Có thể gói gọn về công trình Thủy lợi-Thủy điện Quảng Trị (viết tắt: Công trình Rào Quán) như thế này: Dự án được huy động từ nguồn vốn ngân sách và vốn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Đây là công trình trọng điểm cấp Nhà nước; là dự án thủy lợi-thủy điện lớn nhất từ trước tới nay ở tỉnh Quảng Trị với tổng vốn đầu tư hơn 2.097 tỷ đồng.
Mục tiêu của dự án là điều tiết lưu lượng dòng chảy sông Rào Quán để bổ sung nước tưới cho 12.281 ha lúa và 1.600 ha màu; cấp nước sinh hoạt; giảm lũ cho hạ du; cung cấp điện lên lưới điện quốc gia phục vụ kinh tế - xã hội. Hạng mục chính là hồ Rào Quán có sức chứa 170 triệu m3 nước sẽ làm ngập bốn trong sáu bản của xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa. Công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu tái định cư (TĐC) và di dân được Chính phủ giao cho UBND tỉnh Quảng Trị thực hiện từ ngày 11/7/2002.
Bi đát các khu TĐC
Tôi nhớ thời điểm đó, cuối tháng 3/2006, sau hơn 3 năm thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng và di dân TĐC ra khỏi khu vực đầu mối và khu vực lòng hồ của công trình Rào Quán, nhưng Ban Quản lý dự án (QLDA) mới chỉ thực hiện chưa được 1/4 khối lượng công việc.
Khu TĐC Hoong-Coóc, cách nơi ở cũ của người dân khoảng 15 km, về phía Đông-Bắc của Công trình Rào Quán. Nông dân nơi đây đang tất tả dựng lều che tạm nắng mưa bằng các vật liệu mang đến từ quê cũ. Ông Hồ Văn Ngã - một nông dân ở khu TĐC giải thích: “Phải dựng lều vì nhà mới dột từ trên nóc, mưa tạt từ ngoài vào, chẳng khác nào ở ngoài trời”. Ông Hồ Xuân Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Hướng Linh bảo: “Do đơn vị thi công xây dựng khu TĐC Hoong-Coóc san ủi nền nhà quá sâu, khi có mưa lớn, đất từ bên ngoài bồi vào dễ gây sạt lở. Ngoài nhà ở cho dân, nhiều công trình quan trọng khác như trường học, trạm y tế, khu tập thể giáo viên… đang thi công và san ủi mặt bằng rất chậm.
Thủy điện Rào Quán mùa kiệt nước
Công trình Rào Quán do ông Trang Dung làm Giám đốc Ban QLDA. Vị giám đốc này đã cho lập biểu đồ di dân tái định cư với 8 tiểu dự án, trên đó… vẽ rất chi tiết tiến độ thực hiện. Thời gian bắt đầu từ qúy I/2004, tất cả kết thúc vào quý II/2006. Nhưng thực tế không như ông… vẽ.
Trưa ngày đó, trời chang chang nắng trộn gió Lào ràn rạt, chúng tôi ngỡ ngàng đứng “ngắm” khu TĐC Hướng Tân (thôn Của, xã Hướng Tân) trong bời bời lau lách và cỏ dại. Một tấm biển bê tông quy mô của khu TĐC này là ổn định đời sống cho 34 hộ dân. Vậy nhưng lúc này đây, các hộ người Pa Cô, Vân Kiều đang tá túc ở đâu thì người lập ra nó và người quản lý chẳng hề hay biết. Và chỉ có 4 hộ đang định cư ở đây là Liên, Niên, Tuần, Gia. Còn 30 hộ khác họ mãi mãi không bao giờ hiện diện ở đây, vì “đất mặt tiền” đã được sang bán và chuyển nhượng hết cả...
Những việc làm mờ ám, khuất tất và có những dấu hiệu vi phạm pháp luật hết sức nghiêm trọng đang diễn ra tại công trình Rào Quán như dồn dân, giành đất, kê khai khống để rút tiền Nhà nước, trù dập, đe dọa những người tố cáo sai phạm...
Không đường, không điện
Chiều 4/9/2006, trên đường Hồ Chí Minh (nhánh Tây), cách thị trấn Khe Sanh 9km, bên bờ hồ Thủy điện Rào Quán, tình cờ chúng tôi gặp một tốp bà con Vân Kiều gùi a-chói đang lững thững trên đường.
