"Siết" quảng cáo qua thư điện tử, tin nhắn 

(ĐCSVN) - "Cần quản lý cả hoạt động quảng cáo qua các hình thức: thư điện tử, các thiết bị viễn thông như tin nhắn SMS hay quảng cáo hiển thị trực tuyến" - Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị khi cho ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 37, sáng 24/9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. 

Quản lý hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, sau hơn 10 năm thực hiện Luật Quảng cáo năm 2012 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: Một số quy định của pháp luật về nội dung và hình thức quảng cáo chưa phù hợp với sự phát triển đa dạng của hoạt động quảng cáo; các quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới cần điều chỉnh để đáp ứng sự phát triển về kinh tế - xã hội và xu thế hội nhập; quy định đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời đã bộc lộ bất cập, chưa phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành khác.

Vì vậy, để kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước, bắt kịp sự vận động và chuyển biến của xã hội, khắc phục những vấn đề còn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quảng cáo phát triển thì việc xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo là yêu cầu cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

 

Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại phiên họp 

Theo đó, một trong những nội dung đáng chú ý là dự luật sửa đổi, bổ sung một số quy định quản lý hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới và quảng cáo trên phương tiện báo chí.

Cụ thể, dự luật quy định về yêu cầu đối với hoạt động quảng cáo trên mạng; trách nhiệm của người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo ở trong nước và ngoài nước; hoạt động quảng cáo trên mạng do các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam.

Đồng thời quy định trách nhiệm thông báo thông tin liên hệ; giải pháp kỹ thuật kiểm soát và loại bỏ các sản phẩm quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam trên hệ thống cung cấp dịch vụ; chế độ báo cáo định kỳ hàng năm.

Dự luật cũng quy định quy trình ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo trên mạng vi phạm: trách nhiệm phát hiện và xác định các quảng cáo vi phạm pháp luật; tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo phải thực hiện việc xử lý quảng cáo vi phạm theo yêu cầu. 

Thẩm tra dự án luật, Thường trực Ủy ban Xã hội tán thành với việc bổ sung quy định cụ thể về quảng cáo trên mạng. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị, việc bổ sung quy định quảng cáo trên mạng cần đối chiếu, rà soát với các luật chuyên ngành, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, bảo đảm bao quát hết các đối tượng hoạt động quảng cáo trên mạng.

Dự thảo Luật chưa quy định đối với quảng cáo có chứa đường link dẫn đến trang thông tin cá nhân, đến những ứng dụng trên thiết bị di động, thiết bị điện tử khác. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu có quy định phù hợp...

Cần bao quát hết các hoạt động quảng cáo trên mạng

Đồng tình với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị cần tập trung chú trọng hơn nữa về hoạt động quảng cáo trên không gian mạng. Bởi, không gian mạng rộng hơn quảng cáo trên mạng xã hội rất nhiều. "Chúng ta đều biết quảng cáo trên mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Youtube, Twitter, Zalo, Instagram... nhưng cũng cần quản lý cả hoạt động quảng cáo qua các hình thức như: thư điện tử, các thiết bị viễn thông như tin nhắn SMS hay quảng cáo hiển thị trực tuyến” - Tổng Thư ký Quốc hội nói.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu thảo luận 

Trưởng Ban công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải nêu rõ, theo khoản 22 Điều 3 Nghị định 72 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dụng vụ internet và thông tin mạng thì mạng xã hội là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng, các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ, trao đổi thông tin với nhau bao gồm cả các diễn đàn, forum chuyện trò, chat… chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác. Như vậy, nếu chỉ quy định là mạng xã hội có thể chưa thực sự đầy đủ và cũng mang một cách khá chung chung, chưa bao quát hết các nền tảng, phương thức truyền thông đang có như các kênh bán hàng. 

“Hiện nay, có thể nói việc quảng cáo diễn ra trên diện rộng, thường xuyên, liên tục trên kênh như Shopee, Lazada, Grab…. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo có thể làm rõ hơn khái niệm này để đảm bảo quản lý chặt chẽ các hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, làm căn cứ để quy định quyền, nghĩa vụ của người truyền tải sản phẩm quảng cáo” - bà Hải đề nghị.

Quan tâm đến các vi phạm trong các hoạt động quảng cáo ở trên mạng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, dự luật mới chỉ quy định xử phạt hành chính. Trong khi đó, có những thông tin quảng cáo ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, lợi ích của Nhà nước và các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Đặc biệt đối với các hoạt động quảng cáo của các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp xuyên biên giới. Do vậy, phải có quy định về quy trình, thủ tục xử lý bảo đảm tính khả thi để áp dụng được các chế tài. “Ở nước ngoài nhưng qua các phương thức, các phương tiện xuyên biên giới quảng cáo trên môi trường mạng của chúng ta trong nước, vậy quy trình xử lý phải như thế nào để bảo đảm tính khả thi” - ông nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu kết luận nội dung thảo luận 

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, hiện nay, thị trường quảng cáo trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đang có sự chuyển dịch từ quảng cáo trên các phương tiện truyền thống như quảng cáo ngoài trời, quảng cáo trên báo chí sang quảng cáo trên mạng hay không gian mạng hay nền tảng số. Nhấn mạnh đây là nội dung sửa đổi rất quan trọng, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tiếp tục đối chiếu, rà soát với các luật chuyên ngành, như Luật Công nghệ thông tin, Luật Viễn thông, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng. Rà soát với các cam kết quốc tế, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời bao quát hết các đối tượng hoạt động quảng cáo trên mạng hay không gian mạng hay nền tảng số, đảm bảo tính khả thi và dự báo cao./.

 
Tú Giang
55 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 831
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 831
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87043323