Toàn cảnh buổi họp. (Ảnh: Tuyết Chinh)

Ngày 20/1, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã họp về Quy hoạch mạng lưới quan trắc khí tượng thuỷ văn và việc hoàn thiện Dự án “Phân vùng rủi ro thiên tai và lập bản đồ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất và sụt lún đất do mưa tại khu vực trung du và miền núi”.

Theo Tổng cục Khí tượng thủy văn (KTTV), để phát triển mạng lưới trạm KTTV quốc gia đảm bảo phù hợp với điều kiện nguồn lực của đất nước và xu thế quản lý các trạm theo mô hình hiện đại của một số nước trên thế giới, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho thử nghiệm phát triển mạng lưới trạm đo mưa tự động độc lập theo hình thức thuê dịch vụ, nên khi quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia cần quy hoạch cả các trạm theo hình thức thuê dịch vụ.

Do vậy, đối với mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng sẽ do các bộ, ngành, địa phương tự lập kế hoạch phát triển theo nhu cầu, không phải lập quy hoạch trong quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia.

Liên quan đến việc hoàn thiện Dự án “Phân vùng rủi ro thiên tai và lập bản đồ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất và sụt lún đất do mưa tại khu vực trung du và miền núi”, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia nêu rõ, các sản phẩm của dự án phục vụ mục tiêu phân vùng rủi ro thiên tai và lập bản đồ cảnh báo rủi ro thiên tai lũ quét, sạt lở đất phục vụ công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, triển khai có hiệu quả các quy định pháp luật về phòng, chống thiên tai.

Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Vũ Đức Long cho biết, có khoảng từ 10-15 trận lũ quét/năm, các khu vực thường xảy ra lũ quét là ở vùng núi Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ. Những địa phương thường xuyên chịu thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất gồm: Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hòa Bình, Thanh Hóa…

Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã có những đánh giá về mức độ rủi ro thiên tai nhưng vẫn còn một số tồn tại về bản đồ phân vùng như: Tỷ lệ bản đồ chưa đồng nhất, chưa chi tiết; chưa xem xét một cách đầy đủ ngưỡng mưa trong phân vùng nguy cơ. Ngoài ra, hiện chưa có bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai do lũ quét và sạt lở đất, cụ thể với phần mềm cảnh báo lũ quét cho Việt Nam (VNOFFG) chưa tích hợp được số liệu mưa tự động, mưa từ rađa, vệ tinh, địa hình...

Do vậy, việc xây dựng dự án phân vùng rủi ro thiên tai và lập bản đồ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất và sụt lún đất do mưa tại khu vực trung du và miền núi là hết sức cần thiết nhằm mục tiêu đánh giá được mức độ rủi ro đối với lũ quét, sạt lở đất và sụt lún đất do mưa tại khu vực trung du và miền núi; xây dựng được các bản đồ cảnh báo thiên tai lũ quét, sạt lở đất và sụt lún đất do mưa thời gian thực.

Dự án sẽ triển khai tại 22 tỉnh vùng núi và trung du nước ta (15 tỉnh đã có bản đồ phân vùng nguy cơ sạt lở đất và 7 tỉnh sẽ lập bản đồ phân vùng nguy cơ sạt lở đất trong năm 2021) và 64 xã trọng điểm đã có bản đồ phân vùng nguy cơ sạt lở đất.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành khẳng định, hai nhiệm vụ trên đều là nhiệm vụ cấp bách, trong đó nhiệm vụ cốt lõi của làm quy hoạch quan trắc KTTV lần này là chỉnh sửa quy hoạch. Đây là lần chỉnh sửa lớn, cũng là dịp để chúng ta thử nghiệm tất cả những gì ngành khí tượng thuỷ văn thế giới đã làm.

Với hai nhiệm vụ cấp bách này, cần đảm bảo thời gian thực hiện, không để kéo dài; những nội dung đã làm được đóng gói thành sản phẩm; bảo đảm kinh phí phù hợp với nguồn sự nghiệp môi trường./.

 
BL