Quyết liệt phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm vụ Đông Xuân 

(Chinhphu.vn) – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định nguy cơ các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021 (vụ Đông Xuân) là rất cao do các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật tăng mạnh để phục vụ nhu cầu trong thời gian trước, trong và sau Tết Tân Sửu.
 

 

Ảnh minh họa

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Chỉ thị gửi UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm vụ Đông Xuân 2020-2021.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2020 đến nay, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại hơn 1.500 xã của 50 tỉnh, thành phố. Virus Dịch tả lợn Châu Phi có khả năng còn lưu hành, tồn tại trong môi trường và đàn lợn khá cao.

Bệnh Cúm gia cầm đã xảy ra tại 84 xã của 28 tỉnh, thành phố, tăng gần 2 lần so với năm 2019. Bệnh Lở mồm long móng đã xảy ra tại 194 xã của 24 tỉnh, thành phố. Bệnh Tai xanh xảy ra tại 5 xã của 2 tỉnh.

Từ giữa tháng 10/2020 cho đến nay, bệnh Viêm da nổi cục trên trâu bò lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam và đã xảy ra tại trên 83 xã, 33 huyện của 10 tỉnh, thành phố, làm tổng số trên 1.100 con trâu, bò mắc bệnh, trong đó có trên 170 con chết, buộc phải tiêu hủy.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định nguy cơ các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021 (vụ Đông Xuân) là rất cao do các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật tăng mạnh để phục vụ nhu cầu trong thời gian trước, trong và sau Tết Tân Sửu. Công tác tổ chức tiêm phòng vacxin cho đàn vật nuôi tại một số địa phương chưa được triển khai đầy đủ, tỷ lệ tiêm phòng thấp.

Công tác chủ động giám sát, phát hiện dịch bệnh còn rất hạn chế, nhiều nơi chưa nắm bắt kịp thời, chậm báo cáo tình hình dịch bệnh. Việc xử lý các ổ dịch chưa được thực hiện dứt khoát, triệt để, chưa bảo đảm đúng yêu cầu kỹ thuật. Công tác chỉ đạo phòng, chống dịch tại một số địa phương còn chưa được quan tâm đúng mức, thiếu sự kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực hiện tại tuyến cơ sở dẫn đến dịch bệnh dây dưa kéo dài, nguy cơ lây lan ra diện rộng cao.

Bên cạnh đó, thời tiết thay đổi chuyển mùa, làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi và tạo thuận lợi cho mầm bệnh tồn tại, phát tán diện rộng và gây ra dịch bệnh.

Xử nghiêm việc giấu dịch

Để chủ động tổ chức kiểm soát tốt, không để các loại dịch bệnh nguy hiểm xảy ra diện rộng, bảo đảm nguồn cung thực phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền các cấp của địa phương tập trung nguồn lực và khẩn trương triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định.

Đặc biệt, hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; hằng ngày vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; có biện pháp ngăn chặn các loài véc tơ truyền bệnh xâm nhậm vào chuồng nuôi, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt các loài này.

Chính quyền và cơ quan chuyên môn các cấp tổ chức tháng tổng vệ sinh, sát trùng từ ngày 20/12/2020 - 20/1/2021 để tiêu diệt các loại mầm bệnh ở môi trường, nhất là ở những nơi có mật độ chăn nuôi cao, các điểm tập kết, buôn bán, giết mổ động vật, địa phương thường xuyên xảy ra dịch bệnh.

Rà soát, tiêm phòng mới, tiêm nhắc lại, tiêm bổ sung cho đàn vật nuôi, bảo đảm tối thiểu trên 80% tổng đàn thuộc diện tiêm phòng được tiêm vaccine, nhất là đối với bệnh Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Tai xanh...

Tăng cường công tác chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây bức xúc cho người dân và cộng đồng.

Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép; chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý thị trường và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch động vật

UBND các tỉnh/thành chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các cấp thành lập các đoàn công tác tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, nhất là tại các địa phương đang có bệnh Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Dịch tả lợn Châu Phi, Viêm da nổi cục để kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để lây lan, dây dưa kéo dài; công bố dịch và tổ chức chống dịch theo đúng quy định của Luật Thú y.

Chấn chỉnh công tác thú y tại tuyến huyện, tuyến xã. Đặc biệt chú trọng khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác phòng, chống dịch bệnh, báo cáo số liệu dịch bệnh theo đúng quy định.

Tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cung ứng, buôn bán các loại vaccine không bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luật hiện hành. Xử lý nghiêm các trường hợp cản trở, lợi dụng tình hình dịch bệnh, găm hàng gây khó khăn cho người chăn nuôi trong việc tiếp cận, mua vaccine để tiêm phòng cho đàn vật nuôi.

LB
130 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 646
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 646
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77165916