Sau 55 năm giải phóng, Hướng Hóa phát huy truyền thống đoàn kết vững bước tiến lên trên con đường đổi mới và phát triển 

H¬ướng Hoá là huyện miền núi, biên giới của tỉnh Quảng Trị, có vị trí chiến lược quan trọng; là mảnh đất có bề dày lịch sử - văn hoá lâu đời được viết nên bởi cộng đồng các dân tộc anh em người Kinh, Vân Kiều, Pa Kô. Nơi đây, mỗi địa danh như Đường 9, Khe Sanh, Tà Kơn, Làng Vây, Động Tri, Sê Pôn, Sê Băng Hiêng, Rào Quán, Đồn điền Rôm, Tam Thanh, Cù Bai, Lao Bảo… đã đi vào lịch sử dân tộc và khắc sâu trong tiềm thức của mỗi người dân đất Việt.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Khe Sanh, Hướng Hóa là chiến trường trọng điểm, ác liệt. Nhà thơ Tố Hữu đã từng miêu tả lại mảnh đất này trong bài thơ “Nước non ngàn dặm”:

“… Xe lên đường 9 cheo leo

Hố bom đỏ mắt, trắng đèo bông lau

Cây khô, chết chẳng nghiêng đầu

Nghìn tay than cháy rạch màu trời xanh”

Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, Hướng Hoá trở thành vùng địa đầu của Miền Nam tiếp giáp với Miền Bắc xã hội chủ nghĩa và vùng giải phóng Hạ Lào. Ở vị trí “mỏ neo” khu vực ngã ba biên giới; Khe Sanh được định vị là một trong ba mắt thần của hàng rào điện tử McNamara, nơi Mỹ tập trung xây dựng một tập đoàn cứ điểm mạnh gồm chi khu quân sự Hướng Hóa, cụm cứ điểm Làng Vây và sân bay Tà Cơn.

Đầu năm 1965, trước sự phá sản của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ nhanh chóng triển khai chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, ồ ạt đưa quân Mỹ và quân đội các nước đồng minh vào miền Nam, tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc, với âm mưu kết thúc chiến tranh bằng sức mạnh quân sự. Tuy nhiên, sau ba năm trực tiếp tham chiến, Mỹ chẳng những không thực hiện được âm mưu đề ra, mà ngày càng sa lầy và đứng trước tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Trong khi đó, quân và dân ta đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của thế trận chiến tranh nhân dân, đẩy mạnh và liên tục tiến công, đánh bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966 và 1966-1967, giành và giữ thế chủ động chiến lược.

Cuối năm 1967, trước sự uy hiếp ngày càng mạnh của ta trên toàn chiến trường miền Nam, Mỹ - Ngụy lâm vào thế bị động về chiến lược, buộc chúng phải chuyển vào phòng ngự, tập trung bảo vệ các vùng trọng điểm, trong đó có tuyến phòng thủ chiến lược Đường 9 - Khe Sanh, hòng ngăn chặn tuyến vận chuyển chiến lược của ta từ miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Để thực hiện ý định đó, tại đây, địch xây dựng hệ thống công sự trận địa kiên cố, vững chắc; bố trí khoảng 45.000 quân (28.000 quân Mỹ), cùng nhiều vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại và sự chi viện tối đa của hỏa lực các cấp.

Nhận thấy Khe Sanh có vị trí cực kỳ quan trọng trong chiến lược, Tổng thống Mỹ Giônxơn đã chỉ thị lập “Phòng tình hình đặc biệt”, làm sa bàn Khe Sanh tại nhà Trắng để theo dõi sát sao chiến sự Khe Sanh; yêu cầu tướng Oetmolen - Tư lệnh Bộ chỉ huy cố vấn quân sự Mỹ miền Nam Việt Nam phải ký giấy cam đoan không được để mất Khe Sanh bằng mọi giá vì đó là danh dự của nước Mỹ.

Nhận rõ sự lúng túng, bế tắc về chiến lược của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, đánh giá đúng thế và lực của cách mạng miền Nam, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, dùng đòn tiến công của bộ đội chủ lực đánh vào hệ thống phòng thủ của Mỹ - Ngụy ở Đường 9 - Khe Sanh kết hợp với đòn tiến công chiến lược chủ yếu đánh vào thị xã, thành phố, trọng điểm là Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng; đồng thời, phát động quần chúng ở nông thôn và đô thị nổi dậy trên toàn miền Nam.

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, quyết tâm chiến lược của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh, từ đêm 20/1/1968, quân và dân ta tổ chức tiến công tập đoàn phòng ngự Đường 9 - Khe Sanh, buộc quân đội Mỹ phải tăng cường lực lượng cơ động tinh nhuệ để đối phó.

Trải qua 170 ngày đêm chiến đấu gian khổ, quyết liệt, ngày 09/7/1968, Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh kết thúc thắng lợi; ta đã phá tan hệ thống phòng thủ chiến lược của Mỹ trên Đường số 9, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng huyện Hướng Hóa, giữ vững tuyến đường chi viện Bắc - Nam; tạo điều kiện cho hướng tiến công chiến lược chủ yếu đánh vào các thành phố, thị xã trên toàn miền Nam. 

