Sẽ giám sát việc thực hiện giao vốn và giải ngân vốn ở cấp cơ sở 

(ĐCSVN) – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và các đoàn ĐBQH tăng cường công tác giám sát với các địa phương, đôn đốc, thúc đẩy cũng như giám sát việc thực hiện giao vốn và giải ngân vốn ở cấp cơ sở trong thời gian tới để công tác này tốt lên.

 

 
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng 

 phát biểu tại hội trường Quốc hội chiều 29/10. (Ảnh: BL)

 Chiều ngày 29/10, tại hội trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình một số vấn đề đại biểu quan tâm về thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Bộ trưởng cho biết, trước khi có Luật Đầu tư công, tình trạng đầu tư rất phân tán, dàn trải, quyết định đầu tư không xác định được nguồn vốn, nhiều dự án dở dang đã để lại hậu quả nặng nề và chúng ta đang phải xử lý hậu quả của giai đoạn trước. Luật Đầu tư công ra đời trước hết nhằm giải quyết tình trạng đầu tư dàn trải, tuy chưa xử lý được triệt để nhưng đã có những kết quả rất đáng ghi nhận.

Bên cạnh đó, sau khi ban hành Luật Đầu tư công chúng ta đã xử lý được tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản. Từ sau 1/1/2015, nếu phát sinh nợ đọng cơ bản là vi phạm pháp luật. Qua đó, ý thức chấp hành pháp luật về đầu tư công đã được nâng lên rõ rệt.

Tuy nhiên, việc áp dụng Luật Đầu tư công trong thực tiễn cũng có những hạn chế như các đại biểu đã nêu là giao vốn chậm, giao nhiều lần. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ đã xây dựng dự thảo luật sửa đổi để trình Quốc hội xem xét ban hành nhằm khắc phục những vướng mắc này với tinh thần vừa đẩy mạnh phân cấp, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu bộ ngành, địa phương, vừa quản lý chặt chẽ nguồn vốn đầu tư công bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã thành lập các đoàn công tác làm việc với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Cũng theo Bộ trưởng, giai đoạn 2011 - 2015 khởi công thực hiện 21.000 dự án nhưng trong kế hoạch 2016 - 2020 giảm chỉ còn 9.620 dự án, tức là giảm hơn một nửa. Trong 9.620 dự án của giai đoạn 2016 - 2020 đó, có hơn 8.000 dự án là của giai đoạn 2011 - 2015 chuyển tiếp. Tất cả các dự án khởi công mới từ ngân sách trung ương chỉ còn 412 dự án với số vốn hạn hẹp. Tập trung trả nợ xây dựng cơ bản hết 9.000 tỉ, trả nợ ứng trước kế hoạch từ trước hơn 50.000 tỉ. Như vậy, giai đoạn từ 2016 chỉ khởi công mới rất hạn hẹp.

Về thực hiện kế hoạch 5 năm (2016 - 2020) theo Bộ trưởng, trước kia là hằng năm nên có tình trạng ăn đong, xin - cho; nay làm kế hoạch 5 năm cộng với hằng năm để tổ chức hiệu quả nhất, làm dự án nào thực hiện rốt ráo dự án đó. Luật Đầu tư công xác định có vốn mới xác định dự án, không còn chuyện lập dự án không biết vốn ở đâu “không biết có bao nhiêu tiền”. Các bộ, ngành giờ chủ động biết số tiền còn bao nhiêu, giảm xin - cho. Tuy nhiên, khi thực hiện như vậy, nhược điểm là ban hành kèm danh mục đầu tư, vì vậy khi bổ sung kế hoạch 5 năm phải trình Quốc hội rất phức tạp, tính linh hoạt khó hơn.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đồng tình với ý kiến phát biểu của đa số đại biểu khi cho rằng, nguồn lực, nhu cầu đầu tư phát triển đất nước lớn nhưng khả năng ngân sách có hạn, ODA đang giảm dần, huy động từ nguồn lực xã hội khó. "Trong khi đó, đâu cũng cần, nhưng cái bánh ngân sách có vậy thôi, do đó không thể đáp ứng được. Trong khi đó, chúng ta vẫn phải đảm bảo an toàn bội chi không quá 2 triệu tỉ đồng trong khi phải xử lý số dư nợ từ nhiệm kỳ trước, vì vậy Chính phủ phải đề nghị dùng ngân sách dự phòng là như vậy", Bộ trưởng nói.

Về việc giao vốn chậm, nhiều lần, Bộ trưởng lý giải do Quốc hội mới giao 2 năm, lần đầu tiên thực hiện Luật Đầu tư công, phải thực hiện thêm các thủ tục nên càng khó hơn. Vì quy định đủ thủ tục nên bộ này chờ bộ kia, nếu chưa đủ thì Chính phủ không thể duyệt. Như Bộ Giao thông Vận tải được giao nhiều dự án, nhiều tiền nhưng không thể tiêu vì vướng thủ tục. Trách nhiệm của các địa phương, các bộ, ngành cũng phải xem lại trách nhiệm giao vốn và giải ngân vốn với các địa phương thực hiện, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu.

Để giải quyết những khó khăn vướng mắc hiện nay Bộ trưởng cho biết, sẽ phân cấp triệt để, từ lựa chọn dự án phân bổ vốn cho đến điều chỉnh vốn, thẩm định nguồn vốn, khả năng cân đối vốn. “Đặc biệt, lần này cũng như các đại biểu đã nêu, chúng tôi đã đề xuất trong sửa Luật lần này, phải gắn trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức thực hiện liên quan đến các khâu, các đoạn của phân bổ vốn và giải ngân vốn. Cụ thể là của người đứng đầu các cấp cơ sở thực hiện dự án”, Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng cũng  đề nghị các ĐBQH và các đoàn ĐBQH tăng cường công tác giám sát với các địa phương, đôn đốc, thúc đẩy cũng như giám sát việc thực hiện giao vốn và giải ngân vốn ở cấp cơ sở để công tác này tốt lên. "Nếu chỉ là nỗ lực của trung ương, Chính phủ, các bộ, ngành không thì không đủ, phải có sự vào cuộc quyết liệt, nhất là của các địa phương và các bộ, ngành và trách nhiệm người đứng đầu, nếu không tình trạng này sẽ tái diễn trong 1,2 năm tới và rất khó khắc phục", Bộ trưởng cho hay./. 

Bích Liên

405 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1147
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1147
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87218841