Ban Chỉ đạo đã tập trung kiểm tra các tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; thanh tra các lĩnh vực, địa bàn dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực - Ảnh: VGP/LS
Khởi tố mới 530 vụ án/1.858 bị can phạm tội về tham nhũng
Tham dự Hội nghị có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; các Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng là thành viên Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương và thành viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; Ban Nội chính các tỉnh, thành phố.
Trình bày báo cáo tại Hội nghị, ông Võ Văn Dũng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương cho biết sau 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng.
Theo đó, các Ban Chỉ đạo đã tham mưu, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTNTC; các kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương, của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương được thực hiện nghiêm túc, kịp thời và hiệu quả hơn trước.
Đã có 2.196 văn bản được các Ban Chỉ đạo tham mưu, ban hành, chỉ đạo ban hành để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác PCTNTC ở địa phương. Nhiều tỉnh, thành phố đã làm tốt vấn đề này, như: Lào Cai, Ninh Thuận, Bình Thuận, Trà Vinh, Sóc Trăng…. Việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện kịp thời nêu trên đã tạo sự nhất quán cao từ Trung ương đến địa phương nhằm đưa Nghị quyết, chủ trương, quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước, của Tổng Bí thư đi vào cuộc sống.
Các Ban Chỉ đạo đã quan tâm chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, qua đó đã kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh nhiều việc làm sai, phát hiện, chỉ đạo xử lý nghiêm nhiều tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên vi phạm. Đã tập trung kiểm tra các tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; thanh tra các lĩnh vực, địa bàn dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; thanh tra, kiểm tra chuyên đề theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương và hướng dẫn của các cơ quan chức năng ở Trung ương.
"Qua kiểm tra, giám sát, thanh tra đã xử lý, kiến nghị xử lý kỷ luật nhiều tổ chức Đảng, đảng viên có hành vi tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; chuyển 286 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật, tăng gấp gần 3 lần so với thời điểm 1 năm trước khi thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh", ông Võ Văn Dũng cho biết.
Bên cạnh việc chỉ đạo các ngành chức năng, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã tiến hành 147 cuộc kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc trong việc thực hiện các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTNTC; về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm; về thực hiện các kết luận của các đoàn công tác của Ban Chỉ đạo, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương; các kết luận thanh tra và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.
Đã tập trung chỉ đạo xử lý các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực; các vụ án, vụ việc kéo dài, dư luận xã hội quan tâm ở từng địa phương. Đưa 444 vụ án, 156 vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo. Khởi tố mới 530 vụ án/1.858 bị can phạm tội về tham nhũng; số cán bộ, đảng viên bị khởi tố do hành vi tham nhũng, tiêu cực là 1.132 bị can. Xử lý kỷ luật 15 tổ chức Đảng và gần 80 cán bộ, công chức các cơ quan có chức năng PCTNTC sai phạm về tham nhũng, tiêu cực.,
Công tác PCTNTC được thực hiện nghiêm theo chủ trương "xử lý không có vùng cấm, không có trường hợp ngoại lệ".
Công tác tuyên truyền, giáo dục về PCTNTC được quan tâm; vai trò của Mặt trận Tổ quốc, của báo chí và nhân dân trong PCTNTC đã được các Ban Chỉ đạo phát huy.
Cùng với tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, nhiều Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã quan tâm chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTNTC.
Sau 3 hội nghị tập huấn toàn quốc về công tác PCTNTC của Ban Nội chính Trung ương cho tất cả cán bộ các Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy năm 2022, nhiều địa phương đã quan tâm tổ chức hội nghị, mở lớp tập huấn công tác PCTNTC cho cán bộ chủ chốt của tỉnh, cán bộ trong khối nội chính, lãnh đạo chủ chốt cấp huyện.
Đặc biệt từ đầu năm 2023 đến nay, ngoài Hội nghị toàn quốc do Ban Nội chính Trung ương chủ trì, đã có 37/63 tỉnh, thành phố tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung và giá trị cốt lõi của Tác phẩm "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTNTC, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Nguyễn Phú Trọng với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến cấp xã, nên số người dự hội nghị lên đến hàng chục nghìn đại biểu tham dự.
