Có thể khẳng định rằng “Yêu nước là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử Việt Nam[1]. Yêu nước cũng là giá trị cao nhất, phẩm chất tốt đẹp nhất của con người Việt Nam. Điều này, không chỉ được rút ra từ nhiều cuộc hội thảo bằng bút mực, chữ nghĩa mà còn bằng chính xương máu của bao thế hệ người Việt Nam trong hàng ngàn năm lịch sử. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”[2]. Trong hành trình đó, Phụ nữ Việt Nam giữ vị trí, vai trò quan trọng.
Mùa xuân năm 40 (sau CN), Hai Bà Trưng đã giương cao ngọn cờ tụ nghĩa, kêu gọi hào kiệt bốn phương cùng Nhân dân đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lại độc lập cho dân tộc. Khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã ghi dấu son chói lọi trong lịch sử dân tộc ta, thể hiện ý chí, tinh thần của người Việt Nam: Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh. Cuộc khởi nghĩa đã minh chứng cho nghĩa khí, ý chí kiên định, vững vàng của phụ nữ không chịu khuất phục trước kẻ thù. Các nhà sử học cho rằng: Cuộc khởi nghĩa hai Bà Trưng đã chứng minh vai trò, khả năng to lớn phụ nữ trong đấu tranh chống ngoại xâm. Từ dấu son đầu tiên và sáng chói đó cho đến thời đại Hồ Chí Minh: Mỗi khi nước nhà gặp nguy nan, phụ nữ đều hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đặc biệt, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, phong trào phụ nữ Việt Nam ngày càng phát triển, lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu của từng thời kỳ cách mạng. Phát huy truyền thống con cháu Bà Trưng, Bà Triệu, các thế hệ phụ nữ Việt Nam đã được rèn luyện, trưởng thành từ phong trào rộng lớn của phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ. Ở bất kỳ nơi đâu, trong bất kỳ công việc nào, người phụ nữ đều hoàn thành nhiệm vụ với một sức bền bỉ, dẻo dai, sự sáng tạo và lòng dũng cảm phi thường .[3] Chỉ tính riêng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, phụ nữ đã đóng góp 68% số ngày công phục vụ toàn chiến dịch. Trên các ngả đường tới chiến trường Điện Biên, dưới bom đạn của kẻ thù, các chị đã không quản ngại hiểm nguy, chung lưng sát cánh cùng bộ đội, chống lầy, phá bom, đắp đường, bắc cầu. Với quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, những cuộc đấu tranh chính trị trực diện của “đội quân tóc dài” khởi nguồn từ quê hương Đồng Khởi, Bến Tre diễn ra ở khắp nơi gắn với tên tuổi nữ tướng Nguyễn Thị Định. Tại các đô thị miền Nam, lực lượng đấu tranh của đội quân tóc dài bao gồm hàng vạn phụ nữ công nhân, tiểu thương, nữ tu, Phật tử, giáo chức, trí thức… luôn phối hợp với phụ nữ ở các vùng nông thôn, vùng ven, các tỉnh Tây Nguyên, xuống đường đấu tranh chống địch phản kích, chống bắn phá bừa bãi, chống giết người, cướp của, cứu tế nạn nhân. Trong phong trào Đồng Khởi năm 1960, đã có gần 1 triệu lượt phụ nữ đấu tranh trực diện kết hợp với lực lượng vũ trang, góp phần làm tan rã trên 20.000 binh lính và dân vệ, phá kìm kẹp ở 895 xã trên tổng số 1193 xã ở miền Nam. Cùng với đấu tranh chính trị, chị em đã có mặt trong các đơn vị thuộc nhiều binh chủng, trực tiếp tham gia tấn công vào các sào huyệt của địch, giáng cho kẻ thù những đòn bất ngờ. Đó là chiến công của 50 trung đội nữ du kích tập trung được thành lập trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, chiến công của tiểu đoàn tự vệ Lê Thị Riêng, chiến công của các nữ biệt động Sài Gòn, thành phố Huế. Các dũng sỹ trong phong trào “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”; của các chị Út Tịch, Tạ Thị Kiều, Tô Thị Huỳnh, Ngô Thị Tuyết, Lê Thị Thanh… đã góp phần làm cho kẻ thù không ít lần kinh hồn bạt vía. Theo thiếu tá Công Phương Khương, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam, đã có hơn 200 cán bộ, chiến sỹ được tuyên dương danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; hơn 3000 bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hàng vạn chiến sỹ thi đua, nữ dũng sỹ quyết thắng, rạng danh với tấm huân chương Thành đồng hạng nhất và danh hiệu cao quý “Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang”.
