Gần 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, lĩnh vực nông nghiệp phát triển với nhịp độ khá cao theo hướng tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả. Theo đó, tăng trưởng GDP năm 2019 đạt 7,02%, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,01%, đóng góp 4,6% vào tăng trưởng chung. Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao, như gạo, cà-phê, cao-su, hạt điều, hồ tiêu, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản..., đứng nhóm hàng đầu thế giới. Cùng với đó, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường. Các liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản phát triển đa dạng, phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng và địa phương. Nhiều mô hình đã thành công, như mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”, “Chuỗi sản xuất, thương mại, chế biến và phân phối sản phẩm khép kín”, “Hợp tác xã, tổ hợp tác kiểu mới”, “Doanh nghiệp công nghệ cao trong nông nghiệp”; hoặc các tổ chức hợp tác theo quy mô cộng đồng làng, xã dưới hình thức hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, công ty cổ phần… Những thành công bước đầu từ các mô hình tổ chức sản xuất mới trong nông nghiệp mở ra tương lai, xu hướng phát triển nông nghiệp bền vững. Thêm vào đó, ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp ngày càng phổ biến theo hướng sử dụng giống mới, công nghệ sinh học, phương thức canh tác tiên tiến. Đáng ghi nhận, bên cạnh việc cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp như tưới nước, thu hoạch, làm sạch nông sản, chế biến thức ăn, nuôi trồng thủy sản…, các khâu sơ chế, bảo quản nông sản sau thu hoạch cũng được ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, giúp kéo dài thời gian bảo quản và tăng giá trị sản phẩm.
Từ một nước thường xuyên thiếu đói, hằng năm phải nhập khẩu hàng triệu tấn lương thực, đến nay, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới (sauThái Lan).
Về nông nghiệp hữu cơ, là nước nông nghiệp, Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển. Nước ta nằm trong khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều nên việc sản xuất ra các loại sinh khối phục vụ cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ có thể được thực hiện khá nhanh, các chu trình chuyển hóa vật chất diễn ra với tốc độ cao, các chất hữu cơ cao phân tử sau một thời gian xử lý nhanh chóng trở thành các chất khoáng đơn giản cung cấp cho cây trồng. Nguồn nguyên liệu chế biến phân bón như phân xanh, phân hữu cơ khá phong phú. Việt Nam còn nhiều nguồn tài nguyên nằm dưới lòng đất, chứa hàm lượng các chất khoáng tự nhiên cao, dồi dào. Nước ta có nhiều vùng rừng núi tự nhiên, chủ yếu canh tác quảng canh, chưa bị ảnh hưởng của ô nhiễm hoá chất rất phù hợp cho nuôi ong, chăn nuôi và trồng trọt theo phương pháp hữu cơ. Hiện, công nghệ sinh học được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp như sản xuất phân bón hữu cơ sinh học, phân bón hữu cơ vi sinh chức năng, các chế phẩm xử lý môi trường đất, nước và nhiều chế chế phẩm vi sinh, thuốc thảo mộc có thể thay thế thuốc hoá học trong bảo vệ thực vật. Nguồn lao động dồi dào và có nhiều kinh nghiệm, sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp cũng là lợi thế lớn trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở nước ta do sản xuất theo phương pháp hữu cơ đòi hỏi nhiều công lao động thủ công. Nhận thức của người tiêu dùng trong nước về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khoẻ ngày càng cao. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm đến nông nghiệp hữu cơ, đặc biệt Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ đã được Chính phủ ban hành, có hiệu lực thi hành từ 15/10/2018, trong đó có nhiều cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, nhóm hộ sản xuất sản phẩm hữu cơ (như đã trình bày ở bài trước).
Bên cạnh những thuận lợi thì việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng không ít khó khăn và thách thức. Trong quá trình canh tác hữu cơ, người sản xuất chỉ được phép sử dụng phân bón hữu cơ, phòng trừ cỏ dại, sâu bệnh bằng các biện pháp thủ công hoặc thuốc sinh học nên mất nhiều công lao động và khó thực hiện trên diện rộng, trong khi nước ta có khí hậu nóng ẩm rất thuận lợi cho nhiều loài sâu bệnh phát triển và gây hại. Kinh nghiệm của nhiều nước sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho thấy bảo vệ thực vật là thách thức lớn nhất trong thực hành sản xuất theo phương pháp hữu cơ. Với vùng thâm canh cao, trước đây sử dụng nhiều phân bón hóa học và hóa chất bảo vệ thực vật, khi chuyển sang sản xuất hữu cơ, những năm đầu, năng suất giảm rõ rệt và gặp khó khăn trong phòng chống sâu bệnh do áp lực sâu bệnh còn cao, cân bằng sinh thái bị phá vỡ, cần thời gian để thiết lập lại. Phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học có tác dụng chậm hơn so với nhiều phân bón hóa học và hóa chất bảo vệ thực vật nên nguồn dinh dưỡng khoáng cung cấp cho cây trồng ở giai đoạn đầu rất chậm và không đầy đủ, dễ dẫn đến rủi ro bùng phát dịch hại và năng suất giảm nhiều.
Do năng suất không cao, công lao động nhiều nên giá thành sản phẩm từ nông nghiệp hữu cơ thường cao gấp 2-4 lần bình thường, ngoài ra, trong nhiều trường hợp, sản phẩm có hình thức không đẹp, không bắt mắt. Phần lớn các hộ nông dân sản xuất với quy mô nhỏ, manh mún nên khó khăn trong việc tập trung diện tích để cùng sản xuất hữu cơ[1]. Cùng với đó, nhận thức của người sản xuất về nông nghiệp hữu cơ còn hạn chế, vì vậy, việc tổ chức sản xuất để đáp ứng quy định nghiêm ngặt của tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ là một thách thức lớn. Mức sống của người tiêu dùng Việt Nam còn thấp và nhận thức về nông nghiệp hữu cơ chưa cao, nhiều trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm diễn ra nhiều năm qua đã làm mất lòng tin của người tiêu dùng, do vậy, việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ để cung cấp thực phẩm cho thị trường nội địa cũng sẽ gặp nhiều khó khăn không nhỏ về vấn đề tiêu thụ. Chính sách thúc đẩy, hỗ trợ nông nghiệp hữu cơ phát triển ở nước ta còn thiếu và chậm được triển khai. Một số chính sách được ban hành nhưng khi thực hiện gặp nhiều vướng mắc, khó khả thi. Trí Ánh
[1] Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong hơn 10 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, có khoảng 80% số hộ có diện tích đất canh tác dưới 1 ha. Hiện nay, bình quân một hộ nông dân có 2 lao động và 2 người phụ thuộc. Trong tổng số 21 triệu lao động nông nghiệp, có khoảng 97,2% số lao động không được đào tạo về nghề nghiệp, chỉ có khoảng 1,5% được đào tạo trình độ sơ cấp, khoảng 1,2% có trình độ trung cấp và khoảng 0,2% có trình độ cao đẳng, đại học .