Đón điện Sông Đà và âm vang Rào Quán
Chỉ mấy tháng sau khi tái lập tỉnh Quảng Trị (chia tách từ tỉnh Bình Trị Thiên năm 1989), Công ty Điện lực 3 đã có bước khởi động bằng việc cho Xí nghiệp Cơ điện tiến hành khảo sát đường dây 35 kV Cam Lộ - Khe Sanh.
Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh đạo tỉnh cùng lãnh đạo ngành điện miền Trung đã có buổi tiếp xúc với Bộ Năng lượng, thống nhất giải pháp để cấp điện cho đồng bào Vân Kiều, Pa Cô mang họ Bác trong bối cảnh nhiều vùng đồng bằng vẫn chưa có điện.
Tại cuộc gặp đầu tiên tại UBND huyện Hướng Hóa thời đó nhằm thống nhất các ý tưởng cho việc khảo sát tuyến điện lên Khe Sanh có nhiều câu chuyện kể của Chủ tịch UBND huyện Lê Xuân Thông, trong đó có chuyện ông tìm cách tiếp cận Bộ trưởng Bộ Năng lượng Vũ Ngọc Hải thông qua Bộ trưởng Bộ VHTT Trần Hoàn (quê Quảng Trị).
Ông hóm hỉnh: Đồng bào Hướng Hóa chỉ cần nhà nước đưa trạm điện lên Khe Sanh thôi, ở đây có nhiều dây thép gai Mỹ còn sót lại chúng tôi sẽ tháo hết gai nhọn làm dây để kéo điện về nhà! Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng bài toán đã tìm được lời giải, dòng điện Sông Đà nghĩa tình ấy đến với bà con trong niềm vui của quê hương sau 25 năm giải phóng.
Sắc áo cam ngành điện lực đã có những đóng góp quan trọng cho tiến trình thay da đổi thịt của mảnh đất Khe Sanh - Hướng Hóa. Ảnh: Hồ Tuấn Nghĩa.
Ước vọng nhiều đời của người dân Hướng Hóa là được có điện từ dòng Rào Quán. Dòng sông này đã có tên trong bản đồ thủy điện Việt Nam từ thời thuộc Pháp. Sau khi nước nhà thống nhất, Viện Năng lượng trực thuộc Bộ Năng lượng đã có nghiên cứu đánh giá sơ bộ tiềm năng cũng như các giải pháp chính cho thủy điện Rào Quán. Nhưng cũng phải đến sau ngày tái lập tỉnh Quảng Trị, dự án thủy điện sử dụng nguồn thủy năng của dòng Rào Quán mới dần trở thành hiện thực.
Ngày 11.7.2002, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định đầu tư dự án Thủy lợi - Thủy điện Rào Quán (sau đó đổi tên thành dự án Thủy lợi - Thủy điện Quảng Trị). Ngày 29.8.2003, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam tổ chức lễ khởi công công trình chính; nhà máy với 2 chức năng chính là phát điện với công suất thiết kế 64 MW và bổ sung nước tưới cho hơn 2200 ha lúa và 1600 ha màu, cấp nước phục vụ sản xuất sinh hoạt, giảm lũ cho vùng hạ du sông Thạch Hãn, góp phần cải tạo môi trường gió phơn tây nam.
Công trình có ý nghĩa này hầu như nằm gọn trong khu vực trước đây là vùng chiến sự ác liệt nhất mà lịch sử còn ghi lại. Du khách tour du lịch DMZ thăm Quảng Trị khi đến Bảo tàng Đường 9, nơi ngày trước là sân bay Tà Cơn nổi tiếng của tập đoàn cứ điểm Khe Sanh có biết rằng dưới lòng đất đỏ ba-zan chỉ cách vài chục mét đằng sau bảo tàng, nơi phủ trắng hoa càphê kia là dòng nước ngầm của thủy điện Rào Quán. Phía xa xa bên kia dòng Rào Quán là đồi Động Tri nổi tiếng trong ca khúc “Tiếng đàn Ta Lư” của nhạc sỹ Huy Thục.
