|
Ảnh minh họa |
Sẽ tiếp tục siết tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro
Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước sáng ngày 13/6, 5 tháng đầu năm nay dư nợ tín dụng toàn ngành đã tăng trưởng được 6,16%. Trong đó, tăng trưởng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm như: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ sau thu hoạch, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp nông thôn. Đồng thời, toàn hệ thống ngân hàng đã thực hiện kiểm soát tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán, BOT.
Cụ thể, chia theo ngành, tín dụng vào nông, lâm, thủy sản tăng đến 6,8% so với năm 2017, tín dụng vào công nghiệp xây dựng tăng 6,83%, trong đó riêng công nghiệp chế tạo tăng 6,8%. Còn chia theo lĩnh vực ưu tiên thì nông nghiệp nông thôn tăng được 6,8%, xuất nhập khẩu tăng vọt đến 15,64%, DN ứng dụng công nghệ cao cũng tăng được gần 6,3%...
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng Các ngành kinh tế, riêng dư nợ bất động sản 5 tháng đầu năm chỉ tăng 2,19%; dư nợ cho vay các dự án BOT đã cam kết chỉ tăng 2,15%. Riêng đối với cho vay đầu tư chứng khoán, thậm chí còn giảm 3,92%.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, thời gian tới hệ thống ngân hàng sẽ quan tâm nhiều hơn đến cho vay khu vực nông nghiệp nông thôn, ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp. Theo đó, gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng (thực hiện Nghị định 55) phải thấp hơn lãi suất thông thường từ 1,2 đến 1,5 điểm phần trăm.
Đối với cơ cấu tín dụng của hệ thống các ngân hàng khu vực TPHCM, cho vay bất động sản cũng không tăng giảm đáng kể. Nếu như cuối năm 2017, dư nợ khu vực này chiếm tỉ trọng 10,8%, thì nay vẫn là 10,7%.
Tuy nhiên, tín dụng tiêu dùng lại có xu hướng tăng, từ mức 12,2% cuối năm 2017 đến nay đã chiếm 13,4% tổng dư nợ, trong đó cho vay nhà ở chiếm 40%.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh TPHCM, các khoản cho vay nhà ở chủ yếu là cho cá nhân vay, hạn chế cho DN vay đầu tư các dự án lớn. Tất nhiên, có thể có trường hợp một cá nhân vay để mua hoặc sửa chữa 2-3 căn nhà nhưng số này không nhiều và cũng không rủi ro bằng các dự án lớn.
Ông Minh cũng cảnh báo, với các khoản vay tiêu dùng nhằm mua nhà để ở hoặc cho thuê thì người vay cần thận trọng bởi giá nhà đất hiện đang ở mức “ảo”. Các ngân hàng khi đánh giá giá trị nhà đất ngày nay cũng căn cứ vào mức giá của nhiều năm liền để xác định giá nhà bình quân. Cùng với quy định nội bộ của ngân hàng, có thể khoản cho vay tiêu dùng này chỉ còn tương đương 50% giá trị căn nhà, không còn đến mức 70-80% như trước đây. Vì vậy rủi ro với khu vực cho vay tiêu dùng này cũng bị thu hẹp
Chấn chỉnh đòi nợ kiểu “xã hội đen”
Sau gần 1 năm thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 về cho phép ngân hàng thương mại chủ động xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ nếu tài sản đó không có tranh chấp, không trong diện thi hành án, Ngân hàng Nhà nước TPHCM cho hay công tác xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng trên địa bàn đã tiến triển tích cực hơn.
Hiện nợ xấu chỉ còn 3,2%, so với đầu năm giảm được 0,3 điểm phần trăm, tức giảm được khoảng 17-18 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Nếu loại trừ 3 “ngân hàng 0 đồng” ra, thì đến cuối tháng 4 năm nay, tỷ lệ nợ xấu các tổ chức tín dụng trên địa bàn chỉ còn 1,9%.
Đáng chú ý, khi Nghị quyết 42 mới đi vào thực hiện, rất nhiều người vay có nợ xấu tìm cách lách luật bởi theo quy định, ngân hàng chỉ có thể xử lý tài sản bảo đảm nếu tài sản đó không có tranh chấp. Vì vậy, chính người vay, bà con hoặc bên bảo lãnh thứ 3 cố tình tìm cách “tranh chấp” tài sản thế chấp để ngân hàng không xử lý được. “Sau khi có văn bản quy định những tài sản tranh chấp trước ngày Nghị quyết 42 có hiệu lực mới được tính đến thì hiện tượng này mới chấm dứt”, ông Minh nói thêm.
Hiện Ngân hàng nhà nước Chi nhánh TPHCM đang yêu cầu các Tổ chức tín dụng trên địa bàn có sơ kết chung, sau khoảng nửa tháng nữa, tổng thể các thông tin về hiệu quả xử lý nợ xấu nhờ Nghị quyết 42 tại TPHCM sẽ được công bố.
Riêng về các phản hồi người đi vay tiêu dùng “than trời” do bị đòi nợ kiểu khủng bố, Ngân hàng Nhà nước TPHCM đã có công văn nhắc nhở, cảnh cáo các nhà cho vay về “văn hóa đòi nợ kiểu như xã hội đen còn lãi suất thì ví như tín dụng đen”.
Ngoài ra, cũng theo cơ quan quản lý ngành ngân hàng tại TPHCM, sắp tới sẽ có thay đổi lớn trong văn bản pháp luật để bắt buộc các công ty tài chính phải thực hiện văn hóa đòi nợ. Đồng thời, ngành ngân hàng cũng sẽ có động thái siết lại hoạt động cho vay tiêu dùng trong các công ty tài chính.
Phương Hiền