|
Cuộc họp rà soát lần cuối cảu Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia. Ảnh: Báo Giáo dục và Thời đại |
Theo kế hoạch, Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 được tổ chức vào các ngày 25- 27/6. Đến thời điểm này, các công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, nhân lực, thiết bị công nghệ hỗ trợ đã được BCĐ thi THPT quốc gia, BCĐ thi các địa phương trên cả nước hoàn tất chuẩn bị, có sự kiểm tra, đôn đốc để đảm bảo các công tác chuẩn bị không có sơ suất, dù là khâu nhỏ nhất để tổ chức kỳ thi thành công theo đúng kế hoạch.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Kỳ thi năm nay nhận được sự quan tâm chỉ đạo rất sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương đã rất tích cực, trực tiếp chỉ đạo công tác chuẩn bị cho kỳ thi.
Cùng với đó, các đại học, trường ĐH, CĐ được bộ điều động tổ chức kỳ thi tại các cụm thi cũng đã nhận thức đầy đủ trách nhiệm xã hội, quyền lợi của nhà trường để chọn cử, phân công cán bộ, giảng viên thực hiện tốt các nhiệm vụ trong kỳ thi.
“Năm nay công tác chuẩn bị cho kỳ thi được Bộ GD&ĐT chuẩn bị kỹ lưỡng trong nhiều khâu, tuy nhiên, không thể chủ quan ở bất cứ khâu nào. Bộ GD&ĐT đã có 2 công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố; các trường ĐH, CĐ về việc tập trung chỉ đạo Kỳ thi tại các địa phương”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay.
BCĐ thi THPT quốc gia đã thành lập 8 đoàn kiểm tra và đã kiểm tra, rà soát công tác chuẩn bị tại hơn 30 Hội đồng thi để kịp thời đề nghị BCĐ thi các tỉnh tiếp tục bổ sung, khắc phục những khâu còn thiếu sót; đảm bảo quá trình chuẩn bị tuân thủ chặt chẽ quy trình, quy chế thi; Các đoàn cũng kịp thời hỗ trợ những tỉnh khó khăn, các tỉnh có nhân sự, lãnh đạo Sở mới làm thành viên BCĐ, Hội đồng thi.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu: Các đoàn công tác phải thường xuyên kết nối, nhắc nhở BCĐ thi của tỉnh, Hội đồng thi những công tác chuẩn bị và trong suốt quá trình tổ chức coi thi, chấm thi, công bố kết quả thi…, quán triệt tinh thần cán bộ tổ chức kỳ thi, đề phòng những bất trắc xảy ra dù là nhỏ nhất.
Cụ thể, khâu bảo quản đề thi, bài thi phải được thực hiện nghiêm ngặt, đúng quy chế. Đối với khâu chấm thi trắc nghiệm (do các trường ĐH chủ trì chấm thi), trường phải phát huy tinh thần trách nhiệm, chấm thi nghiêm túc, không để xảy ra vấn đề sơ suất đáng tiếc trong quá trình chấm thi.
Với ngành Công an tăng cường các giải pháp bảo đảm an ninh và trật tự xã hội, an toàn thông tin cho kỳ thi; Có các giải pháp đấu tranh, phát hiện các đường dây mua bán thiết bị công nghệ cao; Tập huấn cho cán bộ coi thi phát hiện thiết bị công nghệ cao mà thí sinh có ý định mang vào phòng thi với mục đích gian lận thi cử hoặc ghi âm, ghi hình với mục đích làm xấu hình ảnh kỳ thi.
Với các địa phương, Bộ trưởng nhấn mạnh: Chính phủ đã chỉ đạo, giao trách nhiệm về việc tổ chức kỳ thi và tỉnh phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tiêu cực tại cụm thi trên địa bàn. Đồng thời, BCĐ thi THPT quốc gia bố trí đường dây để kết nối với các cụm thi, kịp thời tiếp nhận, hỗ trợ, xử lý thông tin trong quá trình kỳ thi diễn ra một cách nhanh nhất.
MK