Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự Hội nghị. 

Ngày 16/8, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với các tổ chức thành viên tổ chức “Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Tham dự Hội nghị ở điểm cầu Trung ương tại Trung tâm Hội nghị quốc tế có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội; Trương Thị Mai, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương; Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương.

Các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Bùi Thị Minh Hoài, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Lê Minh Hưng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.

Các đại biểu là Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương cùng hơn 2.000 đại biểu tại 64 điểm cầu trên cả nước là lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận trên cả nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trước thềm Hội nghị. 

Hội nghị nhằm quán triệt, bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong việc triển khai thực hiện Chương trình hành động của Mặt trận và các tổ chức thành viên, thể hiện quyết tâm cao và phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong toàn hệ thống Mặt trận, tổ chức thành viên và các tầng lớp nhân dân.

Tập hợp và phát huy sức mạnh tổng hợp khối đại đoàn kết

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, thực hiện Chỉ thị số 01-CT/TW ngày 9/3/2021 của Bộ Chính trị về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong thời gian vừa qua, cùng với việc phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc chung tay, góp sức phòng, chống đại dịch COVID-19, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; góp phần tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đã triển khai học tập Nghị quyết Đại hội sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân với nhiều hình thức mới đa dạng, hiệu quả.

Căn cứ vào vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của mình, các Đảng đoàn, lãnh đạo của mỗi tổ chức thành viên đã phối hợp chặt chẽ với Đảng ủy cơ quan xây dựng Chương trình hành động cụ thể bằng các đề án, chương trình thiết thực, xác định rõ yêu cầu cần đạt được, người chỉ đạo, người thực hiện, thời gian hoàn thành... để nhanh chóng đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, đúng như tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là "Không phải Đại hội xong là coi như xong. Đây chỉ là mở đầu. Làm được hay không, có biến Nghị quyết thành hiện thực hay không, có làm ra của cải vật chất, mang lại giàu có và hạnh phúc cho nhân dân hay không mới là thành công thực tế của Đại hội".

Theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhằm tập hợp và phát huy sức mạnh tổng hợp của các thành viên, phối hợp thống nhất hành động trong khối Đại đoàn kết của MTTQ Việt Nam, nhằm nhanh chóng đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống một cách thực chất, hiệu quả.

“Đây là lần đầu tiên chúng ta tổ chức một Hội nghị thống nhất, phối hợp hành động giữa các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam, với quy mô toàn quốc”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nói.

 Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội nghị 

Nhấn mạnh Hội nghị được tổ chức ngay sau khi Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ III thành công rất tốt đẹp; Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV đã thể chế hóa Kết luận số 11-KL/TW ngày 13/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV vừa họp phiên đầu tiên để cụ thể hóa Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho rằng, chủ trương đã rõ, mục tiêu, nhiệm vụ đã được xác định. Trách nhiệm cao cả của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên là: tiếp tục đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động nhằm tăng cường công tác tuyên truyền vận động, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội. Đồng thời phát động phong trào thi đua sâu rộng, động viên các tầng lớp nhân dân, hội viên, đoàn viên đồng lòng, chung sức, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực cao nhất cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phấn đấu đạt được các mục tiêu đã đề ra.

6 nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai chương trình hành động

Báo cáo kết quả MTTQ và các tổ chức thành viên tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đã chú trọng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động để tập hợp, đoàn kết các lực lượng và xây dựng đồng thuận xã hội.

Theo đó, các cuộc vận động, phong trào thi đua được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần thi đua, lao động sáng tạo của nhân dân và sự chung sức của cả cộng đồng tham gia phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, xây dựng và phát triển đất nước. Công tác giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước được quan tâm; vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí được tăng cường. Hoạt động đối ngoại của Mặt trận và các tổ chức thành viên ngày càng mở rộng và đa dạng, đóng góp hiệu quả cho công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước….

Đối với việc xây dựng chương trình hành động MTTQ và các tổ chức thành viên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu nêu rõ, việc xây dựng chương trình hành động diễn ra trong bối cảnh cả nước vừa tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống nhân dân; chuẩn bị và tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Cùng với việc thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đã chủ động gắn việc xây dựng, triển khai thực hiện Chương trình hành động Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của mỗi tổ chức.

Theo Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu, nét mới trong việc triển khai xây dựng Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên là nội dung của chương trình đã được cụ thể hóa phù hợp với đặc thù và gắn kết chặt chẽ với vai trò, nhiệm vụ của từng tổ chức. Chương trình hành động cũng đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đồng thời, có các phụ lục hoặc các chương trình, đề án tương ứng để triển khai thực hiện cho từng nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó xác định rõ lộ trình, yêu cầu sản phẩm, thời gian triển khai và thời gian hoàn thành….

