Săn tìm “sếu đầu đàn” cho Quảng Trị 

Hôm nay, 17/10, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 13 kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Singapore diễn ra Hội thảo Xúc tiến đầu tư vào tỉnh Quảng Trị. Đây là cơ hội để Quảng Trị hiện thực hóa các kế hoạch thu hút đầu tư, nhằm phát triển kinh tế - xã hội.

Săn tìm “sếu đầu đàn”

Sẽ có khoảng 200 doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước tham dự sự kiện quan trọng, do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ trưởng Bộ Công thương chủ trì. Nhưng có lẽ, một trong những tâm điểm chú ý, sẽ là sự có mặt của liên doanh giữa Sembcorp (Singapore) và Becamex (Việt Nam) - VSIP.

Nói vậy là bởi vì, VSIP chính là một hình mẫu cho sự hợp tác thành công của Việt Nam - Singapore. Và vào tháng 3 vừa qua, Thủ tướng hai nước Việt Nam và Singapore đã thống nhất thúc đẩy liên doanh VSIP nghiên cứu để phát triển KCN VSIP thứ 8 tại Quảng Trị, nhằm tạo động lực thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam và tỉnh Quảng Trị.

Cũng trong tháng 3/2017, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Lý Hiển Long, UBND tỉnh Quảng Trị và lãnh đạo VSIP đã ký biên bản ghi nhớ về việc hợp tác nghiên cứu đầu tư dự án VSIP Quảng Trị.

Mới chỉ là những thỏa thuận về việc “nghiên cứu đầu tư”, song kỳ vọng rất lớn đã được đặt ra. Bởi lẽ, sau nhiều năm phát triển, chuỗi các khu công nghiệp - đô thị VSIP ở Việt Nam đã thu hút được trên 750 nhà đầu tư thứ cấp đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký trên 10 tỷ USD.

Bằng kinh nghiệm và năng lực của mình, VSIP có thể biến vùng đất còn nghèo, thu hút đầu tư còn khiêm tốn dù có rất nhiều tiềm năng như Quảng Trị trở thành một “thỏi nam châm” thu hút đầu tư ở khu vực miền Trung.

ảnh 1
 Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị được đầu tư hạ tầng đồng bộ để sẵn sàng chào đón nhà đầu tư. Ảnh: Ngọc Tân.

Không chỉ VSIP, sự có mặt của Sumitomo (Nhật Bản) và Amata (Thái Lan), hai tập đoàn lớn đã có nhiều thành công trong phát triển các KCN ở Việt Nam, cũng sẽ góp phần quan trọng phát triển các KCN ở Quảng Trị, đưa vùng đất này trở thành một địa điểm đầu tư hấp dẫn.

TS. Trần Du Lịch, Trưởng nhóm Tư vấn hợp tác phát triển vùng Duyên hải miền Trung đã từng nhấn mạnh rằng, trong dài hạn, Quảng Trị phải kiên trì sự lựa chọn một số lĩnh vực, sản phẩm có lợi thế của tỉnh, từ đó “săn tìm” và tạo điều kiện để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, hỗ trợ để họ trở thành “con sếu đầu đàn” cho từng lĩnh vực cụ thể, nhằm tạo sức lan tỏa, tạo động lực và dẫn dắt sự phát triển của Quảng Trị.

“Nếu như chúng ta đầu tư đồng bộ và có những ‘con sếu đầu đàn’ vào đầu tư thì rất có lợi cho sự phát triển của Quảng Trị”, TS. Trần Du Lịch nói.

Trên góc độ ấy, một phần nào đó có thể coi VSIP, Amata hay Sumitomo chính là những “sếu đầu đàn” mà Quảng Trị cần kêu gọi và săn tìm. Tất nhiên, cũng phải tính thêm cả EGATI (Thái Lan), tập đoàn vẫn đang tích cực để triển khai Dự án Nhiệt điện BOT Quảng Trị, vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD, một dự án có ý nghĩa động lực.

Thực tế, trong suốt thời gian qua, Quảng Trị đã rất nỗ lực trong công tác xúc tiến đầu tư. Những chuyến công tác nước ngoài của các vị lãnh đạo tỉnh đã kéo các nhà đầu tư lớn đến gần hơn với vùng đất này. Theo thông tin của ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, ngoài các tập đoàn nói trên, rất nhiều nhà đầu tư lớn khác cũng đã tới Quảng Trị để tìm kiếm các cơ hội đầu tư trong thời gian qua.

Từ Kinder World (Singapore), Lenzing (Áo), C&N Vina (Hàn Quốc) đến Tập đoàn Điện khí Thượng Hải (Trung Quốc), Tập đoàn Điện khí Hàn Quốc, rồi Thái Việt Swine Line, Subur Tiasa (Malaysia), Itochu (Nhật Bản)… Cơ hội đang đến với Quảng Trị - mảnh đất giàu tiềm năng.

Đừng để mất “cơ hội vàng”

TS. Trần Du Lịch cũng đã từng nhấn mạnh rằng, nếu không nhanh chân, các nhà đầu tư sẽ mất đi cơ hội “ngàn vàng” để có thể được làm ăn tại mảnh đất sẵn có nhiều lợi thế như Quảng Trị. Thực ra, nhận định này có ý nghĩa đối với cả hai phía, nhà đầu tư và Quảng Trị.

Dễ hiểu vì sao TS. Trần Du Lịch nói thế. Bởi vì, thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Quảng Trị là một địa phương có vị trí địa kinh tế - chính trị quan trọng, là giao điểm của trục kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây, có điều kiện giao thông thuận lợi cả về đường bộ, đường sắt và đường thuỷ, trong đó có các tuyến giao thông huyết mạch của quốc gia.

Đặc biệt, khu vực này còn có tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC), tuyến đường xuyên Á ngắn nhất nối các nước trong khu vực từ Myanmar - Thái Lan - Lào qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đến miền Trung Việt Nam và mở rộng ra khu vực ASEAN. Hành lang kinh tế này được Chính phủ Nhật Bản, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) quan tâm đầu tư và đánh giá là một lợi thế nổi trội để tỉnh Quảng Trị tăng cường liên kết kinh tế.

Vị trí địa kinh tế này, không phải địa phương nào trong cả nước, thậm chí là trong khu vực có được. Là cửa ngõ, là điểm kết nối với các quốc gia ASEAN và Tiểu vùng Mê Kông mở rộng, nên Quảng Trị có rất nhiều lợi thế và cơ hội để đẩy mạnh phát triển và hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch và đầu tư trong khu vực.

Việc các KKT Đông Nam Quảng Trị, KKT cửa khẩu La Lay, cảng biển Mỹ Thủy… sẽ được đầu tư xây dựng cũng sẽ mang lại nhiều lợi thế cho Quảng Trị trong thu hút đầu tư.

Các nhà đầu tư sẽ thực sự mất đi “cơ hội vàng” nếu như không nhanh chân đầu tư vào Quảng Trị. Nhưng ngược lại, nếu không nỗ lực, Quảng Trị cũng sẽ mất cơ hội vàng để thu hút đầu tư, tạo động lực cho sự phát triển của địa phương.

Khẳng định từ ông Nguyễn Đức Chính, Quảng Trị sẽ tiếp tục tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, áp dụng các ưu đãi đầu tư ở mức cao nhất, đồng thời nhanh chóng tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Với những nỗ lực này, chắc hẳn cả Quảng Trị và các nhà đầu tư sẽ không “cầm vàng mà để vàng rơi”.

 

Theo Hà Nguyễn - Ngọc Tân
baodautu.vn
549 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 738
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 738
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87199028