Sẽ kiên quyết xử lý các vi phạm đạo đức trong hoạt động biểu diễn, tổ chức lễ hội 

(ĐCSVN) - Trong Báo cáo về các vấn đề cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm, chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, trong thời gian tới, ngành văn hóa sẽ kiên quyết chấn chỉnh, xử lý các vi phạm đạo đức trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, tổ chức lễ hội, du lịch… nhất là những hành vi bạo lực, phản cảm, ứng xử thiếu văn hóa.

Quản lý lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn còn nặng về cấp phép

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: Thời gian qua, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo, hướng dẫn UBND các tỉnh/thành tổ chức thẩm định và cấp phép các hoạt động văn hoá, nghệ thuật theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo sự đan xen, hài hoà giữa các loại hình nghệ thuật truyền thống và hiện đại, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Tăng cường theo dõi, phát hiện, phối hợp kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.

Tuy nhiên, công tác quản lý và cấp phép trong lĩnh vực này vẫn còn những bất cập, lúng túng: Đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp tham gia công tác quản lý, điều hành, thực thi pháp luật trong lĩnh vực này còn nhiều hạn chế, tư duy nhận thức về quản lý lĩnh vực này còn theo lối cũ, chưa bắt kịp với xu thế hiện nay.

Bên cạnh đó, cách thức, phương pháp thực hiện công tác quản lý lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nặng về quản lý đầu vào (thực hiện cấp phép) mà chưa chú trọng hướng đến phương pháp quản lý tăng cường kiến tạo, hậu kiểm (kiểm tra, giám sát) cho phù hợp với xu thế hội nhập của đất nước và tính chất hoạt động nghệ thuật thay đổi từng ngày, từng giờ.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện. (Ảnh: TH)


Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa được chú trọng dẫn đến nhiều cơ quan quản lý, cán bộ, công chức, các tổ chức, cá nhân không kịp thời nắm bắt để triển khai thực hiện.

Đề cập đến giải pháp cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: Trong thời gian tới sẽ tập trung tiếp tục pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật của ngành để đảm bảo tính thống nhất trong thực thi pháp luật trong các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trên phạm vi toàn quốc. Kiện toàn bộ máy tổ chức pháp chế các cấp để bảo đảm hoạt động hiệu quả và nâng cao pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Cùng với đó, thực hiện công khai hóa, kết hợp với cải cách hành chính, xây dựng cơ chế phối hợp, tự chịu trách nhiệm cá nhân trong các khâu quản lý, cấp phép... nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực. Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính...

Một số lễ hội còn có biểu hiện lãng phí

Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước có khoảng gần 8.000 lễ hội.

Về tổ chức lễ hội, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho quần chúng nhân dân hiểu rõ giá trị truyền thống trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong công tác tổ chức lễ hội còn hạn chế. Không ít lễ hội do nặng về hình thức quy mô phải hoành tráng với chương trình nghệ thuật sân khấu hóa hiện đại, nặng về trình diễn nghệ thuật, đạo cụ, phô diễn tốn kém nhưng nội dung đơn điệu, ít được đầu tư, từ đó giảm tính tích cực, hấp dẫn của lễ hội.

Một số lễ hội còn có biểu hiện lãng phí. Còn xuất hiện hiện tượng bói toán, cờ bạc, thương mại hóa trong hoạt động dịch vụ lễ hội,... làm giảm đi tính tôn nghiêm và những nét đẹp văn hóa trong hoạt động lễ hội.

Một số nơi tổ chức những ngày kỷ niệm của địa phương, ngày truyền thống của ngành... còn có biểu hiện phô trương, lãng phí, nặng về hình thức, chưa khai thác hết tiềm năng sáng tạo văn hóa của nhân dân và vốn truyền thống văn hóa dân gian vốn có ở địa phương. Sự bùng nổ nhu cầu tham gia lễ hội của đông đảo nhân dân dẫn đến tình trạng lộn xộn không kiểm soát được tại một số lễ hội lớn.

Trong năm 2017, Bộ VHTTDL sẽ tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định quản lý và tổ chức lễ hội, theo hướng: Phân định trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc quản lý nhà nước về lễ hội; đưa ra những quy định đối với việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; phân cấp quản lý đối với các loại hình lễ hội.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong tổ chức lễ hội. Đặc biệt, không cấp phép, tổ chức lễ hội tràn lan, vì mục đích thương mại, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc và giá trị của lễ hội; thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội; giữ gìn những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.

Siết chặt quản lý các sản phẩm, dịch vụ văn hóa

Đề cập đến thực trạng xuống cấp đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho hay:  Một số giá trị đạo đức truyền thống, lối sống văn hóa tốt đẹp của dân tộc đang có biểu hiện mai một. Các giá trị đạo đức mới chưa được quan tâm đúng mức. Hệ giá trị chuẩn về đạo đức, con người thời kỳ mới chưa được hình thành. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong xã hội và trong cán bộ, đảng viên có chiều hướng gia tăng.

Đạo đức nghề nghiệp sa sút cả trong những lĩnh vực được xã hội tôn vinh. Lối sống ích kỷ, thực dụng, hưởng lạc, vô cảm có chiều hướng lan rộng. Thói dối trá, đạo đức giả, gian lận trong học hành, bằng cấp; các thủ đoạn chạy chức, chạy quyền, chạy danh, chạy lợi, chạy tội, làm ăn phi pháp, bất chính còn phổ biến. Bạo lực gia đình, nhất là bạo lực gia đình với người cao tuổi, bạo lực gia đình với trẻ em vẫn xảy ra với nhiều vụ việc nghiêm trọng…

Để ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp đạo đức ở nước ta hiện nay, Bộ trưởng nhấn mạnh cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các bộ, ngành liên quan, mỗi gia đình, các nhà trường và toàn xã hội. Theo đó, cần thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, cụ thể hóa thành các văn bản quản lý của ngành. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đạo đức, lối sống con người Việt Nam, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, sự đồng thuận xã hội và thống nhất hành động; đưa việc bồi dưỡng đạo đức, xây dựng lối sống văn hóa thành công việc thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh xây dựng đạo đức, lối sống mới thông qua xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa. “Khi môi trường văn hóa lành mạnh, đời sống văn hóa phong phú thì con người ít có nguy cơ sa vào các tệ nạn xã hội hay tha hóa, xuống cấp về đạo đức, lối sống”, báo cáo nêu rõ.

Phát huy sứ mệnh của văn học nghệ thuật, vai trò của văn nghệ sỹ đối với xây dựng đạo đức, nâng cao văn hóa ứng xử; nâng cao hiệu quả phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.

Mặt khác, kiên quyết siết chặt quản lý các sản phẩm, dịch vụ văn hóa; chấn chỉnh, xử lý các vi phạm đạo đức trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn, bản quyền tác giả, mỹ thuật, nhiếp ảnh, điện ảnh, tổ chức lễ hội, du lịch, thể dục thể thao, nhất là những hành vi bạo lực, phản cảm, ứng xử thiếu văn hóa…/.

Thu Hằng
574 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1588
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1588
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88991685