|
Ảnh minh họa (Ảnh: M.P) |
Tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế
Thực hiện Luật quản lý thuế hiện hành, từ ngày 1/7/2022, Bộ Tài chính đã triển khai hệ thống hóa đơn điện tử phục vụ các đối tượng nộp thuế trên phạm vi toàn quốc. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh đã thực hiện chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử thay cho hóa đơn giấy như trước đây.
Đây là bước tiến quan trọng nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số đối với cơ quan nhà nước nói chung, cơ quan thuế nói riêng và phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới. Sử dụng hóa đơn điện tử đã góp phần tiết kiệm chi phí in ấn, lưu trữ hóa đơn, làm giảm thiểu thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân nộp thuế, từ đó giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp được thuận lợi.
Việc triển khai hóa đơn điện tử cũng sẽ giúp cơ quan thuế có thể xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn để thuận tiện trong khâu truy suất, tra cứu; tăng cường khả năng phân tích thông tin, phòng ngừa rủi ro trong công tác quản lý thuế; cắt giảm chi phí, thời gian, nâng cao hiệu quả công việc của cán bộ ngành thuế. Điều này cũng giúp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp nâng cao ý thức tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế, góp phần ngăn chặn tình trạng gian lận thuế, trốn thuế.
Tuy nhiên, một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng sự thông thoáng về cải cách thủ tục hành chính và việc thành lập doanh nghiệp nhanh chóng, thuận tiện để thành lập doanh nghiệp chỉ với mục đích bán hóa đơn không hợp pháp. Bên cạnh đó, tốc độ phát triển nhanh của nền kinh tế số đã phát sinh một số đối tượng tội phạm công nghệ cao làm giả, mua bán hóa đơn bất hợp pháp, thậm chí công khai bán hóa đơn điện tử trên Facebook, Zalo…
Các đối tượng này đã thực hiện hành vi gian lận với nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp để sử dụng hóa đơn bất hợp pháp hợp thức hóa chi phí nhằm giảm số thuế phải nộp, hợp thức hóa cho hàng hóa mua trôi nổi trên thị trường không có hóa đơn để kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào hoặc hoàn thuế, chiếm đoạt tiền từ ngân sách nhà nước.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã thường xuyên chỉ đạo cơ quan thuế tăng cường công tác quản lý, giám sát việc phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử nhưng vẫn còn hiện tượng sử dụng hóa đơn bất hợp pháp xảy ra. Trước tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có Công điện số 01/CĐ-BTC gửi Tổng cục thuế, Cục thuế các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý, giám sát việc phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử, ngăn chặt tình trạng xuất khống, làm giả và buôn bán hóa đơn.
Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính ra công điện yêu cầu Tổng cục Thuế và cơ quan thuế ở các tỉnh, các huyện phải phải đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa trong lĩnh vực này. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an và các cơ quan quản lý nhà nước khác để ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp gian lận, để bảo vệ cho nền kinh tế, bảo vệ ngân sách nhà nước và bảo vệ sự minh bạch của các doanh nghiệp đang thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Triển khai chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại Công điện số 01/CĐ-BTC, ngay trong ngày 12/4/2023, Tổng cục Thuế đã có văn bản yêu cầu Thủ trưởng các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Thuế và Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương triển khai ngay các nội dung công việc để tăng cường công tác quản lý, giám sát việc phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng triển khai đồng bộ các giải pháp, đẩy mạnh công tác chống gian lận trong việc sử dụng hóa đơn điện tử như thực hiện thanh tra, kiểm tra, tránh tình trạng bỏ soát các doanh nghiệp có rủi ro, doanh nghiệp nhiều năm chưa được thanh tra, kiểm tra.
Bộ Tài chính cũng thực hiện rà soát các thông tin có nội dung rao bán hóa đơn điện tử không hợp pháp trên Facebook, Zalo… Trên cơ sở đó, sẽ thu thập thông tin của các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi bán trái phép hóa đơn điện tử tại địa bàn quản lý để truy xuất nguồn gốc của hóa đơn điện tử rao bán để kịp thời xử lý hoặc chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định.
Cùng với đó, cơ quan thuế cũng tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ đối với cán bộ công chức thuế để nâng cao năng lực, kịp thời phát hiện những phương thức, thủ đoạn, hành vi gian lận mới về hóa đơn của các tổ chức, cá nhân mua, bán hóa đơn không hợp pháp.
Cơ quan thuế cũng sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về thuế tới các tổ chức, cá nhân để không mua bán, sử dụng hóa đơn trái pháp luật. Qua đó các tổ chức, cá nhân cũng nắm được hậu quả pháp lý khi mua bán, sử dụng hóa đơn điện tử để thu lợi bất chính, chiếm đoạt tiền thuế, tiền của ngân sách nhà nước./.