Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 13/6. Ảnh: BL
Đề cập tàu cá mới xuất xưởng đã hư hỏng, đại biểu Đặng Hoài Tân (Bình Định) đặt câu hỏi: Nhiều tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi mới đóng, ra khơi được một vài chuyến đã hỏng, có những tàu phải nằm bờ, để lại nhiều hệ lụy xấu, đặc biệt nghiêm trọng là ảnh hưởng đến chính sách lớn của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, Bộ trưởng có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, đây là chủ trương của Chính phủ nhằm góp phần tăng khả năng khai thác hải sản, tăng khả năng bảo vệ an toàn biển đảo. Các Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện các văn bản liên quan để thực hiện đóng mới tàu cho ngư dân theo diện này. Đến nay cả nước có 235 cơ sở đủ điều kiện đóng tàu với số lượng 2.284 tàu phân bổ 28 địa phương, đã đóng được 666 tàu (vỏ sắt, gỗ, composit), trong đó có 297 tàu sắt, các tàu này hầu hết đóng công suất lớn trên 800CV.
Bộ trưởng cũng cho biết, tổng hợp từ các địa phương gửi về Bộ, tính đến ngày 31/5/2017 nhìn chung tất cả các chuyến ra khơi, bà con nhận xét đều phát huy tác dụng về hiệu quả khai thác và tính an toàn. Ví dụ tổ hợp tác Hoàng Nam - Nam Định thu về 3,5 tỷ đồng và lãi là 1 tỷ/năm, các thuyền viên cũng báo về có những tàu thu 8-9 tỷ/tháng ra khơi…Tuy nhiên cũng phát hiện một số tàu hư hỏng ở Bình Định và Phú Yên.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, tại Phú Yên có 2 chiếc hỏng nhẹ và đã được khắc phục. Tại Bình Định có 19 chiếc hỏng, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu 27 tỉnh thành rà soát lại toàn bộ. Đồng thời, Bộ cũng đã cử Tổng cục Thủy sản làm việc với tỉnh này. Tỉnh Bình Định đã mời tất cả ngư dân và 2 đơn vị đóng tàu để làm rõ trách nhiệm. Ngày 9/6, Bộ NN&PTNT cũng đã tổ chức hội nghị tại Bình Định với sự tham dự của các ban ngành, ngư dân và 2 đơn vị đóng tàu thống nhất với tỉnh biện pháp xử lý.
Về biện pháp, người đúng đầu ngành Nông nghiệp cũng cho biết, tàu hư hỏng thuộc 2 Công ty Đại Nguyên Dương và Nam Triệu. Bộ sẽ đình chỉ hợp đồng đóng mới đối với 2 công ty đóng tàu để khắc phục. Bộ cũng yêu cầu doanh nghiệp này không được sửa chữa mà phải thay máy mới và phải làm ngay. Đồng thời, đối với tàu hỏng sắt, phải thay sắt đúng chủng loại; với các tàu còn nằm bờ khi chưa sửa được, Công ty phải có trách nhiệm với ngư dân không có thu nhập trong những ngày đó.
Bộ cũng yêu cầu tỉnh Bình Định thành lập tổ thẩm định 19 tàu hỏng và cho biết rõ hỏng vì nguyên nhân từ đâu? Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với tỉnh để có báo cáo chung trong tháng 6/2017, sau đó sẽ báo cáo Chính phủ. “Chúng tôi yêu cầu các bên liên quan khắc phục hậu quả và khi có nguyên nhân sẽ làm rõ trách nhiệm cụ thể đối với các bên liên quan”, Bộ trưởng cho biết./.
Bích Liên