Quán triệt nội dung Tác phẩm của Tổng Bí thư là tâm điểm của công tác tuyên truyền, công tác tư tưởng của Đảng từ đầu năm 2023 đến nay, việc quán triệt nội dung cuốn sách thật sự là một đợt sinh hoạt chính trị trong toàn Đảng mà người tham dự không chỉ coi đây là trách nhiệm, mà còn là niềm vinh dự, với sinh khí hồ hởi, phấn khởi.
Ngoài việc hiểu được tình cảm thương dân, phong cách gần dân, nói không với tham nhũng, tiêu cực, kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ lúc chưa phải là cán bộ chủ chốt của Đảng, cán bộ, đảng viên còn được hiểu đầy đủ, sâu sắc quan điểm, chủ trương PCTNTC của Tổng Bí thư và của Đảng, Nhà nước ta hiện nay. Sự thống nhất, đồng tình, ủng hộ công cuộc PCTNTC của Đảng và Nhà nước cũng do đó mà tiếp tục được nâng lên.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng trình bày báo cáo tại Hội nghị - Ảnh: VGP/LS
Cơ chế phối hợp xử lý các vụ án, vụ việc theo 5 cấp độ
Bên cạnh đó, việc phối hợp cung cấp thông tin, công khai kết quả xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm cũng như tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực được các địa phương rất quan tâm. Điều này vừa định hướng dư luận, tạo điều kiện để báo chí, nhân dân tham gia giám sát, vừa góp phần đấu tranh, phản bác các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phần tử xấu.
Một số Ban Chỉ đạo đã xây dựng kế hoạch bài bản để chỉ đạo công tác tuyên truyền về PCTNTC, giáo dục văn hóa liêm chính, tổ chức giải báo chí về PCTNTC; một số địa phương xây dựng các chương trình truyền hình về PCTNTC. Lào Cai, Đà Nẵng là những địa phương nổi bật trong số các địa phương làm tốt vấn đề này.
Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo, các Thành viên và Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo các địa phương đã kịp thời nắm bắt và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và phát huy được vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTNTC ở địa phương. Dù còn mới mẻ, kinh nghiệm chưa nhiều, nhưng các Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về cơ bản đã thực hiện nghiêm túc chế độ làm việc, duy trì nề nếp về các Phiên họp, Cuộc họp định kỳ theo quy định; chủ động ban hành các quy định, quy trình nghiệp vụ, đảm bảo việc triển khai các mặt công tác từng bước đi vào nề nếp, bài bản, khoa học.
Đến nay, có 28/63 Ban Chỉ đạo đã ban hành xong các quy định, quy trình nghiệp vụ, trong đó có 24 Ban Chỉ đạo đã ban hành quy định, quy trình về kiểm tra, giám sát. Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh ở nhiều địa phương đã thường xuyên họp cho ý kiến về đường lối xử lý các vụ án, vụ việc; chỉ đạo tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc, từ đó đã đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực.
Ban Nội chính các Tỉnh ủy, Thành ủy đã bước đầu phát huy tốt vai trò là Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; tham mưu, thực hiện, hoàn thành nhiều công việc quan trọng, phục vụ triển khai hoạt động của Ban Chỉ đạo. Nhiều nơi đã làm tốt vai trò khâu nối giữa các cơ quan tố tụng; kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc để chủ động đề xuất, tham mưu tháo gỡ.
Không ít địa phương đã học tập, vận dụng các cơ chế phối hợp của Ban Chỉ đạo Trung ương áp dụng cho quá trình phối hợp ở địa phương đem lại hiệu quả cao.
Cơ chế phối hợp xử lý các vụ án, vụ việc theo "5 cấp độ", cơ chế "tài liệu, chứng cứ rõ đến đâu xử lý đến đó" được nhiều địa phương áp dụng. Chính vì vậy mà đã tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất được chủ trương, định hướng xử lý đối với nhiều vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, có khó khăn, vướng mắc, quan điểm xử lý còn khác nhau giữa các cơ quan chức năng, tạo bước đột phá trong xử lý vụ án, vụ việc ở các địa phương.