Bắt chuyện, té ra họ là những cư dân lòng hồ ở bản Miệt di cư tự do vào đồi Ku Vơ trong rừng Trường Sơn. Hỏi duyên do sao không vào Khu TĐC Hoong-Coóc, anh Pả Thoong kể: “Miềng có 4 con, nhà ở và cây cối được đền bù 52,9 triệu đồng. Giờ cả nhà dắt díu nhau lên dựng lều ở tạm trên đồi Ku Vơ. Miềng vô Hoong- Coóc 2 lần coi thử nhưng không ổn, vì gió thổi vù vù cả ngày- khe Gió mà. Nhà cửa thì làm cheo leo như dựng trên đá bờ suối, cây cối không sống nổi, lấy chi mà bỏ vô cái bụng”.
Chúng tôi tìm gặp ông Hồ Rừm - đảng viên, cán bộ hưu trí ở bản Ruộng (xã Hướng Tân), người từng tham gia công tác vận động di dân TĐC, ông nói: “Đi như chạy giặc. Nhưng TĐC chi mà lạ rứa, đường không, điện không... Nhà như cái trại thì mần răng mà vận động dân vào TĐC được. Thậm chí bệnh tật đau ốm chết không có chỗ chôn”...
Người dân mưu sinh đánh bắt tôm, cá trên hồ Thủy điện Rào Quán
Ấy vậy mà, tại công trường, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các hạng mục công trình phục vụ nút hầm dẫn dòng và tích nước hồ chứa công trình Rào Quán lại căn cứ “trên giấy”, chứ không căn cứ vào việc đi kiểm tra thực tế nên đã xảy ra hiện trạng nhiều hộ dân vẫn còn kẹt trong lòng hồ, nhưng tỉnh Quảng Trị vẫn cam kết đảm bảo để EVN phát lệnh nút hầm dẫn dòng tích nước lòng hồ vào lúc 3 giờ chiều ngày 2/8/2006. Lợi ích và sinh mạng của người dân đang bị đặt dưới tiến độ và thành tích ảo...
NHỮNG BÁO CÁO SAI SỰ THẬT
Những việc làm mờ ám, khuất tất và có những dấu hiệu vi phạm pháp luật hết sức nghiêm trọng diễn ra tại công trình Rào Quán không được lãnh đạo Quảng Trị xem xét, giải quyết và báo cáo một cách khách quan, trung thực.
Ngày 4/9/2006, chúng tôi trở lại công trình Rào Quán, khu vực thuộc địa phận 2, bản Miệt và bản Mới trước đây của xã Hướng Linh (huyện Hướng Hóa). Lòng hồ lềnh bềnh rác rưởi, những ngọn cây rừng lòa xòa trên mặt nước, còn nước thì đang dâng lên từng giờ. Ngay tại mép nước lòng hồ đang dâng, chúng tôi thấy 5 tốp thợ rừng đang chạy đua với thời gian để “giành giật với... nước” đốn hạ những thân cây rừng mà cách đây vài hôm tỉnh Quảng Trị mới cho phép Lâm trường Hướng Hóa khai thác 100 ha rừng trồng của mình. Anh Phạm Ngọc Hải, 40 tuổi quê ở thị trấn Quảng Trị mặt mày lem luốc, áo quần ướt sũng thở dài: “Tui theo nghiệp thợ rừng đã lâu, nhưng chưa hề gặp kiểu khai thác rừng lũng bũng như gặt lúa vùng chiêm trũng”.
Ngạc nhiên thay, lúc lòng hồ đang chật cứng cây rừng với ngổn ngang cành lá, rác rều như thế, không hiểu sao ngày 21/8/2006, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Cường tiếp tục có Báo cáo gửi Thủ tướng gồm 11 trang giấy A4 khẳng định, Hội đồng nghiệm thu của tỉnh đã đi kiểm tra thực tế và kết luận việc vệ sinh lòng hồ đảm bảo các tiêu chuẩn đề ra(!?). Hai bản báo cáo gửi cho Thủ tướng chỉ cách nhau 13 ngày vẫn tiếp tục gian dối.
Vì tính chất phức tạp của các vấn đề xung quanh công trình này nên Tòa soạn báo tăng cường thêm phóng viên đến Quảng Trị xử lý vụ việc. Truân chuyên, dai dẳng, phức tạp, khó khăn, và với sự kiên trì và bền bỉ, Tiền Phong đã phơi trần sự thật. Những người liên quan đã bị xử lý… Câu chuyện hành trình gập ghềnh đi tìm lẽ công bằng với báo chí Cách mạng chưa bao giờ cũ. Nói về một kỷ niệm nghề, âu cũng là lời răn cho những ai cầm bút, rằng, bền chí, kiên trì giữ cho ngòi bút thẳng, sẽ được đền bù xứng đáng.
HỮU THÀNH