Cụ thể, tính từ 6h ngày 16/4 đến 6h ngày 13/5 là 27 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Và tính đến 6h ngày 13/5, cả nước có tổng cộng 148 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Tính từ 18h ngày 12/5 đến 6h ngày 13/5: 0 ca mắc mới.
Hiện tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 12.634, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện: 322; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 6.819; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 5.493.
|
Tổng số người được cách ly theo dõi sức khỏe là 12.634. (Nguồn: Bộ Y tế) |
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này đã có 252 bệnh nhân COVID-19 tại nước ta được công bố khỏi bệnh/xuất viện chiếm 88% tổng số ca đang điều trị. Hiện còn 36 bệnh nhân đang điều trị tại 6 cơ sở y tế tuyến trung ương và tuyến tỉnh. Đa số các bệnh nhân đều có sức khoẻ ổn định.
Tính đến sáng ngày 13/5, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại 6 cơ sở y tế, hiện đã có 7 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 và 9 bệnh nhân có kết quả âm tính 2 lần trở lên với virus SARS-CoV-2. Hiện chỉ còn lại 20 bệnh nhân COVID-19 có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Các biện pháp của Việt Nam rất nhanh và hiệu quả
Chiều 12/5, tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, một số chuyên gia quốc tế, lãnh đạo Bộ Y tế và đại diện một số bộ, ngành… về tình hình phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam, TS. Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam bày tỏ ấn tượng trước các biện pháp rất nhanh, hiệu quả đã được triển khai thời gian qua.
Chia sẻ cảm giác an toàn khi sống, làm việc tại Việt Nam thời gian qua, TS. Kidong Park và nhiều chuyên gia quốc tế cảm ơn và đánh giá cao sự chủ động phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin đầy đủ của Việt Nam về mọi hoạt động phòng, chống dịch bệnh COVID-19, kể cả số liệu về số ca nhiễm bệnh, số ca điều trị khỏi, và chưa có ca nào tử vong.
Tuy nhiên, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam và một số chuyên gia quốc tế đều nhấn mạnh hiện thế giới vẫn chưa có thuốc đặc hiệu, hay vaccine điều trị COVID-19… do vậy, dịch bệnh được dự báo sẽ kéo dài nhiều tháng, thậm chí tính bằng năm. Việt Nam vẫn phải ở trong tâm thế hết sức cảnh giác, theo dõi chặt chẽ khi các quốc gia đang phải ứng phó vô cùng vất vả, vẫn hiện hữu nguy cơ có những ca bệnh tại cộng đồng.
Thời gian tới, các chuyên gia quốc tế khuyến nghị cần tăng cường hơn các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh dài hạn như: Mô hình hoá sự lây lan dịch bệnh; đánh giá hệ thống y tế để tìm ra điểm yếu, hạn chế từ đó đầu tư kịp thời, đảm bảo luôn chủ động phòng, chống dịch; ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập bên ngoài; tăng cường giám sát các nhóm nguy cơ… Bên cạnh đó, cần thường xuyên rà soát lại các biện pháp hạn chế, đánh giá, cập nhật thông tin mới… làm cơ sở đưa ra khuyến nghị phù hợp về đi lại, giao thương.
Tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cám ơn sự hợp tác, hỗ trợ tích cực của WHO, các tổ chức và chuyên gia quốc tế ngay từ những ngày đầu phòng, chống COVID-19 của Việt Nam và mong muốn hai bên tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ trong thời gian tới. Việt Nam sẵn sàng chia sẻ thông tin, đóng góp các sáng kiến, bài học kinh nghiệm trong phòng, chống dịch bệnh đối với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước nghèo, đang phát triển.
Hiện mỗi ngày Việt Nam xét nghiệm khoảng gần 2.000 mẫu, và đến nay đã thực hiện xét nghiệm 275.000 mẫu, phát hiện 288 trường hợp nhiễm COVID-19, phần lớn ở trong cơ sở cách ly tập trung. Đánh giá dịch tễ học về nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng hiện rất thấp.
Việt Nam vẫn tiếp tục thực hiện giải pháp ngăn chặn triệt để nguồn lây nhiễm bên ngoài. Tất cả các trường hợp nhập cảnh đều phải cách ly tập trung 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm 2 lần. Hệ thống giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh trong cộng đồng được duy trì để khoanh vùng, dập dịch ngay lập tức. Năng lực ứng phó với đại dịch tiếp tục được tăng cường, đặc biệt là đội ngũ y tế trong chăm sóc, điều trị người nhiễm COVID-19 ở tất cả các tuyến. Việt Nam đã chủ động sản xuất nhiều trang thiết bị, dụng cụ, vật tư y tế, máy thở, thuốc điều trị… trong nước./.
Đỗ Thoa