Hình ảnh cảm động và thân thiết của Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Fidel Castro tại Quảng Trị tháng 9/1973
Người ta gọi Sĩ Sô là nhà nhiếp ảnh của giới tuyến Hiền Lương và khu phi quân sự (DMZ) cũng chẳng quá lời bởi ông là một phóng viên chiến trường. Giờ nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Sĩ Sô đã chạm bát tuần (ông sinh năm 1940) nhưng da dẻ cứ đỏ au và tửu lượng thì cánh trẻ chào thua.
Năm 1989, vừa xuất lò Tổng hợp Văn Huế, chân ướt chân ráo đầu quân ở báo Quảng Trị, tôi được lệnh của Phó Tổng biên tập Lê Văn Cần tìm cho được ông Sĩ Sô để xin học kỹ thuật làm ảnh buồng tối. Vậy nên ông là thầy, là đồng nghiệp, là bạn vong niên và là... bạn rượu của tôi trong mấy chục năm qua. Một bữa trà dư tửu hậu ở Cửa Tùng rì rào sóng vỗ, có lẽ đã thăng, bất chợt Sĩ Sô cao hứng kể lại câu chuyện 46 năm trước ông bị Ty An ninh... bắt gần một tuần, chuyện đóng chiếc giường dài hai mét mốt cho vị khách đặc biệt là Ông Tây bên kia bán cầu nghỉ trưa ở Khu Chính chủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CMLTCHMNVN)...
Sĩ Sô kể, cuối giờ làm việc một ngày đầu tháng 9/1973, lúc đó ông là “phóng viên chiến trường” thuộc quân số của Ty Văn hóa-Thông tin Quảng Trị, thì nhận được một mảnh giấy với nội dung Vào lúc 17 giờ phải có mặt tại Ty An ninh Quảng Trị để Trưởng Ty Thủy gặp. Đọc xong, ông đâm hoảng, không biết mình phạm điều gì mà bên an ninh triệu. Trên đường đến Ty An ninh, lục lọi trong đầu mọi việc chẳng có gì sai trái cả, chỉ có vụ gần 50 cân sơn... Chả là, trong lúc quá khó khăn về vải mộc để căng panô vẽ áp phích thì Ty Thương nghiệp đã xoay chạy giúp, bột màu đã có Ty Văn hóa-Thông tin Vĩnh Linh lo giùm, mẫu các cổng chào đặc biệt đã có họa sĩ Trần Thanh Lâm vẽ, nhưng gay nhất là không có sơn để sơn cổng chào. Đúng lúc ấy, tình cờ ông đem tặng Cty Cầu 10 đang đại tu cầu Đông Hà hơn 20 tấm ảnh 18cm x 24cm chụp cây cầu bị bom Mỹ đánh và quá trình tu sửa cầu. Quý trọng những tư liệu đó, bên cầu đường đã giải quyết giúp cơ quan ông gần 50 kg sơn các loại nên mới hoàn thành đúng thời hạn cấp trên giao về việc lập một hệ thống cổng chào đặc biệt đẹp và các cụm panô cổ động từ Cam Lộ ra đến Nam cầu Hiền Lương chuẩn bị đón một vị khách nào đó tầm cỡ quốc gia. Việc mấy anh cầu đường giải quyết như vậy là rất tình nghĩa và hợp lý bởi đơn vị ông đã cử người ra tận Đồng Hới, Vinh lùng mua sơn nhưng không có... Đang rối như canh hẹ thì Trưởng ty Thủy xuất hiện. Sau chén trà ngon hương vị của Thủ đô, ông Thủy bảo, ngay giờ cậu về chuẩn bị đồ nghề tác nghiệp rồi sang chỗ đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhận nhiệm vụ mới. Tỉnh ủy sẽ báo cho cơ quan cậu biết sau. Ủy ban Nhân dân Cách mạng tỉnh trưng tập cậu kể từ hôm nay...
