|
Hình ảnh tại buổi họp báo (Ảnh: M.P) |
Chiều 11/7, (KBNN) tổ chức họp báo chuyên đề về kết quả công tác trọng tâm 6 tháng đầu năm 2023 của hệ thống KBNN.
Theo thông tin từ buổi họp báo, trong công tác kiểm soát chi vốn đầu tư, tính đến ngày 30/6/2023, lũy kế thanh toán vốn đầu tư công năm 2023 kiểm soát qua KBNN là 214.314,2 tỷ đồng, bằng 29,9% tổng nguồn vốn thuộc kế hoạch vốn kéo dài và kế hoạch vốn 2023 Thủ tướng Chính phủ giao, kiểm soát chi qua KBNN.
Trong đó đáng chú ý, lũy kế thanh toán vốn đầu tư công kiểm soát qua KBNN thuộc kế hoạch năm 2023 là 203.442 tỷ đồng, bằng 30,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao kiểm soát chi qua KBNN (kế hoạch là 665.236,9 tỷ đồng).
Theo ông Trần Mạnh Hà - Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi (KBNN), tiến độ giải ngân vốn đầu tư công khởi sắc. Cụ thể, so với cùng kỳ năm 2022, số giải ngân nguồn vốn đầu tư công thuộc kế hoạch năm 2023 tăng 60.090 tỷ đồng về giá trị; tăng 3,3% về tỷ lệ so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao kiểm soát chi qua KBNN.
“Để có được kết quả này, ngay từ đầu năm, KBNN đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và đơn vị sử dụng ngân sách trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.”, ông Trần Mạnh Hà cho biết.
KBNN cũng đã ban hành chỉ thị yêu cầu KBNN các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm soát chi, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng trong giao dịch thanh toán của hệ thống KBNN. Cùng với đó, phối hợp với Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) tổ chức Hội nghị toàn quốc về quản lý tài chính đầu tư công để tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, cập nhật chế độ, chính sách trong quản lý tài chính đầu tư công. Thông qua Hội nghị, KBNN đã ghi nhận, tổng hợp các khó khăn vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, KBNN đã chỉ đạo các đơn vị nâng cao tinh thần trách nhiệm nghiêm chỉnh, chấp hành nhiệm vụ kiểm soát chi. Cụ thể, các đơn vị phải giải quyết ngay hồ sơ, không để tồn đọng. Đặc biệt, KBNN các địa phương đã hỗ trợ chủ đầu tư tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Theo thống kế, trung bình mỗi ngày có khoảng 150 nghìn chứng từ được xử lý trên hệ thống, những ngày cuối năm số chứng từ có thể lên đến 350.000-400.000 chứng từ.
“Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của KBNN thời gian qua đã xử lý nhiều chứng từ nhất trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Chính phủ. Thông qua dịch vụ công, thời gian tiếp nhận xử lý hồ sơ, chứng từ được thể hiện cụ thể, rõ ràng và các chủ đầu tư có thể theo dõi. Quá trình giải ngân cũng được thực hiện một cách công khai, minh bạch. Qua đó gips phần đẩy nhanh công tác giải ngân vốn đầu tư công”, ông Trần Mạnh Hà nói.
Liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra, tại buổi họp báo, ông Đinh Mạnh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh tra Kiểm tra (KBNN) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, hệ thống KBNN đã tập trung kiểm tra những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, đối tượng đưa vào kế hoạch kiểm tra được theo dõi luân phiên thứ tự đảm bảo không bỏ sót đơn vị, kết hợp hài hòa giữa kiểm tra thường xuyên, kiểm tra chéo và kiểm tra đột xuất. Đồng thời triển khai hoạt động giám sát từ xa trên dịch vụ công trực tuyến, giám sát từ xa số dư quỹ tiền mặt tại các đơn vị KBNN.
KBNN cũng đã tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ để phòng ngừa rủi ro. Đồng thời, tập trung nghiên cứu Đề án Định hướng công tác thanh tra, kiểm tra KBNN đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 làm cơ sở để cải cách, đổi mới đồng bộ, toàn diện hoạt động thanh tra, kiểm tra của hệ thống KBNN.
Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm, KBNN đã thực hiện 304 cuộc thanh tra, kiểm tra; trong đó 232 cuộc theo kế hoạch và 72 cuộc đột xuất. Số tổ chức được thanh tra, kiểm tra 262 tổ chức. Tổng số tiền vi phạm là 2,6 tỷ đồng; số tiền kiến nghị thu hồi là 604,88 triệu đồng; số tiền kiến nghị xử lý khác là hơn 2 tỷ đồng.
Thông qua công tác kiểm tra đã giúp cho các đơn vị KBNN thấy được những tồn tại, sai sót và có những biện pháp khắc phục kịp thời. Sau khi kết thúc các đợt kiểm tra, KBNN đều có văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh chung trong hệ thống./.