Ngày 7/8, tại Hà Nôi đã diễn ra Đại hội thành lập Hiệp Hội nghiên cứu, tư vấn về chính sách, pháp luật cho hoạt động đầu tư tại Việt Nam lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2019- 2024.
Tham dự đại hội có các đồng chí: Phan Xuân Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội; Hà Ngọc Anh, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và Hà Nội.
Đoàn Chủ tịch điều hành chương trình tại đại hội.
Tại đại hội, Phó Vụ trưởng Vụ tổ chức Phi Chính phủ, Bộ Nội vụ Tạ Tấn đã công bố Quyết định thành lập Hiệp hội nghiên cứu, tư vấn về chính sách pháp luật cho hoạt động đầu tư tại Việt Nam.
Hiệp hội nghiên cứu, tư vấn về chính sách pháp luật cho hoạt động đầu tư tại Việt Nam là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.
Hiệp hội hoạt động trên phạm vi toàn quốc, trong lĩnh vực nghiên cứu, tư vấn về chính sách, pháp luật cho hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Hiệp hội chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ; chịu sự quản lý của nhà nước về phạm vi, lĩnh vực hoạt động của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành có liên quan theo quy định của pháp luật.
Hiệp hội sẽ hỗ trợ các nhà đầu tư tăng cường tiếp cận những chính sách, pháp luật về đầu tư một cách toàn diện. Với vai trò kết nối doanh nghiệp và các cơ quan chức năng, Hiệp hội cũng sẽ giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư giải quyết những vấn đề vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách, pháp luật về đầu tư. Bên cạnh đó, thông qua Hiệp hội các doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể tiếp cận xu hướng đầu tư FDI vào Việt Nam, cũng như xu hướng đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài.
Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Hà Ngọc Anh, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương cho biết: Tự do lập hội là một trong những quyền của công dân được ghi nhận trong hiến pháp năm 2013 của nước ta. Quyền này cũng quy định trong Luật về lập Hội ban hành trước đây và Nghị định số 45-NĐ/CP năm 2010. Thành lập hội cũng là một Quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã phê chuẩn vào năm 1982. Vì vậy, từ ngày thành lập nước đến nay công tác hội và phong trào quần chúng luôn luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho các hội tổ chức hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích.
Đồng chí Hà Ngọc Anh, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương phát biểu chỉ đạo tại đại hội.
Theo đồng chí Hà Ngọc Anh, thời gian qua, các hội quần chúng đã bám sát chức năng, nhiệm vụ, quán triệt triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác vận động quần chúng, góp phần tích cực vào việc thực hiện các thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Các hội quần chúng đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, vận động tập hợp ngày càng nhiều hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia. Quan tâm, chăm lo, củng cố tổ chức hội vững mạnh, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên; bám sát tình hình thực tiễn địa phương, đơn vị để tham mưu cho cấp ủy đảng, phối hợp với chính quyền và các cơ quan, ban ngành giải quyết có hiệu quả các vấn đề về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và những vấn đề phức tạp phát sinh tại cơ sở.
Bên cạnh đó, các hội đã phối hợp với Ban Dân vận cấp ủy cùng cấp tham mưu cho cấp ủy đảng lãnh đạo việc triển khai thực hiện các nghị quyết, quyết định, quy chế, thông báo, kết luận của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác vận động quần chúng; tích cực tham gia góp ý vào Dự thảo Luật về Hội, tham gia xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn kết toàn dân tộc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Bày tỏ vui mừng khi đến dự đại hội, đồng chí Hà Ngọc Anh đánh giá cao những kết quả ban vận động Hiệp hội nghiên cứu, tư vấn về chính sách pháp luật cho hoạt động đầu tư tại Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua. Ban vận động đã tích cực vận động, tập hợp hội viên tham gia vào tổ chức mình, với mục đích đoàn kết, phát huy tài năng, trí tuệ của các tổ chức và cá nhân trong các lĩnh vực có liên quan đến hoạt động đầu tư nói riêng và lĩnh vực nghiên cứu chính sách, pháp luật cho nhà đầu tư nói chung. Qua đó nêu cao tinh thần yêu nước và ý thức trách nhiệm của công dân đối với đất nước; trao đổi thông tin và kinh nghiệm, trau dồi nghề nghiệp; tư vấn chuyên ngành và thẩm định xã hội; mở rộng hợp tác khoa học công nghệ, liên kết đầu tư vì sự nghiệp phát triển và thu hút các nhà đầu tư đến đầu tư vào Việt Nam; tăng cường hợp tác quốc tế với các tổ chức, cá nhân, các hội, hiệp hội có liên quan đến lĩnh vực đầu tư tại các nước trong khu vực và trên thế giới.
Đồng chí Hà Ngọc Anh mong muốn các đại biểu dự đại hội tập trung, phát huy dân chủ, sáng suốt, đóng góp trí tuệ thảo luận, thông qua Điều lệ hoạt động của Hội, phương hướng hoạt động của Hiệp hội trong thời gian tới, đồng thời sáng suốt lựa chọn những người có trình độ, trách nhiệm với hội để bầu vào Ban Chấp hành Hiệp hội, kiện toàn chức danh chủ tịch, phó chủ tịch Hiệp hội.
Các đồng chí lãnh đạo tặng hoa chúc mừng Ban Chấp hành ra mắt tại đại hội.
Với thái độ làm việc nghiêm túc, khẩn trương và thận trọng, Đại hội đã Bầu Ban Chấp hành Hiệp hội gồm 17 người. Tại phiên họp đầu tiên Ban Chấp hành Hội đã bầu 7 người trong Ban Thường trực Liên Hiệp hội. Ông Trần Xuân Vũ được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu về chính sách pháp luật cho hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Các ông: Trần Tuấn Hải, Bùi Xuân Phái được bầu làm Phó Chủ tịch Hiệp hội./.
Tin, ảnh: Hoàng Mẫn