Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã giải trình làm rõ những vấn đề liên quan đến công tác quản lý đất đai cũng như định giá đất đai tại các doanh nghiệp Nhà nước trong quá trình cổ phần hóa.
Bộ trưởng thừa nhận trong thời gian cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) có nhiều mặt tồn tại. Cụ thể, có nhiều khu vực đất đai đang sử dụng rất lãng phí, quản lý chưa tốt tại nhiều khu đất vàng. Khi tiến hành cổ phần hóa, nguồn lực đất đai chưa có quản lý và đánh giá về giá trị. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến khi cổ phần hoá không thể tính toán được giá trị từ đất đai để đưa vào giá trị của doanh nghiệp. Mặt khác, khi cổ phần hóa và sau khi cổ phần hóa xong thông thường các doanh nghiệp đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng đất không đúng theo các tiêu chí, mục đích của doanh nghiệp này cần phải thực hiện. Thông thường khi áp dụng giá đất đai hiện hành còn có sự khác rất lớn so với giá đất theo thị trường.
Trước tình hình này, Bộ TN&MT đã tham mưu cho Chính phủ và Chính phủ cũng đã ban hành kịp thời Nghị định số 01 ngay từ tháng 1/2017 sửa đổi và quy định chi tiết, trong đó nghị định đã quy định về phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm phải rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo pháp luật của đất đai. Pháp luật sắp xếp xử lý đất thuộc sở hữu nhà nước và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước khi cổ phần hóa. “Qua việc rà soát này chúng ta có thể hoàn toàn thu hồi lại những quỹ đất mà hiện nay doanh nghiệp quản lý lỏng lẻo hoặc không cần thiết và sử dụng không đạt hiệu quả thu hồi lại để tạo quỹ đất phục vụ các mục đích khác”, Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng cũng cho hay, hiện Bộ đang tiến hành công tác thanh tra tất cả các dự án có đất vàng. "Các bộ, ngành đang cùng vào cuộc tiến hành thanh tra các dự án có đất vàng. Trên cơ sở đó, khi phát hiện sai phạm thì sẽ xem xét, xử lý theo quy định", Bộ trưởng thông tin.
Cũng theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, quỹ đất của doanh nghiệp nhà nước hiện rất lớn nhưng thời gian qua, việc quản lý lại rất lỏng lẻo. Đại biểu và cử tri đã nêu vấn đề này trong nhiều kỳ họp Quốc hội nhưng vẫn chưa được khắc phục.
Liên quan đến đất đai của nông, lâm trường, phát triển rừng, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà những tồn tại như đại biểu Quốc hội và nhiều địa phương đã nêu cần sớm được giải quyết. “Trên thực tế các nông, lâm trường trong tình trạng hoạt động không có lợi nhuận, không đóng góp trách nhiệm tài chính đối với nhà nước, tuy nhiên các công ty, nông, lâm trường hiện nay chiếm quỹ đất rất lớn…Nếu giải quyết được có thể chuyển một phần quỹ đất về địa phương để giải quyết vấn đề kinh tế - xã hội, vấn đề đất đai cho đồng bào dân tộc cũng như nâng cao hiệu quả đối với đất nông, lâm trường. Đây là khu vực hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành đang đặc biệt quan tâm”, Bộ trưởng nhấn mạnh./.
Bích Liên