Những công trình nghĩa tình đặc biệt
Hiếm có nơi nào trên đất Việt lại nhận được nhiều món quà đầu tư điện thật sự có ý nghĩa như đối với Hướng Hóa - Quảng Trị, tiêu biểu nhất là hai công trình: Công trình điện Pa Nho - Đông Khánh là quà tặng của Công ty Điện lực Cộng hòa Pháp (EDF) dành cho Quảng Trị, được thực hiện năm 1996. Trong đó, Pa Nho là bản người Vân Kiều thuộc thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa.
Với công trình này, có thể nói đây là lần đầu tiên trên mảnh đất Quảng Trị, lưới điện trung hạ áp được triển khai với các thiết bị điện công nghệ Châu Âu tiên tiến lúc bấy giờ. Ngoài bản Pa Nho, một số khu phố thuộc thị trấn Khe Sanh được nằm trong vùng dự án này.
Với đội ngũ chuyên gia lành nghề họ đã mang đến tác phong làm việc trách nhiệm, cẩn trọng, an toàn của người công nhân điện theo kiểu Châu Âu. Gặp lại những anh em cán bộ công nhân tham gia xây dựng công trình thời đó, họ vẫn thường nhớ về những kỷ niệm của một thời sát cánh bên nhau dựng xây lưới điện, vẫn nhớ hình ảnh ông Trần Quốc Anh lãnh đạo ngành điện miền trung cuốc bộ vào tận bản Pa Nho để thăm, nói chuyện với bà con Vân Kiều khi điện về đến bản.
Điện lực Quảng Trị hỗ trợ đường dây, bóng điện cho các hộ dân người đồng bào thiểu số tại bản Tà Păng (xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa). Ảnh: Hưng Thơ.
Công trình điện thứ hai là quà tặng của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải cho A Dơi và Pa Tầng, là hai xã xa nhất thuộc 7 xã vùng Lìa của huyện Hướng Hóa có đường biên giới với nước bạn Lào.
Trước những năm 2000-2001, đời sống của đồng bào hai xã này chủ yếu dựa vào trợ cấp của nhà nước, thu nhập của các gia đình chỉ trông chờ vào vụ thu hoạch lúa trỉa, ngô khoai trên nương rẫy, dăm ba con gà, mấy gốc xoài, và gỗ củi từ việc đốt nương phát rẫy. Phương tiện liên lạc tại cụm xã A Dơi, Ba Tầng, A Xing, A Túc, Xi chỉ duy nhất là chiếc máy điện thoại vệ tinh được đặt tại nhà một cán bộ xã A Túc.
Từ ngã ba Tân Long (trên đường 9) vào đến xã A Dơi, xã Ba Tầng gần 40km là con đường đất nhỏ hẹp. Vì vậy, nhân chuyến thăm Quảng Trị năm 2001, Thủ tướng Phan Văn Khải đã quyết định xây dựng công trình điện A Dơi - Ba Tầng làm quà tặng để góp phần cải thiện đời sống kinh tế xã hội và đáp ứng nhu cầu chính đáng của đồng bào hai xã vùng xa này. Công trình điện này là một kỷ lục về thời gian xây dựng lưới điện miền núi trên địa bàn Quảng Trị. Chính vì vậy, trước tết Nhâm Ngọ (tháng Chạp Tân Tỵ, ngày 18.1.2002), công trình đã hoàn thành nghiệm thu đóng điện sau chưa đầy một năm thi công.
Trong những ngày này, đến với các xã vùng Lìa, dải đất dọc bên dòng Sê Pôn- dòng sông biên giới hữu nghị Việt- Lào nói chung và hai xã A Dơi, Ba Tầng nói riêng với con đường trải nhựa phẳng lỳ đến tận khu vực xa nhất, với Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa thân thuộc, đất đai vùng Lìa như đã được đánh thức, cây sắn đã thực sự trở thành cây chủ lực trong xóa đói giảm nghèo sau khi mang thương hiệu tinh bột sắn Sê Pôn.
Hai mươi năm bán điện sang Lào
Trong khuôn khổ hợp tác của các nước tiểu vùng sông Mê Kông thì việc “Phát triển năng lượng” và “Thúc đẩy thực hiện các hiệp định về trao đổi năng lượng” là hai trong mười dự án gắn liền với việc phát triển Hành lang kinh tế Đông - Tây (East- West Economic Corridor: EWEC). Trong các hiệp định liên Chính phủ Việt - Lào, vấn đề mua bán điện qua biên giới là một trong những hạng mục ưu tiên hợp tác có tính chiến lược và lâu dài.
