78 năm về trước, ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời tuyên bố với quốc dân và thế giới sự ra đời của Nhà nướcViệt Nam dân chủ cộng hoà, nay là Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là kết quả tất yếu của “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát xít mấy năm nay”[1].
Hẳn trong tâm khảm của mỗi chúng ta chẳng ai có thể quên xã hội Việt Nam trước ngày đất nước độc lập: Cả nước có tới 60% hộ nông dân không có ruộng; khoảng hai triệu người chết đói; 95% dân số mù chữ. Cả nước chỉ có 26 bệnh viện, 61 nhà hộ sinh, 507 phòng khám bệnh; bình quân một vạn dân mới có 0,23 bác sĩ...[2]. Chỉ một vài con số đó thôi, cũng thấy rằng bức tranh xã hội Việt Nam trước ngày đất nước độc lập ảm đạm, u ám biết chừng nào. Còn nữa, chỉ sau 21 ngày sau ngày tuyên bố độc lập, đất nước ta ở vào tình thế như “ngàn cân treo sợi tóc”. Thực dân Pháp đặt dân tộc ta trước một sự lựa chọn không cách nào khác là phải đứng lên kháng chiến để bảo vệ nền độc lập vừa mới giành được. Và rồi, 30 năm ròng rã dân tộc ta bước vào hai cuộc kháng chiến đầy cam go, thử thách chưa từng có trong lịch sử. Vậy mà, Việt Nam vẫn hiên ngang, vẫn rạng rỡ. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[3]. Những con số sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đã minh chứng: Quy mô kinh tế Việt Nam đã tăng gấp 12 lần; thu nhập bình quân đầu người tăng 8,3 lần, kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng 29,5 lần, đưa Việt Nam trở thành một trong 20 nước có nền kinh tế đứng đầu thế giới về thương mại, cán cân thương mại duy trì xuất siêu năm thứ 6 liên tiếp, đạt khoảng 4 tỷ USD (năm 2021); vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 22 lần. Tỉ lệ hộ nghèo cả nước từ 58% năm 1993 xuống chỉ còn 2,23% năm 2021. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước có thu nhập bình quân đầu người/tháng đạt khoảng 11.040 USD [4], xếp thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 143 thế giới (năm 2021). Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng, cho đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 nước; quan hệ thương mại với trên 220 đối tác, 71 nước đã công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam. Việt Nam đã ký kết và tham gia 15 hiệp định thương mại tự do, trong đó có nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp.
Dẫu vậy, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, đất nước ta vẫn đang đứng trước không ít những khó khăn, thách thức mới và lớn, thậm chí gay gắt hơn. Bài học được rút ra từ thực tiễn: cơ hội không tự phát huy tác dụng mà tuỳ vào khả năng tận dụng của chúng ta. Tận dụng tốt cơ hội sẽ tạo ra thế và lực mới để vượt qua thách thức, tạo cơ hội lớn hơn. Thách thức tuy là sức ép trực tiếp, nhưng tác động của nó đến đâu còn phụ thuộc vào nỗ lực và khả năng vượt qua của chúng ta. Nếu tích cực chuẩn bị, có biện pháp đối phó hiệu quả, vươn lên nhanh trước sức ép của thách thức thì không những chúng ta có thể vượt qua được thách thức, mà còn có thể biến thách thức thành động lực phát triển.
Kỷ niệm 78 năm, Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong tâm khảm của mỗi người dân Việt rất đỗi tự hào. Càng tự hào bao nhiêu thì quyết tâm “đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” như lời thề của cả dân tộc trong ngày tuyên bố độc lập, quyết tâm không chỉ bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng mà phải làm cho Việt Nam ngày càng rạng rỡ. Trí Ánh
[1] Trích Tuyên ngôn độc lập
[2] Tạp chí Khoa giáo, Ban Khoa giáo Trung ương số 9-2005
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, tr.103-104.
[4] Theo sức mua tương đương - PPP