Để thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tập, chương trình hành động MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất là chủ động, tích cực xây dựng và nâng cao hiệu quả chương trình phối hợp hành động; đồng thời phát huy tính sáng tạo của mỗi tổ chức để tập hợp các thành viên, hội viên, đoàn viên thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền vận động, tập hợp các tầng lớp Nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vận động Nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và đối ngoại nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu phát biểu tại Hội nghị.

Thứ hai là căn cứ vào các quy định của pháp luật, MTTQ và các tổ chức thành viên chủ động xây dựng chương trình phối hợp công tác với Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước kịp thời thể chế, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIII để vận động nhân dân, hội viên, đoàn viên thực hiện.

Thứ ba là tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tập hợp quần chúng, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của hội viên, đoàn viên, cử tri và nhân dân để tổng hợp, phản ánh đến các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét giải quyết, đáp ứng mong đợi của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội; đồng thời bám sát, “theo đến cùng” những sự việc có ảnh hưởng sâu rộng trong phạm vi lớn, phấn đấu thực hiện phương châm Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra là: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Thứ tư là tăng cường triển khai thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội tập trung vào một số nội dung quan trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước như: Luật Đất đai; các chương trình mục tiêu quốc gia; lập, thực hiện các Quỹ vận động, đóng góp ngoài ngân sách Nhà nước; góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và góp ý kiến xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

Thứ năm là tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Mặt trận, cán bộ Đoàn, Hội các cấp, thực hành lời dạy của Bác: “Công tác Mặt trận vừa đoàn kết, vừa đầu tranh”, mỗi cán bộ Mặt trận “phải tích cực và phải chủ động giúp cấp ủy Đảng lãnh đạo công tác Mặt trận; phổ biến và thực hiện chính sách của Đảng về Mặt trận”, “làm việc kiên nhẫn, phải tha thiết với công tác Mặt trận”, “phải đi đường lối quần chúng, không được quan liêu mệnh lệnh và gò ép nhân dân”; cùng với với phải đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở gắn với địa bàn khu dân cư.

Thứ sáu là tăng cường đoàn kết quốc tế, mở rộng các hoạt động đối ngoại nhân dân theo phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”.

Thống nhất trong tổ chức hành động của MTTQ và các tổ chức thành viên

Tại Hội nghị, đại biểu tham dự đã cùng thảo luận, phát biểu, bổ sung, làm rõ thêm một số nội dung và thể hiện sự đồng thuận rất cao với Chương trình phối hợp và thống nhất hành động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên.

Nhấn mạnh quyết tâm, giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn Việt Nam sẽ thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho rằng, các cấp công đoàn cần tập trung triển khai 7 nhóm nhiệm vụ, 39 giải pháp.

Trong đó, 7 nhiệm vụ chính là: Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị, giác ngộ giai cấp, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh; Tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; phát triển đa dạng, hiệu quả các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động; Tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động cho công nhân.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang tham luận tại Hội nghị.

Cùng với đó cần tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn phù hợp với số lượng, cơ cấu lao động, nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động và yêu cầu hội nhập quốc tế; phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; Phát huy vai trò nòng cốt của tổ chức công đoàn trong tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên trong doanh nghiệp; Nâng cao chất lượng và đẩy mạnh các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, vận động đoàn viên, CCVCLĐ thi đua học tập, lao động sáng tạo, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; Xây dựng nguồn lực tài chính đủ mạnh để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn.

Đối với Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam, Chủ tịch Hội Hà Thị Nga cho biết, Hội LHPN Việt Nam đã xác định rõ các giải pháp thực hiện trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, đó là: Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” với việc lồng ghép các giá trị văn hóa vào nội hàm các tiêu chí để tuyền truyền, hướng dẫn và hỗ trợ phụ nữ thực hiện thông qua các mô hình “Làng phụ nữ kiểu mẫu”, “Khu dân cư an toàn”...; Đẩy mạnh các hoạt động giáo dục kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ và tổ chức các mô hình “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Gia đình 4 chuẩn mực”...; tập trung thực hiện tốt các chương trình, đề án chăm lo, hỗ trợ phụ nữ về vốn, kiến thức, đảm bảo sinh kế bền vững là giải pháp thiết thực để hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc.

Bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục để phụ nữ thực hiện tốt bổn phận, trách nhiệm trong hôn nhân, gia đình, các cấp Hội phải tiếp tục nỗ lực, kiên trì vận động phụ nữ, vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới – được xem như một giá trị tiến bộ tác động tích cực đến gia đình hiện đại.../.

 
Nhóm PV