Rưng rưng 'dáng hình Tổ quốc' 

(PLVN) - Như bao nhiêu người trẻ khác, tôi được sinh ra và lớn lên khi đất nước đã sạch bóng quân thù, không còn cảnh bom đạn gieo trên đầu, không có tiếng súng nổ gầm trời. Chúng tôi, những thế hệ đang được hưởng trọn vẹn hòa bình, tự do và hạnh phúc mà cha ông chúng tôi đã đắp đổi bằng máu xương.

Rưng rưng 'dáng hình Tổ quốc'

Ảnh minh họa

Để là một người lính Vị Xuyên, bố tôi từng trốn nhà, viết thư tình nguyện tham gia chiến đấu bảo vệ chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1984. Cuộc chiến tranh ấy chỉ xuất hiện đôi dòng trong cuốn sách lịch sử tái hiện một chặng đường của đất nước từ thuở sơ khai, cho đến mãi sau này nó mới được nhắc đến nhiều hơn. Suốt cuộc đời, điều bố tôi luôn trăn trở không phải những tấm huân chương ghi nhận những đóng góp của ông trong cuộc chiến mà là những người đồng đội còn nằm lại lòng đất Hà Giang. Và ông luôn khao khát được quay lại một lần thắp một nén nhang thăm hỏi bạn mình, là lá thư tình không còn vẹn nguyên của cô gái vùng đất hoa tam giác mạch thơ mộng dành cho những chàng trai tài hoa tình nguyện lên biên giới giữ sạch từng tấc đất quê hương. Tâm nguyện cuối đời ông chưa kịp thực hiện vẫn chỉ là được một lần quay trở lại Vị Xuyên - một thời khói lửa và oanh liệt của bố tôi, của tuổi trẻ. 

Năm tôi 19, bằng tuổi bố tôi khi ông đi chiến đấu, thay vì chọn cho mình một kỳ nghỉ, tôi chọn khoác lên mình tấm áo xanh thanh niên tình nguyện, đạp xe đi dọc đất nước. Đó cũng là cơ hội để tôi được thăm những chứng tích lịch sử của hai cuộc chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ tàn bạo. Đi rồi mới thấy, ở bất cứ nơi đâu, từ đồng quê thơm hương lúa đến phố thị đông đúc, chật hẹp cũng đều có những nghĩa trang liệt sỹ ken dày mộ chí. Có lẽ hiếm nơi nào trên thế giới mà di chứng chiến tranh để lại nhiều như ở Việt Nam. Từ Ngã ba Đồng Lộc, từ thành cổ Quảng Trị đến Làng Mỹ Lai, nghĩa trang Trường Sơn, địa đạo Củ chi… Nơi đâu cũng để lại trong tôi những cảm xúc nghẹn ngào, đau xót khó phai. 

Đó là một ngày giữa tháng bảy ngày hè rực lửa, tôi được tới thăm nghĩa trang Trường Sơn, nơi an nghỉ của hơn 10 ngàn liệt sĩ đã anh dũng hy sinh khi xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Những ngôi mộ ngay ngắn, thẳng hàng kéo dài mãi cùng với cái nắng gió lào khô khốc của Quảng Trị làm lung lay những rặng cây khiến cho bầu không khí trở nên xào xạc khó hiểu. Tôi có cảm giác âm thanh đó là của các anh, các chị đang ồn ã cười nói giữa một tập thể những người trẻ mang trong mình nhiệt huyết của tuổi trẻ, khát khao hòa bình và tâm thế sẵn sàng hy sinh thân mình để đổi lấy bình yên cho Tổ quốc. Những tấm bia khắc lên vài dòng thông tin ngắn ngủi về tên tuổi, quê quán, năm mất để người thân, người thăm viếng có thể biết. Những cũng có những ngôi mộ chỉ hai chữ “vô danh” khiến tất thảy ai đến đây cũng xót xa đến trào nước mắt. Bởi lẽ chẳng có ai là vô danh trên cuộc đời này cả nhưng vì chiến tranh, vì bom đạn, vì những dã tâm của những kẻ xâm lược tàn bạo mà khiến rất nhiều, rất rất nhiều người ngã xuống, chấp nhận chọn cho mình một cái tên vô danh để sống mãi với non sông, đất nước. Có đến đây mới thấu cảm được một phần sự tàn khốc của chiến tranh bởi lẽ giữa 10 ngàn ngôi mộ này chỉ là một phần nhỏ trong 72 nghĩa trang liệt sĩ nằm trên tỉnh Quảng Trị, 3000 nghĩa trang trên khắp cả nước và còn rất nhiều những người nữa vẫn đang nằm đâu đó trong lòng đất mẹ, chờ đợi một ngày sẽ quy tụ về trong vòng tay đồng đội và người thân. 

Và tôi nhớ vô cùng cảm giác gai người khi bước trên đến thắp hương tại Thành cổ Quảng Trị, nơi diễn ra 81 ngày đêm chiến đấu ác liệt năm 1972 để giành lại từng tấc đất từ tay quân xâm lược. Nơi đây, kẻ thù đã ném xuống số bom đạn tương đương với sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà chúng đã ném xuống Hiroshima của Nhật Bản năm 1945. Cũng tại đây, hàng ngàn người đã ngã xuống dưới chân Thành cổ, các anh chẳng còn vẹn nguyên để quy tập thành từng ngôi mộ như Nghĩa trang Trường Sơn, máu xương của các anh hóa thân trong từng tấc đất, ngủ sâu trong lòng đất mẹ yêu thương. Chẳng vì thế là thầy giáo tôi, người chiến sĩ năm xưa chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị vẫn khóc mỗi khi đọc cho chúng tôi bài thơ thầy viết dặn những người đến thăm thành cổ: 

“Tấc đất Cổ Thành

Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi

Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ

Trời cũng tự trong xanh và lộng gió

Dẫu ồn ào đừng lay mạnh hàng cây

Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi

Thành Cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật

Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật

Cho hôm nay tôi đến nghẹn ngào

Bạn nằm lại nơi này nơi nao?….”

(Thơ Phạm Đình Lân)

Tôi tin thế hệ trẻ hiện nay không phải chỉ biết đến những nhóm nhạc thần tượng, thích ngủ nướng, la cà quán xá…những hiện tượng tiêu cực đó chỉ là một phần nhỏ xấu xí trong một cộng đồng những người trẻ luôn sẵn trong mình bầu nhiệt huyết, thanh xuân và rất nhiều hoài bão. Tôi tin, những thanh niên thế hệ mới sẽ luôn biết vươn lên, hòa nhập nhưng không bao giờ quên quá khứ, di sản lịch sử của quốc gia dân tộc. Vì chảy trong huyết quản họ là dòng máu của một dân tộc anh hùng, không chịu khuất phục dù trước kẻ thù có to lớn, có mạnh và hiện đại đến đâu đi chăng nữa. Bởi trên mỗi tấc đất thân thương, là máu xương cha anh ngã xuống suốt ngàn năm, tạo nên “dáng hình Tổ quốc” từ những buổi “ngày xưa vọng nói về”… 

Tú Linh
1480 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1167
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1167
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87157743