Anh Bun Thân Kẹo (bên phải), ở thôn La Lay A Sói cảm ơn già làng Côn Thương, ở thôn La Lay vì đã hỗ trợ cây giống.
Một sự kiện nói lên tình hữu nghị và sự sẻ chia của đồng bào hai bên biên giới, đó là vào dịp Tết năm 2018, đoàn công tác của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và BĐBP về vùng cao xã A Ngo để thăm và tặng quà bà con nơi đây. Đường dẫn vào bản La Lay rợp cờ hoa và treo tấm pa-nô in dòng chữ “Hai nước Việt Nam - Lào, tình hữu nghị thủy chung, trong sáng”. Những tấm pa-nô căng ngang trên đường với dòng chữ “Phụ nữ cả nước đồng hành cùng phụ nữ biên cương”. Trong đám đông và những cánh tay đưa lên vẫy chào không phải chỉ có đồng bào phía Việt Nam, mà còn có cả người dân của nước bạn Lào.
Phải có người giới thiệu thì đoàn công tác mới nhận ra, trong số hàng ngàn người tập trung tại bản để đón Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thì có rất nhiều người từ bên Lào. Bà con phía bạn đi từ rất sớm để sang Việt Nam chung vui. Chị Ngay, ở bản Densavan, huyện Se Pon, tỉnh Savannakhet, Lào cho biết, Tết bên Lào thì bà con ở Việt Nam sang, còn ngày vui ở phía Việt Nam thì bà con bên đó sang để chung vui. Ở các bản trồng chuối, nhiều gia đình có thu nhập cao nên đời sống của bà con hai bên biên giới đã đỡ vất vả nhiều.
Nhân dịp BĐBP tổ chức sự kiện “Xuân đoàn kết - Tết biên cương 2018”, người dân Lào đến xã A Ngo để chia sẻ niềm vui đều mặc những chiếc áo mới. Một số người tản vào bản làng để chia sẻ chuyện làm ăn với người quen, ngồi bên ché rượu, đĩa thịt dê và tâm tình đến khi ông mặt trời lặn bên kia sườn núi. Còn nhiều người dân khác thì tổ chức đi theo đoàn, có trưởng đại diện dẫn đầu để dự lễ. Khi lãnh đạo xã A Ngo giới thiệu trưởng đoàn phía Lào là “đồng chí Khăm Tà Hồ Sông Hương, Bí thư, Huyện trưởng Sa Muội...” thì vài người trong đoàn phía Việt Nam đã ngạc nhiên. Vì họ và tên lót thì là người Lào, còn cái tên thì rõ ràng là phảng phất hình bóng một con sông ở Việt Nam.
Anh Hồ Mơ, một người dân ở địa phương cho biết, người dân Lào rất quý mến bà con phía Việt Nam, vì bên đó có việc gì, nhờ việc gì thì hai bên sẵn sàng giúp đỡ nhau. Nếu bên đó có nhà chẳng may bị cháy, rồi trâu bò chết và thiếu vốn làm ăn thì bà con bên này sẵn sàng liên kết lại để làm ăn, gây dựng vốn xóa đói giảm nghèo; bên đó nhà bị hỏa hoạn thì bên này góp gạo, chăn màn, quần áo... để hỗ trợ kịp thời... Quan hệ gắn bó nhất hiện nay là cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm làm ăn để phát triển kinh tế, góp phần ổn định cuộc sống.
Trồng chuối, trồng rừng tràm, keo tai tượng, đào ao nuôi thả cá... trở thành đề tài chiếm khá nhiều thời gian trong những câu chuyện mà đồng bào hai bên gặp nhau và chia sẻ. Tháng 4-2005, hai bản đầu tiên trên tuyến biên giới Việt - Lào đã tổ chức kết nghĩa là bản Ka Tăng của thị trấn Lao Bảo và bản Densavan thuộc huyện Se Pon, tỉnh Savannakhet, Lào. Thực tế trước đó, người dân hai bên biên giới đã có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau, đặc biệt sau khi kết nghĩa được ký kết thì mối quan hệ càng sâu đậm hơn. Đồng bào ở Việt Nam đã sang liên kết với nông dân Lào, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt. Việc liên kết làm ăn trở thành chất xúc tác giúp người dân hai nước xóa đói giảm nghèo, làm cho mối quan hệ hữu nghị của đồng bào hai bên biên giới trở nên gắn bó.
Người dân giáp biên giới ở Quảng Trị sang Lào hợp đồng thuê đất từ 7 - 10 năm với mức thuê khoảng 40 - 50 triệu đồng/ha; hoặc người dân bên Lào trồng chuối rồi cho người dân Việt Nam thuê lại. Mỗi hộ sang Lào thuê từ 2 đến 4ha; có khi người dân Việt Nam bỏ vốn đầu tư, người dân nước bạn bảo vệ vườn chuối cho mình. Có những hộ ở khóm Tân Kim sang Lào liên kết trồng chuối với diện tích lớn, mỗi ngày thu được cả triệu đồng. Nhờ việc canh tác như vậy mà nhân dân hai bên qua lại liên tục, gặp gỡ nhau, hiểu nhau, chia sẻ từ chuyện trong cuộc sống gia đình đến lợi tức thu nhập nên tình nghĩa ngày càng gắn bó.
Lê Văn Chương