|
Khám sàng lọc cho trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt tại Trung tâm Giáo dục cộng đồng TP Hà Giang. Ảnh: Tạp chí Tia sáng |
Ngày 8/8, UBND TP. Hà Giang (tỉnh Hà Giang) tổ chức lễ ra mắt Trung tâm Giáo dục cộng đồng TP. Hà Giang. Đây cũng là trung tâm giáo dục cộng đồng đầu tiên trong cả nước.
Bà Hoàng Diệu Thúy, Giám đốc Trung tâm Giáo dục cộng đồng TP. Hà Giang cho biết, Trung tâm là cơ sở đào tạo về giáo dục thực nghiệm, chăm sóc sức khỏe tinh thần, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của học sinh và người dân về các dịch vụ giáo dục chất lượng cao, hướng tới sự phát triển toàn diện của trẻ…
Trung tâm được xây dựng dựa trên mô hình một đơn vị sự nghiệp công lập hợp tác chặt chẽ với các nhóm xã hội, trong đó, vai trò của các chuyên gia được đề cao. Các hoạt động chính của Trung tâm gồm: Dạy tiếng Anh, giáo dục đặc biệt (dành cho trẻ tự kỷ, khuyết tật trí tuệ, chậm đọc), chăm sóc sức khỏe tâm trí (tư vấn tâm lý các lứa tuổi), thư viện…
Các hoạt động trên được bởi 14 chuyên gia (hầu hết đang nghiên cứu, học tập ở nước ngoài) thiết kế, theo dõi, đánh giá và điều chỉnh nội dung trong trường hợp cần thiết. Với sự ra đời của Trung tâm, lần đầu tiên ở Hà Giang, phụ huynh có con bị tự kỷ, khuyết tật trí tuệ, chậm đọc được hỗ trợ chăm sóc và giáo dục ngay tại địa phương.
Trung tâm Giáo dục cộng đồng TP. Hà Giang là dự án phi lợi nhuận, ra đời từ sáng kiến của Trung tâm Nghiên cứu hỗ trợ cộng đồng tỉnh Hà Giang (HCA), một tổ chức khoa học-công nghệ tư nhân hoạt động tại tỉnh này. Hiện Trung tâm được UBND TP. Hà Giang hỗ trợ cơ sở vật chất và chi phí hoạt động đến hết năm 2017. Từ năm 2018, Trung tâm sẽ tự chủ về tài chính thông qua các hoạt động có thu phí và hoạt động gây quỹ theo quy định mới của Nhà nước về hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ.
Phát biểu tại lễ ra mắt Trung tâm Giáo dục cộng đồng TP. Hà Giang, ông Toshi Matsumoto, Quyền đại diện UNESCO tại Việt Nam, Giám đốc Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, chuyên gia giáo dục của UNESCO nhấn mạnh: Để hoạt động hiệu quả, Trung tâm cần tăng cường, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động giáo dục không chính quy thông qua các chương trình như: Giáo dục STEM-tiếng Anh, thư viện cộng đồng-thân thiện, giáo dục đặc biệt-hòa nhập, chăm sóc sức khỏe tâm trí, không gian sinh hoạt cộng đồng hiện đại... qua đó, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh miền núi biên giới nằm ở địa đầu cực Bắc Tổ quốc.
(theo TTXVN)