Quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân 

(Chinhphu.vn) – Với tinh thần lấy người bệnh là trên hết, trước hết, dù đứng trước nhiều khó khăn, thách thức đặt ra trước mắt, cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân và thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: Lương y phải như từ mẫu.
Quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân - Ảnh 1.

Tọa đàm "Ngành y vượt khó". Ảnh VGP/Quang Thương

Tại Tọa đàm "Ngành y vượt khó" do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức ngày 23/2, nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam để cảm ơn những nỗ lực, cố gắng, hy sinh, mất mát của đội ngũ y bác sĩ trên cả nước vì sức khỏe và tính mạng của nhân dân trong bối cảnh khó khăn của ngành, đồng thời đưa ra các giải pháp hiệu quả để tháo gỡ những trở ngại, vướng mắc đang tồn tại, thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên: "Trân trọng cảm ơn và gửi lời tri ân tới tất cả thầy thuốc trong cả nước trong thời gian vừa qua đã không quản ngại khó khăn để thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. 

 Đặc biệt trong công cuộc phòng chống dịch COVID-19, cán bộ, công nhân viên chức ngành y tế của chúng ta đã không quản ngại khó khăn với tinh thần chống dịch như chống giặc, lấy người bệnh là trên hết, trước hết và sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình để tham gia làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân cũng như cứu sống người bệnh". 

 "Với tinh thần như vậy, dù đứng trước nhiều khó khăn, thách thức đặt ra trước mắt, chúng ta quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân và thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: Lương y phải như từ mẫu", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên bày tỏ.

Quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân - Ảnh 2.

GS.TS Trần Bình Giang: Giữ vững niềm tin, tiếp tục phấn đấu cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ảnh VGP/Quang Thương

Giữ vững niềm tin, tiếp tục phấn đấu cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân

Nhân dịp 68 năm ngày truyền thống của ngành Bác Hồ có gửi thư cho ngành y tế, GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức gửi lời chào đến các bạn đồng nghiệp trong cả nước, những người đã rất vất vả khắc phục khó khăn, cùng nhân dân cả nước vượt qua đại dịch COVID-19 vừa qua, cũng như đối mặt với khó khăn thách thức trong giai đoạn hiện nay.

GS.TS Trần Bình Giang "Chúc tất cả các bạn đồng nghiệp sức khỏe, giữ vững niềm tin và tiếp tục phấn đấu trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ nhân dân".

Ông cũng cảm ơn các cấp lãnh đạo, người bệnh cũng như nhân dân cả nước đã chung tay giúp sức cho ngành y để tiếp tục phát triển.

Quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân - Ảnh 3.

TS. Bùi Sỹ Lợi: Đồng hành, đồng lòng chăm sóc sức khỏe nhân dân, xây dựng một nền y tế vừa hiện đại, vừa nhân văn và mang đầy bản sắc dân tộc.

Đồng hành, đồng lòng xây dựng một nền y tế hiện đại, nhân văn, mang bản sắc dân tộc

Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam, TS. Bùi Sỹ Lợi gửi đến các thầy thuốc, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành y tế sức khỏe, hạnh phúc và tiếp tục vượt qua thách thức để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với chức năng được Đảng, Nhà nước giao cho. Đó là chăm sóc sức khỏe nhân dân và bảo đảm cho người dân có cuộc sống, sức khỏe tốt nhất với tinh thần thầy thuốc như mẹ hiền.

Về những khó khăn vướng mắc của ngành y, TS. Bùi Sỹ Lợi tin tưởng, với tinh thần vì sức khỏe của nhân dân, Đảng, hệ thống chính trị chúng ta tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cả trong nội tại ngành y tế để củng cố niềm tin, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các thầy thuốc với nhân dân, "thầy thuốc như mẹ hiền".

Ông kiến nghị Đảng và Nhà nước tiếp tục chia sẻ, quan tâm hơn nữa đối với ngành y tế. Chúng ta cùng đồng hành, đồng lòng để giải quyết nhiệm vụ cực kỳ quan trọng là chăm sóc sức khỏe nhân dân, để đất nước chúng ta có một nền y tế vừa hiện đại, vừa nhân văn và mang đầy bản sắc dân tộc.

Quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân - Ảnh 4.

Chúng tôi rất vui khi Quốc hội đã thông qua Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) với rất nhiều điểm thay đổi để có thể hướng tới hoạt động của các cơ sở y tế được tốt hơn, thông thoáng hơn, phục vụ tốt việc chăm sóc người bệnh. Ảnh VGP/Quang Thương

Hướng tới hoạt động của các cơ sở y tế tốt hơn, thông thoáng hơn

Chia sẻ tại Tọa đàm "Ngành y vượt khó" do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức ngày 23/2, GS.TS. Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức nói: Chúng tôi rất vui khi Quốc hội đã thông qua Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/1/2024.

Trong nội dung có rất nhiều điểm thay đổi để có thể hướng tới hoạt động của các cơ sở y tế được tốt hơn, thông thoáng hơn, phục vụ tốt việc chăm sóc người bệnh.

Tuy nhiên, tôi được biết, ý định của Ban soạn thảo cũng như Quốc hội muốn đây là luật mở và có tác dụng lâu dài, không quy định lĩnh vực cụ thể. Cho nên có nhiều điều luật ghi "Chính phủ quy định chi tiết thi hành điều luật này", nghĩa là chúng ta cần có những văn bản dưới luật như nghị định, thông tư cụ thể hóa để luật đi vào cuộc sống.

