Sản lượng khai thác thủy sản tăng 56,31%
Nhằm tiếp tục tăng hiệu quả khai thác thủy hải sản, từ khi Nghị định 67 và chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ có hiệu lực và tính đến tháng 6/2017 ngư dân Quảng Trị đã đóng mới thêm 21 tàu đánh bắt xa bờ (trong đó có 16 tàu cá vỏ thép), nâng cấp thêm 59 tàu và thành lập được 111 tổ khai thác với hơn 500 tàu thuyền. Đến nay, toàn tỉnh Quảng Trị có trên 2.800 tàu thuyền với tổng công suất 69.480 CV, có trên 170 tàu cá xa bờ.
|
Đội tàu đánh bắt xa bờ Cửa Việt chuẩn bị ra khơi. |
Bằng những nỗ lực vượt khó và sử dụng tiền bồi thường sự cố môi trường biển có mục đích, hiệu quả, mạnh dạn đầu tư cải tạo nâng cấp, đóng mới nhiều tàu thuyền, sắm các ngư lưới cụ phục vụ đánh bắt thủy sản hiện đại.
Mặt khác, người dân vùng biển mạnh dạn đầu tư mua sắm, nâng cấp, cải hoán tàu, thuyền, tăng số lượng tàu đánh bắt xa bờ, ngư lưới cụ hiện đại phù hợp với từng loại ngư trường, phát triển các nghề mới nên ngư dân nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản của tỉnh Quảng Trị đã thu được hiệu quả kinh tế cao so với cùng kỳ năm 2016.
Cụ thể, theo cục thống kê tỉnh Quảng Trị, sản lượng thủy sản khai thác tháng 11/2017 đạt 1999 tấn (trong đó, cá 1760 tấn, tôm 13 tấn, thủy sản khác 226 tấn) và tổng sản lượng khai thác thủy hải sản 11 tháng năm 2017 đạt 21958 tấn tăng 56,31% so với cùng kỳ năm 2016 (trong đó, cá 18552 tấn tăng 54,91%, tôm 274 tấn tăng 109,96%, thủy sản khác 3132 tấn tăng 61,36%).
Doanh nghiệp cá "hồi sinh" sau sự cố môi trường biển
Trước đó, sự cố môi trường biển vào giữa năm 2016 đã khiến cho một số nhà máy chế biến thủy sản dọc ven biển Quảng Trị thiếu nguồn nguyên liệu hoạt động, tồn kho các sản phẩm đã chế biến, hàng hoá sản xuất ra không bán được khiến cho doanh nghiệp lỗ vốn, số lượng lao động giảm hoặc thu nhập của công nhân vấp vênh.
Trao đổi với PV báo Infonet, ông Hồ Thanh Ngọc - Giám đốc Doanh nghiệp Tư nhân Ngọc Tuấn cho biết, sự cố môi trường biển công ty chúng tôi bị thiệt hại nặng và gặp nhiều khó khăn như sản phẩm bột cá sản xuất ra không bán được hoặc nếu bán được thì giá bị giảm xuống, còn phải bảo lãnh sản phẩm đạt chất lượng mà trước đây không có yêu cầu này. Ngoài ra, tổng sản lượng ngư dân đánh bắt ngoài biển cung cấp cho công ty giảm xuống nhất là sản phẩm cung cấp cho người tiêu dùng như cá..., còn sản phẩm cung cấp cho gia xúc thì vẫn đảm bảo nhưng giá rất thấp.
Từ việc có những chuyển biến tích cực và đạt hiệu quả trong đánh bắt thủy hải sản trên biển của ngư dân trong năm 2017 nên nhiều doanh nghiệp thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có nguồn nguyên liệu dồi dào, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân và tăng doanh thu ổn định.
|
Nguồn nguyên liệu dồi dào khiến cho các doanh nghiệp thủy sản "hồi sinh" |
Sau khi sự cố môi trường biển được khắc phục, được sự quan tâm của nhà nước và nhận tiền đền bù thì công ty tái đầu tư tập trung sản xuất. Đến nay, mỗi tháng công ty sản xuất bán ra thị trường hơn 1000 tấn sản cung cấp nhu cầu cho các cá nhân, doanh nghiệp trong tỉnh Quảng Trị cũng như các tỉnh lân cận có nhu cầu cần thiết nên tạo việc làm cho hàng trăm người dân có thu nhập ổn định – ông Hồ Thanh Ngọc cho biết thêm.
Được biết, để tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương và nâng giá trị khai thác biển đi lên, từ năm 2012 nhà máy chế biến thủy sản Cửa Tùng thuộc DNTN Ngọc Tuấn (thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) đã xây dựng thành công mô hình sản xuất bột cá và cá khô với sự đầu tư những trang thiết bị hiện đại như hệ thống kho đông, hệ thống hấp sấy và dây chuyền chế biến bột cá, các công đoạn hấp sấy đều sử dụng công nghệ hơi nước, năng lượng hấp sấy được cung cấp bởi nồi hơi.
Đặc biệt, nhà máy đặt vấn đề về môi trường lên hàng đầu “Là sự sống còn của doanh nghiệp” nên đã đầu tư tiền tỷ cho hệ thống xử lý nước thải và xử lý mùi hôi.