Roi vọt không làm trẻ nên người… 

(ĐCSVN) - Phần lớn những vụ bạo hành trẻ em trong thời gian gần đây có liên quan đến gia đình, người thân quen của nạn nhân. Nhiều ý kiến cho rằng, nạn bạo hành đối với trẻ em chỉ có thể bị đẩy lùi khi việc ngăn chặn bạo hành được thực hiện tốt từ chính mỗi gia đình…

 

Mới đây, vụ bé gái 8 tuổi ở quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh tử vong do bị người tình của bố hành hạ, đánh đập thời gian dài đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Trước đó, đầu tháng 12/2021, một bé gái 3 tuổi ở huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang cũng thiệt mạng sau những trận đòn roi của bố dượng. Cũng liên quan đến hành vi bạo hành trẻ em, cuối tháng 9/2021, trong lúc dạy con học, một ông bố ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã dùng đũa đánh con gái 6 tuổi, khiến bé không qua khỏi. Đây chỉ là ba trong rất nhiều vụ việc bạo hành đối với trẻ em liên quan đến gia đình, người thân quen của nạn nhân.

Người dân bày tỏ tiếc thương sau cái chết của bé gái 8 tuổi ở quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: PV).

Theo số liệu của Bộ Công an, năm 2020 tại Việt Nam có 2.000 vụ bạo hành trẻ em bị phát hiện, trong đó 97% vụ do bố mẹ, người thân gây ra...Cũng trong năm 2021, số cuộc gọi tới Tổng đài Bảo vệ trẻ em (111) đã tăng từ trung bình 30.000 cuộc/tháng lên 40.000-50.000 cuộc/tháng. Điều đáng nói là nơi trẻ em bị bạo hành lại thường là chính trong gia đình, nơi vốn được coi là an toàn đối với các em. Và chủ thể của những hành vi bạo hành, thậm chí cướp đi tính mạng của trẻ chính là người thân, người được các em gọi là bố, là mẹ. Đa số các vụ kể trên đều liên quan tới bố dượng, “dì ghẻ”… những người lấy danh nghĩa “dạy dỗ”, “dạy bảo” để làm hại các em. Càng đáng lên án hơn khi có những người là bố đẻ, mẹ đẻ lại làm ngơ, thậm chí tiếp tay cho hành vi bạo hành con trẻ. Và cái mà họ đưa ra để bao biện, lý giải cho việc bạo hành các em chính là tư tưởng “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”…

Theo phân tích của các chuyên gia, có nhiều lý do dẫn đến việc gia tăng các vụ việc bạo hành trẻ em liên quan đến gia đình, người thân quen. Trong đó, trước hết cần kể đến tình trạng ly hôn, ly thân, cha mẹ chung sống như vợ chồng với người khác cũng khiến con trẻ dễ dàng trở thành nạn nhân của bạo hành trẻ em. Việc trẻ em bị bạo hành về thể xác và tinh thần đang trở lên đáng báo động, với mức độ ngày một nghiêm trọng. Trao đổi với báo chí, bà Ninh Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng, với những vợ chồng ly hôn, ly thân mà có con, ông bà, chú bác, dòng họ cần quan tâm đến con, cháu mình hơn, tìm hiểu xem trẻ có được bảo vệ tốt không.

Còn theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động thương binh & xã hội, mọi trẻ em đều được bảo vệ bằng pháp luật, mọi hành vi gây tổn hại cho trẻ em đều bị các cơ quan thực thi pháp luật xử lý, can thiệp bất luận là chuyện dạy con hay dạy học trò… Một khi sự tổn hại về thể chất, tinh thần của đứa trẻ đã xảy ra, một khi sức khỏe, tính mạng của con trẻ đã bị cướp mất một cách oan ức thì mọi sự dựa dẫm vào cái gọi là mục đích dạy dỗ chỉ là ngụy biện, thậm chí để trốn trách hình phạt pháp luật.

Tiếp cận từ góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn An Bình, Đoàn Luật sư thành phối Hà Nội nhìn nhận, nhiều vụ việc gần đây cho thấy mức độ trẻ bị bạo hành đang ngày càng nghiêm trọng, bằng chứng là đã có những trẻ em bị thiệt mạng do người thân, người quen gây ra. “Quy định pháp luật đã rõ ràng, vấn đề là cần tuyên truyền nhiều hơn để người dân hiểu, việc sử dụng roi vọt để dạy dỗ con cái là hành vi bạo hành trẻ em và chủ thể hành vi đó sẽ phải chịu những hậu quả pháp lý nghiêm trọng. Đồng thời, mọi hành vi lợi dụng việc dạy dỗ để bạo hành trẻ em cũng phải được điều tra, xử lý nghiêm minh”, Luật sư Nguyễn An Bình cho biết thêm.

Thực tế cho thấy, gia đình không hẳn là nơi an toàn nhất với trẻ em. Phía sau cánh cửa của một gia đình, có thể là những lời kêu cứu của con trẻ. Để không còn tình trạng đáng buồn này, mỗi người lớn cần nhận thấy rõ, cách giáo dục hợp lý nhất là cha mẹ nên làm bạn với con trẻ, dành thời gian để gần gũi, tâm sự, lắng nghe con chia sẻ. Bên cạnh đó, các trường học cần tăng cường trang bị cho trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân; giúp trẻ biết quý trọng cơ thể mình, không ai được quyền xâm hại, dù là người lạ, người quen và cả người thân. Thầy, cô giáo cần kịp thời phát hiện những dấu hiệu nghi ngờ trẻ có khả năng bị bạo hành, xâm hại và thông báo ngay cho người thân hoặc công an địa phương để có giải pháp can thiệp kịp thời.

Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của cộng đồng trong ngăn chặn tình trạng bạo hành trẻ em xuất phát từ gia đình, người thân. Điển hình như vụ việc liên quan đến cái chết của em gái 8 tuổi mới đây; hành vi bạo hành diễn ra ở một chung cư, không ít người hàng xóm đã thấy những dấu hiệu bất thường nhưng lại cho đó là “việc gia đình”, là “người lớn dạy dỗ con trẻ”… Chỉ khi hậu quả đau lòng xảy ra thì vụ việc mới bị phát giác. Có rất nhiều vụ bạo hành trẻ đã xảy ra, hàng xóm biết nhưng không thông báo kịp thời với cơ quan chức năng. Do đó, các tổ chức xã hội, đoàn thể ở cơ sở, cộng đồng dân cư cần có thái độ kiên quyết, mạnh mẽ lên án các biểu hiện của bạo hành trẻ em.

Điểm lại những vụ việc đáng tiếc nêu trên không phải để khoét sâu vào nỗi đau của gia đình mất người thân mà để chúng ta có cái nhìn đầy đủ hơn về tình trạng bạo hành đối với trẻ em liên quan đến gia đình, người thân quen của nạn nhân. “Đòn roi không giúp trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng”, bạo hành không phải và không bao giờ là cách giáo dục hiệu quả đối với trẻ em. Các em chỉ có thể trưởng thành trên cơ sở tình yêu thương và sự đồng hành, chia sẻ của cha mẹ, người thân./.

 
TL
104 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 657
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 657
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87233530