phong trào ở địa bàn dân cư, vùng tôn giáo, vùng dân tộc, vùng biên giới, vùng kinh tế, khu công nghiệp và trong các cơ quan, đơn vị, trường học... Phong trào cũng được gắn kết với các phong trào, cuộc vận động khác như: “Dân vận khéo”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, xây dựng cơ quan, đơn vị “An toàn về an ninh, trật tự”, “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Ngày hội quốc phòng toàn dân”...
Để nâng cao hiệu quả của phòng trào, hàng năm, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền ở địa phương cơ sở, thường xuyên rà soát, phân loại, xác định cụ thể những địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT để có kế hoạch chuyển hóa địa bàn. Tăng cường giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân ngay tại cơ sở; tiếp nhận đơn thư tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội và hiện tượng nhũng nhiễu của cán bộ, đảng viên... ở địa bàn dân cư nhằm tạo lòng tin của quần chúng nhân dân với Đảng và chính quyền.
Từ năm 2012 đến nay, qua rà soát toàn tỉnh đã đưa hơn 100 địa bàn thôn, xã, phường, thị trấn và 14 cơ quan, doanh nghiệp, trường học phức tạp về ANTT để tập trung xây dựng, củng cố; trong đó, đã chuyển hóa 25 địa bàn phức tạp về ANTT thành địa bàn không có tội phạm hoặc giảm đến mức thấp nhất về tội phạm. Tiếp nhận trên 35 nghìn nguồn tin, đơn, thư tố giác liên quan đến ANCT- TTATXH, giúp cho việc điều tra, khám phá trên 4.700 vụ việc, bắt và xử lý hơn 6.500 đối tượng vi phạm pháp luật.
Việc xây dựng, củng cố, duy trì hoạt động các mô hình, tổ chức quần chúng tự quản về ANTT tại các khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường... theo hướng “Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải” được quan tâm.
Hiện, trên địa bàn tỉnh có 38 loại mô hình hoạt động hiệu quả như: Mô hình “Khu dân cư 3 không”, “Dòng họ tự quản về ANTT”, “Tổ an ninh nhân dân”, Tổ tuần tra nhân dân”, “Tổ/đội xe thồ tự quản”, “Vùng giáo an toàn về ANTT”; mô hình “Liên kết đảm bảo ANTT ở cụm giáp danh”, “Tự phòng, tự quản về ANTT, phòng chống cháy nổ, ATGT, nói không với ma túy”... Các mô hình tự quản đã phát huy vai trò đắc lực trong việc tham gia giải quyết hòa giải nhiều vụ việc liên quan đến ANTT và mẫu thuẫn phát sinh ngay từ ban đầu, kịp thời ngăn chặn không để xảy ra các vụ việc kéo dài và hình thành “điểm nóng” ở địa phương, cơ sở.
Đánh giá tại Hội nghị, các đại biểu thống nhất nhật định: Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn tỉnh đã phát triển bền vững, có chiều sâu, nhất là đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, góp phần chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hàng năm có trên 97% khu dân cư, xã, phường, thị trấn và 70% cơ quan, doanh nghiệp, trường học đạt tiêu chuẩn về “An toàn ANTT” theo Thông tư 23/2012/TT-BCA của Bộ Công an.
Đạt được kết quả kể trên, trước hết là do tinh thần trách nhiệm đội ngũ cốt cán ở cơ sở, các mô hình và điển hình trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được củng cố, nhân rộng và hoạt động có hiệu quả. Bên cạnh đó, vai trò nòng cốt và tham mưu của các cơ quan chức năng, nhất là của lực lượng Công an được phát huy và làm tốt vai trò xung kích trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân tự giác tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc quán triệt và triển khai Chỉ thị 09-CT/TW ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh còn chưa sâu rộng, thường xuyên nên phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại một số cơ sở còn mang tính hình thức, chưa có cơ chế hoạt động, biện pháp kiểm tra, giám sát, còn có tư tưởng “khoán trắng” cho lực lượng công an; công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm còn dàn trải, chưa có giải pháp sáng tạo, còn ít mô hình tự quản về ANTT...
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Bùi Thanh Hà, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tiếp tục triển khai nghiêm túc, đồng bộ và toàn diện Chỉ thị 09-CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị 23/CT-TU của Ban thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”, nhất là Chỉ thị 46/CT/TW ngày 22/6/2015 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới”.
Trong đó, tiếp tục quan tâm đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục và vận động nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với công tác dân vận và xây dựng, nhân rộng mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ và tự hòa giải ở cơ sở; đối mới, nâng cao chất lượng công tác phối hợp giữa Công an - MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức đoàn thể; chủ động xây dựng kế hoạch liên ngành giữa Công an với các ngành, lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm, nhất là đối với các trường đại học, các doanh nghiệp có số lượng lớn người lao động; tiếp tục củng cố, phát huy vai trò của người có uy tín ở cộng đồng dân cư, già làng - trưởng bản trong đồng bào dân tộc thiểu số làm chỗ dựa trực tiếp, tin cậy trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc... /.
Phạm Hướng