Mặc dù có những khó khăn, vướng mắc ban đầu, nhưng các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã nỗ lực, quyết tâm cao, khẩn trương triển khai các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định; kế thừa, phát huy, vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm được rút ra qua tổng kết 10 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương để lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTNTC ở địa phương và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Nhất là đã lựa chọn những khâu yếu, việc khó, dư luận xã hội bức xúc để tập trung chỉ đạo giải quyết; vừa tập trung chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực xảy ra trước đây, quá trình xử lý kéo dài, có khó khăn, vướng mắc; vừa chỉ đạo đẩy mạnh phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc mới nảy sinh; vừa quan tâm chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác PCTNTC; chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực. Hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh từng bước đi vào nền nếp, thực sự là chỗ dự tin cậy để các cơ quan chức năng yên tâm thực thi nhiệm vụ, cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực tham gia vào công tác PCTNTC.
Kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo sau 1 năm đã góp phần quan trọng tạo sự chuyển biến ngày càng rõ nét hơn trong công tác PCTNTC ở địa phương, nhất là trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực; từng bước khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" trước đây.
Có thể nói, ít có một nghị quyết nào được quán triệt, triển khai thực hiện khẩn trương như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) về thành lập Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh. Điều đó khẳng định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là đúng đắn, cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, thể hiện quyết tâm cao của các địa phương, sự đồng lòng, nhất trí từ Trung ương đến địa phương và cơ sở, sự đồng thuận, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và nhân dân theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương "Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt".
Ngoài ý nghĩa đó thì việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh còn là dấu mốc quan trọng nói lên hệ thống tổ chức, bộ máy lãnh đạo, chỉ đạo PCTNTC của Việt Nam ta được hoàn thiện thêm một bước mới.
5 bài học kinh nghiệm từ công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực
Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh sau 1 năm thành lập, có thể rút ra một số kinh nghiệm bước đầu sau đây:
Một là, Có chủ trương, nghị quyết đúng; có sự đồng thuận cao, cùng với sự chỉ đạo và thực hiện quyết liệt của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương và của Ban Thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương là "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt", sẽ là chỗ dựa quan trọng, vững chắc để Ban Chỉ đạo cấp tỉnh yên tâm, chủ động, quyết liệt tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ PCTNTC, nhất là trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực.
Hai là, Ban Chỉ đạo phải có quy chế làm việc, chương trình, kế hoạch công tác, phân công nhiệm vụ cụ thể, cách thức, phương pháp làm việc khoa học, nề nếp, bài bản, "đúng vai, thuộc bài". Phát huy đúng mức vai trò của tập thể Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo, trong đó vai trò lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là nhân tố quyết định. Đồng thời, từng thành viên Ban Chỉ đạo phải có quyết tâm cao chống tham nhũng, có bản lĩnh, thực sự gương mẫu, liêm khiết, nói đi đôi với làm; kịp thời thay thế những thành viên bị xử lý kỷ luật, có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, không kiên quyết, né tránh, không dám làm.
Ba là, nắm chắc các quan điểm, chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của cấp ủy địa phương về PCTNTC; nghiên cứu, áp dụng, vận dụng sáng tạo những cơ chế, cách làm, bài học kinh nghiệm đã được đúc kết từ thực tiễn 10 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương. Chỉ đạo triển khai toàn diện và đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp PCTNTC, cả phòng ngừa, cả phát hiện, xử lý, nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm; tập trung vào những khâu yếu, việc khó, những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, dư luận bức xúc để chỉ đạo giải quyết, bảo đảm mang lại hiệu quả rõ rệt, thiết thực, tránh hình thức.
Bốn là, Ban Chỉ đạo phải phát huy tốt vai trò là "nhạc trưởng", "tổng chỉ huy" điều hòa, phối hợp giữa các cơ quan chức năng PCTNTC ở địa phương; huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành; phát huy vai trò của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí và nhân dân tham gia PCTNTC; kịp thời chấn chỉnh, thay thế những khâu, mắt xích yếu.
Năm là, quan tâm phát huy vai trò của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo trong tham mưu, phục vụ mọi hoạt động của Ban Chỉ đạo; kiện toàn tổ chức bộ máy, điều chỉnh biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy đủ sức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy phải nỗ lực khắc phục khó khăn, chủ động, sáng tạo, bản lĩnh, quyết liệt, đổi mới phương thức, cách làm, tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong tham mưu, phục vụ hoạt động của Ban Chỉ đạo.
Lê Sơn