Nhiều doanh nghiệp lập ra chỉ để mua bán hóa đơn, trục lợi tiền thuế (Ảnh: T.L)

Gần 50 nghìn doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong năm 2019, toàn quốc có 77.096 doanh nghiệp (DN) dân doanh chấm dứt hoạt động. Theo đó, số lượng doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký là gần 50.000 doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng 64,61%.

Các doanh nghiệp này thường có hành vi vi phạm là không khai thuế, không quyết toán thuế, không quyết toán hóa đơn, còn nợ thuế, doanh nghiệp “ma” ra đời mua bán hóa đơn trục lợi tiền thuế; doanh nghiệp “ảo” nhưng buôn lậu thật.

Sau khi cơ quan Thuế ban hành thông báo doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, các doanh nghiệp này lại làm thủ tục thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh (ĐKKD), đăng ký tạm ngừng hoạt động, hoặc cá nhân là đại diện pháp luật của doanh nghiệp này tiếp tục thành lập doanh nghiệp mới. Dù có hậu kiểm nhưng khi phát hiện thì hậu quả đã xảy ra, không xử lý được.

Tình trạng các doanh nghiệp lập ra để thực hiện mục đích buôn lậu, hay mua bán hoá đơn diễn ra nhiều năm nay. Còn nhớ Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh từng phát hiện ra vụ việc, có vận đơn hàng trị giá trên 2,3 tỷ đồng nhưng đến hai doanh nghiệp mở 2 tờ khai hải quan khác. Đáng chú ý, khi cơ quan Hải quan thực hiện kiểm tra thực tế lô hàng này đã gửi giấy mời cho cả hai công ty đến chứng kiến việc kiểm tra, nhưng đại diện cả hai công ty đều không đến. Liên lạc qua điện thoại, cơ quan Hải quan cũng không thể kết nối được với người đại diện pháp luật của hai công ty này.

Văn phòng Chính phủ cũng đã có thông báo giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đưa ra các giải pháp phù hợp để xử lý tồn tại, phát sinh, nhất là đối với việc lợi dụng quy định thành lập doanh nghiệp để thực hiện các hoạt động vi phạm pháp luật.

Do vậy, theo quan điểm của Bộ Tài chính gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham gia ý kiến vào dự thảo Nghị định về đăng ký doanh nghiệp tư bổ sung cơ chế để có chế tài xử lý.

Trong đó, bổ sung quy định khi tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, thay đổi thông tin, tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp thì cơ quan ĐKKD căn cứ thông tin về tình trạng pháp lý của doanh nghiệp là không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký yêu cầu doanh nghiệp báo cáo và xử lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Bộ Tài chính đề nghị bổ sung trường hợp doanh nghiệp đã bị cơ quan Thuế phát hành thông báo về việc người nộp thuế không kinh doanh tại địa điểm đã đăng ký sẽ không được thực hiện đăng ký, thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.

Theo đó, cơ quan ĐKKD phải yêu cầu doanh nghiệp khắc phục vi phạm nếu cá nhân là người đại diện pháp luật của doanh nghiệp cũng đồng thời là người đại diện có tình trạng pháp lý “Không còn kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký”.

Bộ Tài chính cho rằng hiện nay, tỷ lệ doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký chiếm tỷ lệ cao và có xu hướng ngày càng tăng. Vì vậy cần bổ sung chế tài ràng buộc, hạn chế “quyền” đối với doanh nghiệp đã bị cơ quan thuế phát hành Thông báo về việc người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.

Cần cơ chế chặt chẽ để hạn chế doanh nghiệp “ma”

Ngoài các vấn đề buôn lậu, thực hiện các hoạt động pháp luật không cho phép, Bộ Tài chính cũng muốn sự phối hợp giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế nhằm hạn chế tình trạng doanh nghiệp “ma” trốn thuế.

Đại diện Tổng  Cục thuế cho biết, thời gian qua, ngành thuế vẫn thường xuyên rà soát tình hình hoạt động của doanh nghiệp thông qua việc giám sát hồ sơ khai thuế. Nếu các doanh nghiệp lớn thì theo dõi qua tháng, còn doanh nghiệp vừa thì theo quý.

Bên cạnh đó, trong quá trình làm hồ sơ thuế sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan đăng ký kinh doanh. Khi doanh nghiệp đăng ký xong nhưng không hoạt động thì gửi thông báo cho bên phía công an hay đơn vị đăng ký kinh doanh để xử lý các doanh nghiệp “ma”, “ảo”.

Tuy nhiên để hạn chế doanh nghiệp “ma” đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị trách nhiệm của cơ quan khách như Quản lý thị trường, công an, chính quyền địa phương…, cũng như cần phải tăng cường thanh tra, kiểm tra tại trụ sở, địa bàn xem hoạt động có hiệu quả hay không, có lao động không…

Bộ Tài chính cho biết, thực tế cho thấy qua nhiều thông tin thay đổi do cơ quan đăng ký doanh nghiệp chuyển sang cơ quan thuế bị lỗi không nhận được vào hệ thống thuế và gửi lại cho cơ quan đăng ký kinh doanh nhưng cơ quan đăng ký kinh doanh không xử lý vì đã hoàn thành việc cập nhật thông tin thay đổi tại cơ quan đăng ký kinh doanh, dẫn đến thông tin chênh lệch giữa 2 bên.

Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị sửa đổi quy định tại Khoản 2 theo hướng: phòng đăng ký kinh doanh sau khi kiểm tra hồ sơ hợp lệ sẽ gửi giao dịch thay đổi thông tin cho cơ quan thuế để kiểm tra các nội dung thay đổi thông tin đăng ký thuế của doanh nghiệp. Phòng đăng ký kinh doanh ghi nhận thông tin thay đổi nếu nhận kết quả kiểm tra của cơ quan thuế là thông tin không hợp lệ.

Nếu cơ quan thuế xác nhận đã hoàn thành việc chuyển nghĩa vụ thuế thì cơ quan ĐKKD cho phép công ty mới thành lập và chấm dứt hoạt động công ty cũ. Trường hợp chưa hoàn thành, Phòng ĐKKD hướng dẫn công ty mới thực hiện thủ tục với cơ quan thuế trước khi nộp hồ sơ cho cơ quan ĐKKD…

Theo Bộ Tài chính, quy định này nhằm khắc phục tình trạng công ty cũ không thực hiện thủ tục quyết toán thuế để chuyển nghĩa vụ thuế cho công ty mới nhưng đã được cơ quan ĐKKD./.

 
Minh Phương