Siết chặt quản lý vàng, ngoại hối trong tình hình mới 

(ĐCSVN) - Dư luận đang quan tâm đến việc đưa hành vi kinh doanh vàng, ngoại hối trái phép vào Bộ luật Hình sự sửa đổi. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thạc sỹ, Luật sư Phạm Thị Ngọc, thành viên Đoàn Luật sư Hà Nội.

Phóng viên (PV): Thưa Luật sư Phạm Thị Ngọc, theo bà, cần phân biệt như thế nào là kinh doanh vàng, ngoại hối hợp pháp và trái phép?

Luật sư Phạm Thị Ngọc: Theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/04/2012 thì những hành vi sau đây được quy định là hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng :

1. Hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do Ngân hàng Nhà nước cấp.

2. Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu không có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp.

3. Mang theo vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh của cá nhân vượt mức quy định không có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp.

4. Sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán.

5. Hoạt động sản xuất vàng miếng trái với quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012.

6. Hoạt động kinh doanh vàng khác khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép và Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép.

7. Vi phạm các quy định khác tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Pháp lệnh ngoại hối năm 2013 cũng quy định về những trường hợp được phép kinh doanh ngoại hối như sau :

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài và các tổ chức khác được kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối ở trong nước và nước ngoài sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận bằng văn bản.

2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về phạm vi kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối ở trong nước và nước ngoài, điều kiện, trình tự, thủ tục chấp thuận kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối của tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài và các tổ chức khác.

Như vậy, có thể hiểu đơn giản kinh doanh vàng, ngoaị hối hợp pháp là việc thực hiện kinh doanh đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật hiện hành, không trái với đạo đức xã hội, việc thực hiện kinh doanh đúng yêu cầu, đạt tiêu chuẩn, có lợi cho các bên và không gây ra thiệt hại, ảnh hưởng đến quyền lợi liên quan của các bên, không trái với quy định vi phạm pháp luật. Còn kinh doanh vàng, ngoại hối trái phép là hành vi kinh doanh trái phép bao gồm ba yếu tố cơ bản: không có đăng ký kinh doanh; có đăng ký kinh doanh nhưng kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký; không có giấy phép kinh doanh (hoặc giấy phép riêng trong trường hợp luật quy định phải có giấy phép).

PV: Dự thảo Bộ Luật Hình sự năm 2015 có nêu “gây thiệt hại từ 100 triệu trở lên, hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên thì phải chịu trách nhiệm hình sự”. Xin bà cho biết nội hàm của hành vi này như thế nào?

Luật sư Phạm Thị Ngọc: Nếu như theo quy định pháp luật hiện hành thì những hành vi kinh doanh vàng, ngoại hối trái phép tùy theo từng trường hợp có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 “Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng” hoặc bị truy tố theo quy định tại Điều 159, Bộ Luật Hình sự năm 1999 về Tội kinh doanh trái phép.

Tuy nhiên, theo dự thảo Bộ Luật Hình sự năm 2015 thì có quy định cụ thể hơn, các chủ thể  kinh doanh vàng, ngoại hối trái phép nếu gây ra thiệt hại từ 100 triệu trở lên, hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên thì phải chịu trách nhiệm hình sự; còn trong trường hợp gây thiệt hại dưới 100 triệu đồng hoặc thu lợi dưới 50 triệu đồng thì chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định trên.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, việc bổ sung hành vi kinh doanh vàng trái phép ngoại hối trái phép nhằm đảm bảo công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm trong hoạt động điều hành thị trường tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Vậy quan điểm của bà như thế nào?

Luật sư Phạm Thị Ngọc: Vàng và ngoại hối có vai trò đặc biệt quan trọng trong thị trường tiền tệ. Với chức năng là cơ quan thực thi chính sách tiền tệ quốc gia, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã có chính sách quản lý đối với hoạt động kinh doanh vàng, kinh doanh ngoại hối 

Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, thực tế có rất nhiều cá nhân, tổ chức đã lợi dụng kẽ hở về việc quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh vàng, kinh doanh ngoại hối. Cùng với sự phát triển công nghệ cao và những thủ đoạn tinh vi chuyên nghiệp, một số đối tượng đã lợi dụng việc kinh doanh vàng, ngoại hối trái phép để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều cá nhân, tổ chức. Điển hình là những vụ án kinh doanh sàn vàng trái phép của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư VGX, kinh doanh vàng và cặp tỷ giá tiền tệ qua tài khoản của Công ty cổ phần IG, kinh doanh vàng trái phép trên tài khoản để chiếm đoạt tài sản của nhiều người của Công ty truyền thông và tiếp thị Sài Gòn… gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Hành vi buôn lậu vàng ngày càng gia tăng.

Bộ Luật Hình sự năm 2015 đã bãi bỏ Điều 159 về tội kinh doanh trái phép. Chính vì vậy,  Bộ Luật Hình sự 2015 cần có những sửa đổi và bổ sung rõ ràng về mức độ nguy hại và hậu quả pháp lý phải chịu của hành vi kinh doanh vàng, ngoại hối trái phép. Mục đích nhằm để răn đe xử phạt hành vi sai trái của những đối tượng cố tình vi phạm pháp luật, đồng thời tạo hàng rào gắn kết, thắt chặt thị trường tiền tệ, điều hành thị trường kinh doanh vàng, kinh doanh ngoại hối trong và ngoài nước phát triển đúng hướng, đảm bảo quyền lợi cho Nhà nước và các chủ thể tham gia.

Theo tôi, bổ sung hành vi kinh doanh vàng và ngoại hối trái phép nhằm đảm bảo công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm trong hoạt động điều hành thị trường tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước nhưng cũng đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích của các cá nhân, tổ chức khi tham gia kinh doanh vàng và ngoại hối hợp pháp.

PV: Xin bà cho biết, nếu cá nhân, tổ chức vi phạm hành vi kinh doanh vàng trái phép, ngoại hối trái phép thì sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự như thế nào theo tinh thần của Dự thảo Bộ Luật hình sự sửa đổi 2015?

Luật sư Phạm Thị Ngọc: Theo dự thảo Bộ Luật Hình sự sửa đổi năm 2015 thì hành vi kinh doanh vàng trái phép và kinh doanh ngoại hối trái phép được quy định tại  Điều 206 “Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.

Theo nội dung tại điều khoản này thì người có hành vi kinh doanh vàng trái phép, ngoại hối trái phép gây thiệt hại cho người khác về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

Phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.

Phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Ngoài ra, người phạm tội có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!    

Kim Dung (thực hiện)

751 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 392
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 393
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88616773