Cùng với Phụ nữ cả nước, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, Phụ nữ Quảng Trị dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ đã đồng hành cùng quê hương trên bước đường xây dựng và phát triển, viết tiếp trang sử vẻ vang. Trong các cuộc kháng chiến lớp lớp phụ nữ hăng hái tham gia dân quân, du kích, cứu thương, tải đạn, nuôi giấu cán bộ, bảo vệ cách mạng. Chị Hoàng Thị Ái, Lê Thị Quế, Phan Thị Hồng, Lê Thị Diệu Muội... là những những nữ chiến sĩ cách mạng đầu tiên tiêu biểu của Đảng và của Hội Phụ nữ Quảng Trị. Các phong trào “Mẹ chiến sĩ”, “Hũ gạo nuôi quân”, “ Mùa đông binh sĩ”... đã thu hút đông đảo chị em và Nhân dân tham gia. Đất nước phải chia cắt theo Hiệp định Giơnevơ, hơn ai hết phụ nữ Quảng Trị thấm nỗi đau suốt 20 năm dằng dặc nhưng vẫn một lòng son sắt với Đảng, với Bác Hồ kính yêu; với ý chí: “Không có gì quý hơn độc lập tự do” và niềm tin vào chân lý “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”. Từ trong gian khổ hy sinh, phụ nữ Quảng Trị càng sáng ngời đức tính dũng cảm kiên cường và tấm lòng nhân hậu, thuỷ chung son sắt. Chúng ta mãi mãi không quên hình ảnh những người Phụ nữ Quảng Trị ở tuyến đầu Tổ quốc trong “Đội quân tóc dài” với 3 mũi giáp công, ngày đêm kiên trì bám trụ “Một tấc không đi, một ly không rời”. Nhiều chị em bị Mỹ- nguỵ giam cầm, tù đày, tra tấn dã man nhưng thà chết để trọn một lòng với cách mạng. Đó là hình ảnh những người của bờ Nam sông Bến Hải cho dù địch o ép, dụ dỗ, cưỡng bức bắt bỏ chồng con, ly khai Đảng, nhưng ngày đêm vẫn vời vợi nỗi nhớ thương, hướng về bờ Bắc sông Bến Hải, về miền Bắc thân yêu với tấm lòng thuỷ chung son sắt đợi chờ. Vĩnh Linh - Địa đầu của miền Bắc, mảnh đất luỹ thép vẫn mãi mãi sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng với chiến công của những nữ dân quân bến đò B Cửa Tùng, của mẹ Trần Thị Diệm ngày đêm vá cờ.... Trang sử vàng của Hội Liên hiệp Phụ nữ Quảng Trị mãi mãi ghi công Anh hùng Liệt sĩ Trần Thị Tâm và biết bao nữ Liệt sĩ, du kích đã cống hiến cả tuổi xuân của mình cho Tổ quốc, giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng. Cảm ơn mẹ Trần Thị Mít, Trần Thị Dương và những người mẹ Quảng Trị Anh hùng đã cống hiến một phần máu thịt của mình là những người chồng, người con yêu quý cho độc lập tự do của Tổ quốc, để hôm nay mỗi tên đất, tên làng Quảng Trị đều trở thành những di tích lịch sử. Bước vào thời kỳ mới, nhất là sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Phụ nữ Quảng Trị đã phát huy truyền thống, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tạo nên những chuyển biến mới, những thành tựu to lớn trong phong trào phụ nữ và hoạt động Hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển và bình đẳng giới.
Kỷ niệm 113 năm ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) và khởi nghĩa Hai Bà Trưng, chúng ta có đủ cơ sở để tin rằng: Phụ nữ Việt Nam, trong đó có Phụ nữ Quảng Trị sẽ có bước phát triển mới, mạnh mẽ đóng góp xứng đáng hiện thực hóa mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Trí Ánh
[1] GS, NGND Trần Văn Giàu (2011) Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia. tr.165
[2] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 10 (2011), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Tr 171-172
[3] Trích lời Chủ tịch Hồ Chí Minh