Ông Trần Anh Đức, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) tham luận về những điểm mới của Nghị định số 56/2024/NĐ-CP tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2024 - Ảnh: VGP/LS
Tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 của Bộ Tư pháp, ngày 10/7, Bộ Tư pháp cho biết: Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 56/2024/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung Nghị định một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định ngày 4/7/2011 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, có nhiều bộ, ngành đề nghị Bộ Tư pháp sớm có hướng dẫn về việc xét chuyển ngạch cho công chức thực hiện công tác pháp chế sang ngạch Pháp chế viên tương ứng để thực hiện theo quy định tại Nghị định số 56/NĐ-CP vừa ban hành.
Về việc này, Bộ Tư pháp cho biết, việc rà soát và chuyển ngạch cho công chức thực hiện công tác pháp chế, tại khoản 4 Điều 4 Nghị định số 56/2024/NĐ-CP ngày 18/5/2024 của Chính phủ đã quy định: "Trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quản lý, sử dụng công chức thực hiện công tác pháp chế có trách nhiệm rà soát, xét chuyển ngạch cho công chức thực hiện công tác pháp chế sang ngạch Pháp chế viên tương ứng theo quy định của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức".
Theo đó, Bộ Tư pháp đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện việc rà soát và chuyển ngạch cho công chức làm công tác pháp chế theo đúng quy định.
Về chế độ hỗ trợ cho người làm công tác pháp chế, khoản 2 Điều 4 Nghị định số 56 quy định: "Căn cứ vào vị trí việc làm về nghiệp vụ chuyên môn, pháp chế trong cơ quan, tổ chức hành chính, người làm công tác pháp chế ở Bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ được hưởng mức hỗ trợ là 60.000 đồng/ ngày làm việc, người làm việc ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh được hưởng mức hỗ trợ 40.000 đồng/ ngày làm việc".
Do đó, căn cứ vào Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Bộ Tư pháp đề nghị các bộ, ngành, địa phương bảo đảm ngân sách cho việc hỗ trợ cho người làm công tác pháp chế tại cơ quan, tổ chức hành chính năm 2024, xây dựng dự toán ngân sách năm 2025 để bảo đảm kinh phí chi cho nội dung này.
Về hướng dẫn tiêu chuẩn về "chứng chỉ khác" làm cơ sở cho việc bổ nhiệm Pháp chế viên theo quy định tại Nghị định 56, Bộ Tư pháp cho biết: Thực hiện khoản 16 Điều 1 Nghị định 56; khoản 6, khoản 7 Điều 73 Nghị định 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, hiện nay, Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, nâng ngạch, chuyển ngạch và xếp lương đối với các ngạch pháp chế. Trong đó, sẽ có quy định cụ thể về chuyển ngạch, các chứng chỉ làm cơ sở cho việc bổ nhiệm, chuyển ngạch cho các ngạch pháp chế.
Lê Sơn