Rác điện tử và nỗi lo tái chế 

(Chinhphu.vn) - Trong khi “núi” rác điện tử ở Việt Nam sau mỗi năm lại được chất thêm gần trăm nghìn tấn thì các hoạt động được gọi là tái chế hiện nay thực ra chỉ là sơ chế, thậm chí còn chưa tạo ra nổi nguyên liệu tinh có thể dùng để sản xuất.

 

Ảnh minh họa

100.000 tấn rác điện tử thải ra mỗi năm

Theo một báo cáo của Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, ĐH Bách khoa Hà Nội, lượng rác thải tivi ở Việt Nam vào năm 2025 có thể lên tới 250.000 tấn.

Còn TS. Nguyễn Đức Quảng, giảng viên bộ môn Quản lý môi trường, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, lượng chất thải điện tử ở Việt Nam mỗi năm tăng khoảng 100.000 tấn, chủ yếu phát sinh từ hộ gia đình (đồ gia dụng điện tử), văn phòng (máy tính, máy photocopy, máy fax...), các bộ sản phẩm điện tử lỗi và các thiết bị thải được nhập khẩu bất hợp pháp.

Nhiều nhà khoa học cho rằng, do chứa nhiều vật liệu có giá trị nên loại chất thải này cần được coi là nguồn tài nguyên cần quản lý đặc biệt để tái chế. Tuy nhiên, theo GS.TS. Đặng Thị Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường, việc tái chế chất thải điện tử ở Việt Nam hiện mới dừng ở khâu tháo dỡ, phân loại (nhựa, đồng, nhôm...) một cách thủ công.

“Việc nghiền và phân tách kim loại đang được thực hiện chỉ có thể coi là sơ chế chứ chưa phải là tái chế. Bởi tái chế là phải ra được sản phẩm cuối cùng, trong khi chúng ta đang phải đưa kim loại sau sơ chế sang nước ngoài để tinh chế thì mới thành nguyên liệu", GS. Chi nói.

TS. Quảng cũng cho biết, ở Việt Nam hiện có 15 cơ sở chính quy được cấp phép xử lý chất thải điện tử, công suất từ 0,5-3 tấn/ngày nhưng công nghệ mới chỉ dừng ở mức phân nhóm vật liệu và thu hồi một số kim loại thường, có hàm lượng cao như đồng, nhôm. Còn các cơ sở phi chính quy (như các làng nghề) thì đang sử dụng công nghệ cũ, thiết bị lạc hậu, gây hại lớn đến môi trường, chất lượng sản phẩm và lượng nguyên liệu thu hồi thấp.

Không tái chế vì... thiếu nguyên liệu đầu vào

Nói về thực trạng Việt Nam chưa thực sự tái chế rác điện tử, TS. Quảng nêu một nghịch lý: “Vấn đề không phải là công nghệ. Việc áp dụng công nghệ tái chế không khó khăn đối với Việt Nam, mà vấn đề quan trọng là đầu vào. Khi không có đầu vào thì công nghệ hiện đại đến mấy cũng vô giá trị”.

GS. Chi phân tích, các hộ gia đình khi thải bỏ thiết bị điện tử thường đem bán. Các công ty tái chế không thể thu mua của người dân về xử lý vì giá mua tương đối cao, trong khi họ vẫn phải thực hiện các nghĩa vụ của một nhà sản xuất, phải nộp thuế, vận hành các hệ thống bảo vệ môi trường, chi phí quá lớn, không đáng để đầu tư.

Ông Quảng cho biết, hiện việc thu gom rác thải điện tử được thực hiện chủ yếu bởi các cá nhân làm nghề đồng nát, sửa chữa thiết bị hoặc các trung tâm, đại lý rác, các công ty môi trường đô thị. Sau khi thu gom, rác điện tử được tháo dỡ tại các trung tâm lớn như Tràng Minh (Hải Phòng) Bùi Dâu, Phan Bôi (Hưng Yên), Tề Lỗ (Vĩnh Phúc)... hoặc các cửa hàng tư nhân.

Với hệ thống đó, Nhà nước khó kiểm soát dòng chất thải điện tử. “Doanh nghiệp không thể đầu tư công nghệ tái chế hiện đại khi đầu vào thấp và không ổn định. Nếu có lượng đầu vào lớn, ổn định, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng được những công nghệ có hiệu quả thu hồi nguyên liệu cao nhằm khai thác triệt để “mỏ vàng” này”, TS. Quảng nói.

(theo KH&PT)

427 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 644
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 644
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87240588