Trãi qua 170 ngày đêm chiến đấu liên tục, trong điều kiện vô cùng khó khăn, ác liệt, quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 17.000 tên địch, bắn rơi và phá hủy 480 máy bay, 120 xe quân sự, 65 đại bác và súng cối cỡ lớn, 55 kho xăng và đạn dược, thu hàng ngàn súng các loại, hàng trăm tấn đồ dùng quân sự và lương thực, giải phóng hoàn toàn quận lỵ Hướng Hóa với hơn 10 ngàn dân.

Thất bại ở Khe Sanh khiến điều “cam kết” của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân với Tổng thống Hoa Kỳ trở thành “trò cười”. Đài BBC, ngày 30/6/1968 nói: “Việc rút lui Khe Sanh không phải đơn giản bỏ rơi một điểm yếu, mà là bỏ rơi một ảo tưởng và một chính sách. Tất cả nỗ lực của Hoa Kỳ dựng lên đã tan ra thành tro như những pháo đài xi măng cốt sắt ở Khe Sanh”. Hãng tin Roi-tơ, ngày 02/7/1968 cho rằng: “Khe Sanh đã được ghi vào lịch sử cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam như một nơi phải trả giá đắt nhất bằng máu”.

Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh Xuân - Hè 1968 mang tầm vóc và ý nghĩa chiến lược quan trọng, gây chấn động nội tình nước Mỹ và thế giới, viết nên “một câu chuyện thần kỳ”, góp phần đảo lộn thế chiến lược của địch trên chiến trường, giáng đòn nặng nề vào ý chí xâm lược của giới cầm quyền Nhà Trắng; trở thành biểu tượng sức mạnh, ý chí quyết tâm và lòng tự hào của quân và dân ta trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hóa là kết quả của đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; tiêu biểu cho trí tuệ, bản lĩnh, tinh thần chiến đấu kiên cường, anh dũng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, đặc biệt là các lực lượng trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong suốt quá trình chiến dịch; thể hiện sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa hậu phương với tiền tuyến; đồng thời, đánh dấu sự phát triển vượt bậc của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Trong bức điện khen ngày 13/7/1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Cuộc thắng lợi của ta ở Khe Sanh tỏ rõ mưu lược và sức mạnh vô địch của quân, dân và cán bộ ta, nó góp phần xứng đáng vào thắng lợi to lớn của toàn miền Nam từ đầu năm đến nay. Cùng với những thắng lợi của ta ở các chiến trường khác, nó mở đường cho những thắng lợi to lớn hơn nữa”.

Chiến thắng Khe Sanh đã góp phần vào chiến dịch giải phóng Quảng Trị và chiến dịch 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972, mà đỉnh cao là thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975.

Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hướng Hóa luôn phát huy truyền thống cách mạng, năng động, sáng tạo, đoàn kết, nghĩa tình, phấn đấu với quyết tâm cao để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Sau 55 năm xây dựng, phát triển và hàn gắn vết thương chiến tranh, Huyện Hướng Hóa đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng, xứng đáng với danh hiệu cao quý mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng “Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới”.

Đến nay, toàn huyện có 21 đơn vị hành chính bao gồm 19 xã và 02 thị trấn (Khe Sanh và Lao Bảo), 149 thôn, bản, khối khóm; trong đó có 14 xã đặc biệt khó khăn, 11 xã, thị trấn giáp biên với Lào; có cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo nằm trên trục đ­ường Quốc lộ 9 nối liền với các nước trong khu vực: Lào, Thái Lan, Myanma và Khu vực Miền Trung Việt Nam; có đ­ường biên giới dài 127 km, tiếp giáp với 3 huyện nước bạn Lào (huyện Sê Pôn, huyện Noòng của tỉnh Savannakhet và huyện Sa Muộn của tỉnh Salavan). Diện tích tự nhiên 1150,86km2; dân số hơn 95 nghìn ng­ười, có 03 dân tộc sinh sống chủ yếu là Pa Kô, Vân Kiều, Kinh, trong đó đồng bào Vân kiều, Pa Kô chiếm 50% dân số.

Đảng bộ huyện có 59 tổ chức cơ sở Đảng, 260 chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở, 4.603 đảng viên.Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được củng cố vững chắc, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội, cùng nỗ lực phấn đấu vì sự phát triển của quê hương.

Kinh tế - xã hội huyện nhà có sự phát triển vượt bậc, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng trên 3 lĩnh vực trụ cột (nông - lâm nghiệp; thương mại - dịch vụ, du lịch; công nghiệp - xây dựng). Quy mô nền kinh tế - tổng giá trị sản xuất toàn huyện tăng cao, đạt 28.556,9 tỷ đồng (gấp 169 lần/1997); thu nhập bình quân đầu người đạt 43,05 triệu đồng (gấp 12,39 lần/năm1997); tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm từ 2- 3%/năm, còn 26,45% (theo chuẩn mới đa chiều năm 2022); hàng năm tạo việc làm mới 3.078 lao động, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế toàn dân đạt 99,1%.

