SCIC và WB chia sẻ kinh nghiệm bán vốn nhà nước hiệu quả 

(Chinhphu.vn) - WB cam kết sẽ sàng lọc, chia sẻ cả những kinh nghiệm về thất bại cũng như thành công trong bán vốn nhà nước ở nhiều quốc gia trên thế giới, để giúp tìm ra cách thức để thúc đẩy quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ở Việt Nam hiệu quả hơn.

Đây là nội dung tại Hội thảo "Hoàn thiện Quy chế bán cổ phần tại doanh nghiệp, nhìn từ góc độ chuyên gia và các bên liên quan" do SCIC và WB phối hợp tổ chức ngày 14/6 tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Chí Thành, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho biết, qua các hoạt động tái cơ cấu quản trị doanh nghiệp và bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, SCIC đã triển khai nhiệm vụ thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc diện Nhà nước không cần nắm giữ. Trong số gần 1.000 doanh nghiệp tiếp nhận, SCIC đã bán vốn tại 986 doanh nghiệp (trong đó bán hết vốn tại 885 DN, bán một phần vốn tại 82 DN, và bán quyền mua tại 19 DN) với giá vốn là 8.332 tỷ đồng, thu về 36.989 tỷ đồng (bao gồm bán 8,73% cổ phần tại Vinamilk), gấp hơn 4,4 lần giá vốn.

 

 

Ông Nguyễn Chí Thành, Phó Tổng Giám đốc phụ trách SCIC. Ảnh:VGP/Huy Thắng

Lãnh đạo SCIC khẳng định, từ khi triển khai cho đến nay, công tác bán vốn tại doanh nghiệp của SCIC từng bước được chuẩn hóa và mang tính chuyên nghiệp hơn khi lựa chọn hợp lý và đúng quy định danh mục doanh nghiệp bán vốn, nghiên cứu kỹ tình hình thị trường, lựa chọn thời điểm bán, tổ chức bán công khai minh bạch, có mạng lưới nhà đầu tư tốt, thực hiện tái cấu trúc lại doanh nghiệp trong từng trường hợp nhằm gia tăng giá trị vốn để thực hiện bán vốn.

 

SCIC đã xây dựng và ban hành Quy chế bán cổ phần tại doanh nghiệp theo Quyết định số 06/QĐ-ĐTKDV-HĐTV ngày 11/4/2014. Sau khi được ban hành, Quy chế đã giúp SCIC xây dựng được quy trình bán vốn chặt chẽ, công khai, minh bạch, tuân thủ chặt chẽ theo quy định pháp luật. Nhiều năm nay, SCIC luôn được chọn làm tiên phong trong việc áp dụng các phương thức bán mới để bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Quy chế cũng đã đưa ra một số cơ chế đặc thù và mang tính đột phá trong thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và mang lại hiệu quả tích cực cho hoạt động thoái vốn của SCIC trong hơn 10 năm qua như: Hạ giá khởi điểm, bán thỏa thuận, bán đấu giá cả lô...

 

Theo ông Lê Song Lai, Phó Tổng Giám đốc SCIC, bài học thành công là SCIC cố gắng lựa chọn thời điểm bán vốn phù hợp theo sát diễn biến thị trường và nắm bắt thực trạng của DN bảo đảm bán vốn công khai minh bạch có cạnh tranh. Một khi có cạnh tranh về điều kiện bán vốn thì hiệu quả bán vốn tốt hơn rất nhiều.

 

Tuy vậy, cũng phải thừa nhận rằng vẫn có những lần không thành công. Nguyên nhân là: tỉ lệ sở hữu của SCIC tại DN quá nhỏ hoặc có cổ đông khác nắm giữ cổ phần chi phối (hơn 51%) nên các nhà đầu tư khác không muốn vào. Nguyên nhân khác có thể do doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ kéo dài, không có lợi thế đất đai. Một nguyên nhân nữa là giá khởi điểm bán vốn quá cao so với kỳ vọng của nhà đầu tư, hay phương thức bán vốn đôi khi còn cứng nhắc; thời điểm bán vốn không phù hợp...

 

Ông Lê Song Lai khẳng định quan điểm của SCIC là vốn nhà nước phải được bán công khai và phải đạt được 2 mục tiêu: Tối đa hóa số tiền thu về cho cổ đông nhà nước và tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược. Về lý thuyết 2 mục tiêu này là đúng nhưng thực tế lại khá khó cùng đạt.

 

“Vì khi chọn bán vốn với giá cao nhất mà khó đạt được mục tiêu tìm được NĐT chiến lược có năng lực, có kinh nghiệm sẽ đưa DN hoạt động hiệu quả hơn”, ông Lê Song Lai chia sẻ. 

