Sau chiến tích giành vé dự vòng chung kết World Cup 2023, đội tuyển bóng đá nữ Philippines đang rất quyết tâm giành huy chương Vàng SEA Games 31.
Philippines là hiện tượng thực sự ở vòng chung kết Cup châu Á nữ 2022 khi xuất sắc lọt vào Bán kết để qua đó lần đầu tiên góp mặt ở sân chơi World Cup. Với đội hình gồm đa phần các cầu thủ nhập tịch, họ đã lột xác thực sự.
Philippines không phải một nền bóng đá mạnh trong khu vực. Thành tích tốt nhất của họ ở môn bóng đá nam chỉ là đứng thứ tư ở SEA Games 1991, khi họ là nước chủ nhà. Còn ở môn bóng đá nữ, đó là tấm huy chương Đồng ở SEA Games 1985, nhưng năm đó, môn bóng đá nữ chỉ có 3 đội góp mặt.
Kể từ khi môn bóng đá nữ được đưa vào chương trình thi đấu SEA Games, Việt Nam (6 lần) và Thái Lan (5) đã thay nhau vô địch, trong khi Myanmar được xem là nhân tố cạnh tranh, gây khó dễ cho hai “đàn chị” này.
Nhưng bây giờ, trục quyền lực ấy rất có thể sẽ thay đổi nếu nhìn vào màn trình diễn của Philippines ở vòng chung kết Cúp châu Á nữ vừa qua.
Các học trò của huấn luyện viên Alen Stajcic đã vượt qua vòng bảng sau khi đè bẹp Indonesia 6-0, quật ngã Thái Lan 1-0, và chỉ thua ứng viên vô địch Australia 0-4. Tại tứ kết, Philippines loại đội bóng trên cơ Đài Loan (Trung Quốc) nhờ chiến thắng 4-3 trên chấm luân lưu (1-1 ở thời gian thi đấu chính thức), và qua đó giành vé chính thức tới World Cup 2023.
Bóng đá nam Philippines cũng gặt hái đôi chút thành công với cầu thủ nhập tịch, song thành tích tốt nhất cũng chỉ là lọt vào bán kết AFF Cup và giành quyền tham dự vòng chung kết Asian Cup 2019. Nhưng với bóng đá nữ thì khác hẳn.
Ở giải đấu vừa diễn ra ở Ấn Độ, có thể thấy ngoài thể hình vượt trội so với trước đây, đội tuyển nữ Philippines còn thi đấu với mảng miếng chiến thuật rõ ràng hơn hẳn. Họ cho thấy sự nhỉnh hơn về trình độ so với tầm cỡ Đông Nam Á, và không mấy thua thiệt khi đối đầu với các đội hàng đầu châu lục.
[Lần đầu tiên Campuchia cử đội bóng đá nữ tham dự SEA Games 31]
Với 18/23 cầu thủ đang thi đấu ở nước ngoài (12 ở Mỹ, 2 ở Nhật Bản, 1 ở Tây Ban Nha, 1 ở Síp), được sớm tiếp xúc với môi trường bóng đá chuyên nghiệp, đội tuyển nữ Philippines ở vòng chung kết Cúp châu Á nữ 2022 đã được nâng tầm thực sự.
Ở Philippines, bóng đá không phải là môn thể thao được quan tâm nhất, còn xếp sau bóng chày, bóng rổ, và quyền Anh. Tuy nhiên sau khi Philippines lọt vào trận play-off dự vòng chung kết World Cup 2019, Liên đoàn bóng đá nước này (PFF) nhận thấy rằng con đường dự World Cup của bóng đá nữ thực tế hơn nhiều so với bóng đá nam.
Dù thua Hàn Quốc đến 0-5 ở trận play-off (đồng thời là tranh giải 5 ở vòng chung kết Cúp châu Á nữ 2018), nhưng đội tuyển nữ Philippines chỉ cách sân chơi lớn nhất cho bóng đá nữ đúng một trận đấu.
Một kế hoạch mang tên “Project Jordan” được vạch ra, với trọng tâm là nhập tịch ồ ạt các cầu thủ nữ có gốc Philippines đang chơi ở nước ngoài. Dù phần lớn các tuyển thủ Philippines này không đá ở hạng cao nhất tại Mỹ, Thụy Điển, Nhật Bản… nhưng riêng việc thi đấu ở đó đã giúp họ đạt được một đẳng cấp nhất định.
Bên cạnh đó, PFF cũng “chơi lớn” khi mời được cựu huấn luyện viên đội tuyển Australia Alen Stajcic về dẫn dắt đội tuyển nữ nước này. Trong 5 năm dẫn dắt tuyển nữ Australia (2014-2019), ông Stajcic từng đưa các học trò hai lần lọt vào chung kết Cúp châu Á, lọt vào tứ kết World Cup 2015, tứ kết Olympic Rio 2016, và đưa đội tuyển nữ Australia lên hạng 4 thế giới vào năm 2017. Rõ ràng, một đội tuyển được nâng tầm sẽ cần một huấn luyện viên đẳng cấp để dẫn dắt.
Trước khi dự vòng chung kết bóng đá nữ châu Á 2022, đội tuyển nữ Philippines đã có chuyến tập huấn 2 tháng ở Los Angeles (Mỹ), và được cọ xát với những đối thủ rất mạnh.
Theo đánh giá của PFF, chuyến tập huấn ở Mỹ đã giúp các cầu thủ xây dựng được sự tự tin, tinh thần đồng đội và sự gắn kết.
Đây được xem là yếu tố then chốt giúp các cầu thủ nữ Philippines có được tấm vé lịch sử dự World Cup 2023./.
Tuấn Cương (TTXVN/Vietnam+)