Cùng với tiến độ hoàn thành đường dây 35 kV Khe Sanh – Lao Bảo, trạm cắt Lao Bảo, trạm trung gian 35/22 kV Đensavẳn. Công ty Điện lực 3 ký hợp đồng chính thức bán điện cho Lào qua Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo - Đensavẳn (đóng điện ngày 8.8.1998); đây là điểm bán điện thứ hai trên đất nước ta cho nước bạn Lào (sau Sơn La).
Điện có mặt ở tất cả các bản làng xa xôi, khó khăn về giao thông tại huyện Hướng Hóa. Ảnh: Hưng Thơ.
Qua gần 20 năm hợp tác bán điện qua cửa khẩu Lao Bảo- Quảng Trị lưới điện phía bạn Lào đã phát triển khá rộng khắp trên địa bàn 4 huyện Sê Pôn, Mường Noong, Mường phìn và Vilảbouly. Sản lượng điện bán qua cửa khẩu Lao Bảo là hơn 251,8 triệu kWh, với doanh thu trên 350,8 tỷ đồng Việt Nam (tương đương 19,1 triệu USD).
Trong quá trình hợp tác bán điện, các thế hệ cán bộ công nhân hai nước luôn gắn bó trong vận hành, trong những lúc sự cố, hay trong những cuộc gặp gỡ để tìm hiểu về nghiệp vụ, giao lưu văn hoá thể thao... và đã góp phần tô thắm thêm tình đoàn kết hữu nghị và quan hệ đặc biệt Việt - Lào.
Nhà máy điện gió núi đầu tiên của Việt Nam
Tin vui đến với nhân dân Hướng Hóa nói riêng và Quảng Trị nói chung khi Công ty Tân Hoàn Cầu (chủ đầu tư) hòa điện thành công một số tổ máy phát điện của Nhà máy điện gió Hướng Linh 2 vào nguồn điện quốc gia đúng vào dịp sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh 19.5.2017, sớm hơn một năm so với kế hoạch đề ra.
Vui đón dòng điện tại một bản làng người đồng bào thiểu số tại huyện Hướng Hóa. Ảnh: Hưng Thơ.
Nhà máy được thiết kế với công suất 30 MW, bao gồm 12 tổ có tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng, dự án điện gió đầu tiên tại tỉnh Quảng Trị cũng như khu vực Bắc Miền Trung có thể được cho là nhà máy điện gió núi đầu tiên của nước Việt chúng ta phát điện hòa lưới.
Đến với Hướng Linh hôm nay, ngoài việc tận mắt chứng kiến hình ảnh những "cối xay gió" sừng sững (trụ chính cao 82m, đường kính 5m được làm bằng thép không gỉ, các tua-bin gió 3 cánh quạt do Công ty Viestas - Đan Mạch sản xuất, cung cấp, lắp đặt, với chiều dài sải cánh là 49m làm bằng nhựa đặc biệt), chúng ta cũng biết thêm rằng những người dân sống chung với nhà máy điện gió này chính là những người đã rời xa nơi chôn nhau cắt rốn để dành đất cho việc xây dựng Thủy điện Rào Quán.
Cũng chính nhờ công trình Điện gió Hướng Linh 2 nên đã hình thành được một cung đường nối đường 9 với vùng Hướng Linh để có thể chuyên chở các thiết bị siêu trường siêu trọng cũng như rút ngắn khoảng cách các khu vực bị cách ly.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Quân Chính nói, từ sự kiện hòa lưới điện quốc gia thành công của Nhà máy điện gió Hướng Linh 2, chúng ta có cơ sở vững chắc để kỳ vọng về việc phát triển điện lực sử dụng năng lượng tái tạo, trong đó tập trung vào năng lượng nắng gió và mặt trời tại Quảng Trị.
Tôi đi trong Hướng Hóa hôm nay là nơi bạt ngàn xanh những đồi càphê trên nền đất bazan màu mỡ, nơi đang lặng lẽ góp cho cho đất nước quê hương những dòng điện sạch quý giá; nơi mà cuộc sống và sự phát triển đang hiển hiện trên từng tấc đất và trên từng khuôn mặt rạng ngời, trong đó có công nhân với sắc áo cam Điện lực.