Sĩ Sô xách túi đồ nghề sang chỗ Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị. Bí thư Hồ Sĩ Thản giao nhiệm vụ, kể từ bây giờ chú ở lại đây với tôi. Chú nằm ở giường đó, lái xe ở giường phòng ngoài, lúc nào tôi cầm mũ là chú xách đồ nghề ra xe. Đi đâu, đến đó mới biết! Nhiệm vụ giao nghe rất úp mở khiến ông cứ bồn chồn hồi hộp. Năm ngày trôi qua, ông như một cái máy, ăn ngủ không yên, người cứ mơ mơ màng màng. Bí thư Thản có lẽ cũng như lửa đốt trong lòng. Bao lần đoàn của ông ra đến nam sông Bến Hải, Gio Linh rồi lại vào. Đã khó hiểu lại càng khó hiểu hơn!
Rồi cái thời khắc khó hiểu ấy cũng đã đến. Bốn giờ sáng ngày 8/9/1973, đoàn xe của ông dừng lại trước Đồn Công an vũ trang Hiền Lương. Hai hàng rào danh dự lê tuốt trần, găng tay trắng muốt chờ sẵn. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Hồ Sĩ Thản, đại diện Chính phủ CMLTCHMNVN tại Khu Trị-Thiên Huế cùng Chủ tịch UBNDCM tỉnh Quảng Trị Lê San, Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Quảng Trị Lê Hành và các sĩ quan cao cấp của lực lượng vũ trang tỉnh đã sãn sàng. Bên kia cầu phao có ánh sáng của một đoàn xe con nối nhau vượt sông qua bờ nam Hiền Lương. Lúc đoàn xe sắp dừng trước hàng quân danh dự thì đoàn đón tiếp tiến thẳng tới chiếc xe thứ ba, hai cánh cửa cùng mở. Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Chủ tịch Fidel Castro của đất nước Cuba anh em bên kia bán cầu bước xuống lần lượt bắt tay, ôm hôn các đại diện quân dân chính đảng Khu Trị - Thiên Huế. Mọi người xúc động đến ngừng thở. Không khí qua nhanh, theo kế hoạch, đích đến là thủ phủ Chính phủ CMLTCHMNVN ở Cam Lộ. Chính phủ mới vừa ra mắt dân chúng hôm 6/6/1973.
Đoàn xe rời khỏi Hiền Lương, đồn công an vũ trang bừng sáng dưới ánh bình minh của một ngày mới-ngày lịch sử của tình hữu nghị vĩ đại Việt Nam-Cuba. Đoàn xe qua những địa danh lịch sử Gio Linh, Dốc Miếu, Đông Hà rồi ngược đường 9 anh hùng lên Tân Lâm, Đầu Mầu, cao điểm 241 Karôn... Sau diễn văn chào mừng Fidel Castro, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và những vị khách quý Cuba đến thăm trụ sở Chính phủ CMLTCHMNVN. Và Fidel, nhà hùng biện lừng danh thế giới, gần 2 giờ đồng hồ nói về những chiến công anh dũng của quân dân Việt Nam, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris 1973; sự ủng hộ cổ vũ của bạn bè năm châu, của nhân dân Cuba đối với cuộc chiến bảo vệ hoà bình của nhân dân Việt Nam... Hơn 40 phóng viên quay phim, nhiếp ảnh của các hãng thông tấn báo chí trong nước và quốc tế lăm lăm tay máy, tay bút ghi nhận giây phút trọng đại của mảnh đất lịch sử này.
Sĩ Sô bảo, một niềm vui và tự hào đến với ông là khi đọc báo Nhân Dân ra mấy ngày sau đó, ông thấy bức ảnh Đảo Cồn Cỏ-Chiến hạm trên Thái Bình Dương của mình chụp năm 1969 trong dịp ra đảo công tác trở thành quà tặng Fidel Castro.
Fidel Castro với nòng pháo Vua chiến trường của Mỹ tại cao điểm 241 Karôn năm 1973
Năm 2013, Sĩ Sô ra mắt cuốn sách ảnh “Fidel Castro - Quảng Trị một ngày lịch sử 1973” dày 73 trang, tập hợp 51 bức ảnh đen trắng tiêu biểu, được chọn lọc từ 250 khoảnh khắc lãnh tụ Fidel Castro ghé thăm các địa danh Quảng Trị.
“Những gì mình đã chụp ngày 8/9 của 46 năm trước là lịch sử đầy ấn tượng, rất sâu sắc trong ngót 50 năm làm báo và chụp ảnh của mình”
Người chép sử bằng ống kính
Sĩ Sô bày tỏ
HỮU THÀNH