 

Có cùng quan điểm, ông Nguyễn Trọng Dũng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN khẳng định, trong quá trình cổ phần hoá, thoái vốn, Nhà nước không chỉ đặt mục tiêu vì tiền, mà còn chú ý đến các tiêu chí khác như vấn đề an sinh xã hội, giữ gìn thương hiệu quốc gia, an ninh, quốc phòng… Nói cách khác cổ đông chiến lược cần phải gắn kết lâu dài với DN "chứ không chỉ có tiền không", mà phải chọn nhà đầu tư chiến lược có chung mục tiêu gắn kết với DN.

 

“Nếu mục tiêu chỉ để thu được tiền, bán giá càng cao thì không khó, nhưng ta phải hướng đến mục tiêu dài hạn hơn”, ông Nguyễn Trọng Dũng nói.      

 

Về khuôn khổ pháp lý, trong quá trình hoàn thiện các quy định, một số văn bản pháp luật mới, các Nghị định của Chính phủ mới được ban hành gần đây, trong đó mới đây nhất là Nghị định số 32/2018/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp ban hành ngày 8/3/2018, theo đó, điểm mới là yêu cầu tính giá trị quyền sử dụng đất và quyền sở hữu trí tuệ khi bán cổ phần cũng như phải xem xét, đánh giá các thông lệ quốc tế tiến trong các hoạt động tương tự đã đặt ra yêu cầu với SCIC phải dự thảo sửa đổi Quy chế bán cổ phần tại DN của SCIC.

 

Về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Thành, Phó Tổng Giám đốc phụ trách SCIC cho biết, việc sửa đổi quy chế bán cổ phần tại DN đã được SCIC tích cực triển khai từ tháng cuối năm 2017. Đến nay, dự thảo lần cuối của Quy chế đã được hoàn thiện.

 

Tuy nhiên, nhằm tối ưu hóa và đánh giá Quy chế trên nhiều góc độ khác nhau như từ góc độ của các cơ quan quản lý nhà nước, từ góc độ của các chuyên gia và từ góc độ của các doanh nghiệp có liên quan… SCIC  muốn tham khảo tiếp thu thêm các kinh nghiệm quốc tế, thực tiễn tốt để giúp bán vốn nhà nước hiệu quả hơn nữa.

 

“Từ khi khởi động việc sửa đổi Quy chế bán cổ phần tại DN cho đến nay, chúng tôi đã nhận được sự đồng hành và tham gia ý kiến quý báu từ phía các chuyên gia Ngân hàng thế giới (WB). Các ý kiến này đã được xem xét và đưa vào dự thảo Quy chế sửa đổi” ông Nguyễn Chí Thành cho biết.

 

Đại diện đối tác hỗ trợ, ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá cao Chính phủ Việt Nam trong việc luôn coi cải cách đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là ưu tiên.

 

Việc đổi mới DNNN đóng vai trò quan trọng đối với việc hình thành khu vực kinh tế tư nhân hiệu quả và có tính cạnh tranh tại Việt Nam và thúc đẩy sự tham gia của khu vực này vào sự phát triển chung của nền kinh tế.

 

Với việc hội nhập ngày càng sâu rộng, việc tăng khả năng cạnh tranh là rất quan trọng đối với Việt Nam khi mà Việt Nam có đầy đủ nguồn lực cần thiết. 

 

“Vì lý do này, WB mong muốn được đồng hành cùng SCIC và các đối tác khác trong việc đảm bảo việc quản lý tốt hơn và hiệu quả hơn các tài sản nhà nước, hướng tới việc ban hành các quy định minh bạch đối với các tài sản này khi nhà nước quyết định giảm bớt tỉ lệ nắm giữ”, ông Sebastian Eckardt nói.

 

Ông Sebastian Eckardt khẳng định, với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực cải cách DNNN trên phạm vi toàn cầu WB sẽ chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực gồm: phát triển và vận hành các mô hình quản lý vốn nhà nước tại các nước trong khu vực như Trung Quốc, Singapore và Malaysia và trên phạm vi toàn cầu. Đồng thời, đánh giá quy chế bán cổ phần tại doanh nghiệp của SCIC sẽ giúp củng cố quá trình cải cách DNNN tại Việt Nam.

 

Hiện tại, không chỉ ở Việt Nam, mà trên thế giới cũng diễn ra khá nhiều hoạt động bán cổ phần vốn nhà nước. Đây là một phần trong quá trình cải cách, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp.

 

“Dù đã thành lập và có bề dày hoạt động hơn 10 năm, nhưng việc tiếp tục học hỏi kinh nghiệm quốc tế về cổ phần hoá rất cần thiết với SCIC. Với vai trò của mình, WB cam kết sẽ sàng lọc, chia sẻ cả những kinh nghiệm về thất bại cũng như thành công ở nhiều nước trên thế giới, từ đó tìm ra cách thức để chúng thúc đẩy quá trình cổ phần hoá DNNN ở Việt Nam hiệu quả hơn”, ông Sebastian Eckardt chia sẻ.

Huy Thắng
430 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 761
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 761
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78010837