Đẩy mạnh khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển các vùng chuyên canh tập trung, sản phẩm chủ lực, OCOP, như cà phê, sắn, cây ăn quả, cao su, cây dược liệu, hoa màu, rừng nguyên liệu, chăn nuôi; phát triển công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời); thương mại - dịch vụ qua cửa khẩu quốc tế và hệ thống tiêu thụ, phân phối hàng hóa bán lẻ, hình thành các chuổi sản xuất và cung ứng; dịch vụ - du lịch về lịch sử, văn hóa, sinh thái, cộng đồng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được đẩy mạnh đầu tư đồng bộ, phát triển đột phá, chuyển biến mạnh mẽ như: giao thông, điện, nước, thủy lợi, thông tin, trường học, trạm y tế, trụ sở, nhà văn hóa... đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, chuyển đổi số, công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập. Tốc độ đô thị hóa khá nhanh, đã hình thành 2 đô thị: Khe Sanh, Lao Bảo, quy hoạch 2 đô thị: Hướng Phùng, Lìa. 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 02 đô thị văn minh. 100% thôn, bản phủ sóng phát thanh, truyền hình; 95% thôn, bản có kết nối internet, wifi, 3G, 4G; 76.124 thuê bao di động; 21/21 xã, thị trấn kết nối hội nghị trực tuyến. Diện mạo huyện miền núi biên giới từ trung tâm cho đến các bản làng xa xôi ngày càng khởi sắc.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội có sự phát triển nhanh. Toàn huyện có 65 trường học, cơ sở giáo dục - đào tạo, với 4 bậc học: mầm non, tiểu học, THCS, THPT, 33.680 học sinh, 2.293 giáo viên (gấp 2,15 lần/năm1997). Cơ sở vật chất, số lượng, chất lượng đội ngũ y tế ngày càng được nâng lên, đạt 7,7BS/01vạn dân (gấp 5,5 lần/năm1997); 21/21 trạm y tế xã, thị trấn đạt chuẩn bộ tiêu chí quốc gia đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch bệnh, nhất là phòng chống đại dịch covid-19. Toàn huyện có 20.564/21.354 gia đình văn hóa, 149/149 làng văn hoá; tích cực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc. Thực hiện tốt công tác “đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo chế độ chính sách gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công cách mạng,  đảm bảo phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Quốc phòng - an ninh luôn được củng cố và tăng cường. Thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân ngày càng vững chắc. Công tác sẵn sàng chiến đấu, an ninh trật tự, an toàn xã hội được tổ chức thực hiện có hiệu quả. Hoạt động đối ngoại nhân dân, đối ngoại biên phòng và biên giới được tăng cường.

Phát huy truyền thống của quê hương, trong những năm tới huyện Hướng Hóa tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị, huyện Hướng Hóa lần thứ XVII, trong đó tập trung công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị trên các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ có ý nghĩa then chốt, nhất là công tác cán bộ; đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng, đảng viên;xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ nhân dân, cải cách hành chính, chuyển đổi số mạnh mẽ; đẩy mạnh“Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đẩy mạnh khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế nông - lâmnghiệp; công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo; thương mại, dịch vụ, du lịch. Tập trung xây dựng nông thôn mới, từng bước xây dựng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, lồng ghép thực hiện hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tăng cường xúc tiến lao động đi lao động trong và ngoài nước. Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, tạo đột phá, chuyển biến mạnh mẽ như: giao thông, điện, nước, thủy lợi, thông tin, trường học, bệnh viện, trạm y tế, thiết chế văn hóa, nhà ở ... đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, chuyển đổi số, công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập. Thực hiện tốt công tác quy hoạch tổng thể nhất là quy hoạch sử dung đất, quy hoạch ngành, nghề, sắp xếp bố trí dân cư và quy hoạch đô thị. Đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Chăm lo xây dựng và phát triển văn hóa, con người, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trên các lĩnh vực, trên địa bàn toàn huyện. Giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tư an toàn xã hội, tăng cường công tác đối ngoại, giao lưu, hợp tác, phát huy tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt - Lào đời đời bền vững.

Kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hoá là dịp để ôn lại  truyền thống hào hùng, bất khuất, oanh liệt của quê hương, đồng thời tạo thêm động lực mới để phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, khát vọng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, phấn đấu xây dựng huyện nhà ngày càng “Phát triển nhanh và bền vững”; “Huyện miền núi kiểu mẫu” như lời căn dặn của Tổng Bí thư Lê Duẩn khi về thăm huyện tháng 2 năm 1977, xứng đáng với niềm tin yêu của đồng bào cả nước./. Nguyễn Quang Hưng - UVTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hướng Hóa.

 

 

718 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin cơ sở

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 687
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 687
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77014338