Hiện tượng nguyệt thực một phần đáng chú ý nhất năm 2017. Ảnh: AFP/TTXVN
Đây là hiện tượng thiên văn được xem là đáng chú ý nhất trong năm 2017.
Nguyệt thực một phần xảy ra khi Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng nằm trên đường gần thẳng. Lúc này ánh trăng sẽ bị mờ đi và Mặt Trăng bị khuyết đi một phần. Nhìn từ Trái Đất, Mặt Trăng sẽ chuyển sang màu đỏ nên còn được gọi là hiện tượng trăng máu.
Dự kiến, nguyệt thực sẽ kéo dài trong 5 tiếng đồng hồ, bắt đầu từ 22h50 ngày 7/8, nguyệt thực nửa tối xuất hiện, khi đó Mặt Trăng chuyển sang màu đỏ nhạt. Đến 00h22 rạng sáng ngày 8/8, nguyệt thực một phần bắt đầu, đạt cực đại vào 1h20 phút, Mặt Trăng chuyển sang màu đỏ thẫm. Đến 2h18 phút nguyệt thực một phần kết thúc và đến 3h50 nguyệt thực nửa tối kết thúc, đánh dấu sự kết thúc của hiện tượng thiên văn kỳ thú này.
Theo các nhà thiên văn học, khu vực quan sát trọn vẹn nguyệt thực một phần trong tháng Tám này là phần lớn châu Á (bao gồm Việt Nam), bờ Đông châu Phi và hầu hết châu Đại dương. Phần còn lại của châu Á, châu Phi và toàn bộ châu Âu có thể quan sát một phần của hiện tượng này.
Theo đó, người quan sát có thể dùng mắt thường để theo dõi hiện tượng, chú ý chọn nơi ít ánh sáng đèn và ô nhiễm không khí, nên xem dự báo thời tiết trước khi quan sát hiện tượng này. Tuy nhiên, nếu có một chiếc kính thiên văn nhỏ hoặc ống nhòm hoặc ống kính camera có độ phóng đại quang học cao (trên 10x) sẽ là dụng cụ hỗ trợ tốt hơn cho việc quan sát./.
Bích Liên