Thời gian còn lại thì ngắn, chúng ta chỉ còn chưa đến 10 tháng để có thể ban hành các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật để thực hiện Luật Khám chữa bệnh này.

"Tôi rất mong có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan có thẩm quyền, trong đó Bộ Y tế là cơ quan chủ đạo, cùng các bộ, ngành khác để ban hành các văn bản, nghị định, thông tư để từ 1/1/2024, Luật sẽ đi vào cuộc sống, từ đó, giúp các thầy thuốc, nhân viên y tế và cơ sở y tế trong toàn quốc có hành lang pháp lý chuẩn mực để có thể thực hiện nhiệm vụ của mình", GS.TS Trần Bình Giang bày tỏ.

Cùng nhanh chóng vào cuộc để Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào cuộc sống

Đồng tình với ý kiến của GS.TS Trần Bình Giang, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh: Luật Khám chữa bệnh vừa qua có cả 1 chương về công tác tài chính của bệnh viện.

Theo ông, đây là một trong những điểm thành công nhất của ban soạn thảo và đã được Quốc hội thông qua trong Luật này. Trước đây, tất cả các cơ chế hoạt động trong hệ thống khám chữa bệnh của chúng ta vướng rất nhiều về cơ chế tài chính và lần này chúng ta dành một chương trong Luật.

PGS.TS Đào Xuân Cơ cũng nhất trí với GS.TS Trần Bình Giang là Luật lần này mở và giao nhiệm vụ cho Chính phủ và các cơ quan, bộ, ngành soạn thảo các thông tư, nghị định hướng dẫn.

Tuy nhiên, những bệnh viện như Bạch Mai, Việt Đức và những bệnh viện lớn chịu ảnh hưởng cực kỳ lớn khi chính sách thay đổi, nếu chính sách tốt thì tác động tốt và nhanh, còn nếu không phù hợp thì sẽ tác động theo chiều ngược lại, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai mong muốn trong quá trình xây dựng thông tư, nghị định, tất cả cơ quan chức năng, các bộ, ngành liên quan vào cuộc nhanh chóng để có các văn bản pháp quy hướng dẫn Luật được thực hiện chuẩn mực.

PGS.TS Đào Xuân Cơ cũng mong có những quy định về giá khám chữa bệnh tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Hiện tại đối với khám bệnh theo yêu cầu mỗi nơi thực hiện một giá. Ông cho rằng những thông tư này có thể xây dựng sớm hơn và xin ý kiến các cơ quan liên quan để ban hành sớm hơn, giúp các bệnh viện công lập có cơ sở pháp quy để thực hiện đúng luật.

Quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân - Ảnh 5.

Bộ Y tế quyết tâm ban hành các thông tư hướng dẫn sớm nhất, nhanh nhất để Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được triển khai thực hiện đồng bộ nhất từ 1/1/2024. Ảnh VGP/Quang Thương

Lấy người bệnh làm trung tâm trong mọi hoạt động, trong khám chữa bệnh

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh: Xây dựng Luật Khám chữa bệnh là một nhiệm vụ nhằm cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII, Nghị quyết 20, 21 để khắc phục được bất cập và những vấn đề phát sinh trong quá trình khám chữa bệnh.

Tất cả cơ sở lý luận đều xuất phát từ thực tiễn. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, các quy định chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn của Việt Nam thì chúng ta cần sửa đổi bổ sung. Khi sửa đổi bổ sung thì cơ sở lý luận lại quay lại soi cho thực tiễn, cứ như thế thành vòng xoáy chôn ốc cao hơn.

Thứ trưởng Y tế cho rằng, việc chúng ta ban hành luật vừa rồi là tiếp tục thể chế hóa kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tăng cường bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Thứ hai, thể hiện tinh thần lấy người bệnh làm trung tâm trong mọi hoạt động, trong khám chữa bệnh để trên cơ sở đó tạo điều kiện cho người bệnh tiếp xúc dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao hơn và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thứ ba là tiếp tục thực hiện xã hội hóa, đa dạng hóa các hình thức dịch vụ y tế. Vấn đề xã hội hóa trong dịch vụ y tế hết sức quan trọng để làm sao người bệnh tiếp cận một cách công bằng các dịch vụ y tế tại cơ sở y tế công lập và ngoài công lập.

Thứ tư là bảo đảm cơ chế quyền của người bệnh và gắn với trách nhiệm của cơ sở khám chữa bệnh.

Thứ năm, trong luật thể hiện được là tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, đặc biệt bây giờ chúng ta đang thực hiện Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tiếp theo là bảo đảm tính hợp hiến, hợp nhất và đồng bộ, khả thi, phù hợp với chuẩn mực quốc tế trong khám chữa bệnh và bảo đảm bình đẳng giới.

Sau khi Luật được ban hành và có hiệu lực từ 1/1/2024, Bộ Y tế đã và đang tham mưu cho Chính phủ ban hành Quyết định giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành liên quan để tham mưu cho Chính phủ ban hành các văn bản cụ thể hóa Luật. Đồng thời, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch ban hành các thông tư hướng dẫn đồng bộ với Luật, với Nghị định của Chính phủ.

Để sớm đưa Luật vào cuộc sống, không chỉ riêng Bộ Y tế, tôi trân trọng đề nghị các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để tham mưu cho Chính phủ sớm banh hành các nghị định, quy định. Với trách nhiệm phía Bộ Y tế, chúng tôi quyết tâm ban hành các thông tư hướng dẫn sớm nhất, nhanh nhất để Luật được triển khai thực hiện đồng bộ nhất từ 1/1/2024.

119 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1154
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1154
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87195098