Ảnh minh hoạ. (Nguồn: dantri.com.vn)
Trong thời gian đầu tháng 12/2018 vừa qua, các tỉnh khu vực Trung Bộ đã có mưa to đến rất to, đặc biệt một số nơi có mưa dến 1.000mm/đợt, gây ngập lụt trên diện rộng; mực nước các sông Trung Trung Bộ dao động từ báo động 1 - báo động 3; nhiều hồ chứa đã đầy nước.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, từ ngày 27/12/2018 đến đầu tháng 1/2019, một đợt không khí lạnh rất mạnh sẽ ảnh hưởng đến nước ta, đồng thời trên biển Đông và gần biển Đông đang có dấu hiệu hoạt động của các vùng áp thấp có thể mạnh lên thành bão/áp thấp nhiệt đới. Các tỉnh vùng núi Bắc Bộ xảy ra rét hại, vùng núi nhiều khả năng có mưa tuyết và băng giá. Khu vực Trung Bộ sẽ xuất hiện mưa lớn diện rộng. Các khu vực của biển Đông sẽ liên tục xuất hiện gió mạnh, áp thấp nhiệt đới/bão gây sóng lớn, nước dâng vùng ven biển.
Rút kinh nghiệm từ đợt mưa lũ đầu tháng 12, nhằm chủ động ứng phó với thiên tai để đảm bảo an toàn công trình hồ chứa, đê điều, hạn chế tối đa thiệt hại về người, hạ tầng, sản xuất, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện một số công việc cấp bách sau:
Đối với khu vực Bắc Bộ, thường xuyên cập nhật diễn biến không khí lạnh gây rét đậm, rét hại, thông tin trên các phương tiện để mọi người dân, nhất là ở vùng núi biết, chủ động phòng chống. Tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm, vệ sinh chuồng nuôi; hướng dẫn việc chăn thả và nuôi nhốt trâu, bò để tránh rét; chủ động dự trữ thức ăn đảm bảo phòng chống đói, rét cho đàn gia súc; phổ biến cho người dân chăm sóc, bảo vệ diện tích cây trồng, hoa màu để hạn chế thiệt hại.
Đối với khu vực trên đất liền Trung Bộ, tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ vừa qua. Rà soát, sẵn sàng triển khai phương án ứng phó với thiên tai trên địa bàn, nhất là đảm bảo an toàn các công trình đê điều, hồ đập; kiểm soát chặt chẽ việc xả lũ của các hồ chứa nhằm đảm bảo an toàn đập và vùng hạ du; sẵn sàng vận hành công trình tiêu úng, chống ngập khu vực đô thị, vùng trũng thấp; chuẩn bị phương án sơ tán dân vùng trũng, thấp, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, chia cắt và lũ quét, sạt lở đất.
Sẵn sàng phương án phân công, bố trí lực lượng thường trực tại các hồ chứa đã đầy nước, các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn; canh gác ở những vị trí ngầm, tràn giao thông bị ngập sâu, nước chảy siết; bố trí lực lượng, kiểm soát chặt chẽ các bến đò, khu vực đường bị ngập…
Rà soát việc chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ”, chú trọng việc dự trữ lương thực, nước uống, thuốc men, nhu yếu phẩm… để sẵn sàng ứng phó với các tình huống, nhất là ngập lụt kéo dài. Tổ chức tính toán để chủ động các phương án vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn cho công trình và khu vực hạ du, đồng thời chủ động tích nước phục vụ sản xuất.
Sẵn sàng triển khai các lực lượng, nhất là các tổ độ, đội xung kích phòng, chống thiên tai tại từng xã, thôn, bản với lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt, kiểm tra, tổ chức xử lý, thanh thải vật cản gây tắc nghẽn dòng chảy, nhất là trên các suối, khe cạn đề phòng xảy ra lũ quét khi có mưa lớn.
Đối với khu vực trên biển và ven biển Trung Bộ, thông báo cho chủ và thuyền trưởng các phương tiện tàu, thuyền đang hành động trên biển biết tình hình gió mạnh để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường công tác dự báo, cảnh báo để kịp thời thông tin và nâng cao độ chính xác về dự báo mưa, lũ, đặc biệt đối với các khu vực miền Trung đã xảy ra mưa lũ lớn vừa qua.
Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam tăng cường lực lượng thường trực, chỉ đạo chủ đập tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ; sẵn sàng các biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình; huy động các lực lượng liên quan phối hợp với chính quyền địa phương thông tin kịp thời đến người dân hạ du và vận hành đảm bảo an toàn công trình trong mọi tình huống.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn hồ chứa thuỷ lợi, đặc biệt đối với các vị trí đã xảy ra các sự cố, các hồ chứa nhỏ có nguy cơ mất an toàn, hồ chứa đã tích đầy nước; hướng dẫn kỹ thuật phòng chống rét trong chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, trồng trọt.
Bộ Y tế chỉ đạo công tác phòng chống rét, bảo vệ sức khoẻ cho người dân, đặc biệt là người già và trẻ em.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến không khí lạnh, mưa lớn và các biện pháp phòng tránh, ứng phó để các cấp chính quyền địa phương và người dân chủ động triển khai./.
Đặng Hiếu