Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai Trịnh Đình Dũng tại buổi họp ứng phó với bão số 12 và bão số 13 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, diễn ra sáng 10/11, tại Hà Nội.
|
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. (Ảnh: BT) |
Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn cho biết, lúc khoảng 8h40 phút sáng nay, bão số 12 nằm sát bờ từ Bình Định đến Phú Yên. Trong đó, từ Phú Yên đến Khánh Hòa có gió bão mạnh nhất. Trong chiều nay, khi bão số 12 đi sâu vào đất liền, vẫn đề phòng có gió giật mạnh.
Về tình hình mưa, trong 12h qua, mưa tập trung nhiều ở khu vực ven biển, từ 100-150mm, có nơi trên 200mm. Khu vực vùng núi, mưa từ 50-70mm. Đáng chú ý, lượng mưa tập trung trong ngày hôm nay và ngày mai. Đặc biệt, tại Thừa Thiên Huế, Quảng Nam khi hoàn lưu bão vào, mưa có thể trên 400mm. Đồng thời, khu vực mưa phổ biến từ Quảng Trị đến Bắc Khánh Hòa.
Ông Khiêm cũng lưu ý, với lượng mưa như vậy, khả năng xuất hiện đợt lũ mới. Trong đó, khu vực Quảng Bình, Bình Định từ báo động 1- báo động 2; Quảng Trị đến Quảng Nam từ báo động 2 đến báo động 3, một số sông trên báo động 3. Khu vực từ Bình Định đến Khánh Hòa lên báo động 2 – báo động 3. Khu vực Tây nguyên, lưu ý lũ một số sông lên báo động 2-3. Cảnh báo khu vực miền núi có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét rất cao.
Thông tin về cơn bão số 13, ông Khiêm cho biết, với cơn bão này, có xuất phát gần giống với cơn bão số 9. Hiện nay, bão đang ở cấp 8 -9, dự báo trong 24-36h tới, bão sẽ mạnh lên nhanh, đạt cấp 13 trước khi đổ bộ vào Philippines. Đây là cơn bão có hoàn lưu rộng, ít tiêu tán năng lượng, khi vào Biển Đông vẫn giữ ở cấp 12, giật cấp 15. Dự kiến, sáng ngày 12/11, bão sẽ đi vào Biển Đông và có tốc độ di chuyển nhanh. Nhận định đây là cơn bão mạnh.
Thông tin tại cuộc họp cho biết, để ứng phó với bão số 12, tính đến 6h00 ngày 10/11/2020, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 59.752 phương tiện/289.004 người (hiện tất cả tàu thuyền đã vào nơi tránh trú hoặc thoát ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão). Đồng thời, tính đến 16h00 ngày 9/11, đã thông báo, kiểm đếm 926 tàu vận tải tại các vùng nước, cảng biển từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, trong đó có 196 tàu biển và 730 phương tiện thủy nội địa.
Tại các địa phương trong khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của bão đã triển khai thực hiện công điện, văn bản của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai về việc ứng phó với cơn bão số 12. Trong đó, 5 tỉnh ban hành lệnh cấm biển (Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Ninh Thuận).
Riêng 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa đã tổ chức sơ tán 2.784 hộ/8.254 người tại các khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng của bão, lũ đến nơi an toàn. Các tỉnh khác đang tiếp tục rà soát, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và mưa lũ để tổ chức sơ tán phù hợp.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng, cơn bão số 12 gây mưa khá lớn cho các tỉnh Bình Định đến Ninh Thuận. Đồng thời, mưa sẽ rất to ở khu vực Thừa Thiên Huế, Quảng Nam trong khi đây là khu vực đã chịu ảnh hưởng của mưa lũ lớn, sạt lở đất nghiêm trọng, do vậy chúng ta cần tập trung các giải pháp để ứng phó.
Phó Thủ tướng đề nghị cần đảm bảo an toàn cho tàu thuyền tuyến trên biển. Đi cùng với đó, cần kiểm tra, rà soát các lồng bè, để đảm bảo người dân đã vào nơi an toàn. Đồng thời, cần có biện pháp ngay để quản lý các tàu khi đã vào nơi tránh trú, kiểm soát chặt chẽ việc ra khơi. Do tâm lý chủ quan khi cho rằng cơn bão số 12 nhỏ, trong khi đó, cơn bão số 13 đang chuẩn bị tiến vào Biển Đông.
Đồng thời, trên khu vực đất liền, Phó Thủ tướng đề nghị, cần rà soát những khu vực nguy hiểm để có kế hoạch sơ tán người dân, đặc biệt là những nơi nhà không an toàn, nhà có cửa kính không an toàn.
Bên cạnh đó, cần đảm bảo an toàn vận hành hồ đập, bởi hồ đập an toàn, hạ du mới an toàn, nếu không, thiệt hại sẽ vô cùng lớn.
Đi cùng với đó, Phó Thủ tướng đề nghị cần tập trung bảo vệ các công trình hạ tầng giao thông, công trình điện, công trình sản xuất công nghiệp dịch vụ; chằng chống các công trình nhà cửa. Trong công tác cứu hộ cứu nạn, cần linh hoạt, cơ động trong các phương án để tiếp cận nhanh nhất khu vực người dân bị gặp nạn, khẩn trương thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn. Ngoài ra, tập trung hỗ trợ người dân sau thiên tai như: sửa chữa nhà cửa, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc men…
Đáng chú ý, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương, đơn vị liên quan cần chủ động ngay các phương án để ứng phó với bão số 13 khi dự báo đây là cơn bão có sức gió lớn, nếu không suy giảm, sẽ gây thiệt hại nặng nề nếu chúng ta chủ quan./.