|
GS. TS Trần Thọ Đạt, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng. Ảnh: VGP/Phương Liên
|
GS.TS Trần Thọ Đạt, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nêu quan điểm khi phân tích bức tranh toàn cảnh về kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021 vừa được Tổng cục Thống kê công bố.
"Sức chống chịu khá tốt của nền kinh tế"
GS.TS Trần Thọ Đạt cho rằng bối cảnh 6 tháng đầu năm 2021 diễn ra theo một kịch bản ít người nghĩ đến. Cuối năm 2020, mọi người hy vọng ở kịch bản Việt Nam sẽ kiểm soát được dịch một cách tốt hơn. Tuy nhiên, COVID-19 đã có những biến thể mới nguy hiểm, đặc biệt là lại lan rộng ở khu vực châu Á, tác động mạnh đến Việt Nam ở 2 đợt sóng trong 6 tháng. Đợt thứ tư từ cuối tháng 4 đến nay được đánh giá là đợt có tác động mạnh nhất.
Đợt bùng phát dịch lần thứ tư có diễn biến rất phức tạp, quy mô lớn, mức độ lây lan nhanh nhất từ trước đến nay, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống của nhân dân ở các trung tâm đô thị lớn và một số khu công nghiệp trọng điểm.
Với bối cảnh như vậy, ai cũng nghĩ rằng sẽ tác động lớn đến tốc độ tăng trưởng, thu nhập, việc làm, xuất nhập khẩu… Tuy nhiên, với số liệu công bố, nền kinh tế vẫn đang ở trạng thái tăng trưởng khá. So sánh số liệu tăng trưởng so với cùng kỳ thời gian năm trước cho thấy: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2021 ước tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước, tính chung GDP 6 tháng đầu năm tăng 5,64%.
Trở lại bối cảnh của quý II năm 2020 là lúc Việt Nam đang bị tấn công bởi làn sóng COVID-19 với thời kỳ đất nước thực hiện giãn cách toàn xã hội nên tăng trưởng rất thấp, 6 tháng đầu 2020 chỉ tăng trưởng 1,8%.
Chính vì vậy, mức tăng trưởng của 6 tháng đầu năm 2021 là một mức tăng trưởng khá. Ngoài đo lường bằng tăng trưởng GDP, đi vào các chỉ tiêu thành phần sẽ thấy được toàn diện “sức khoẻ” của nền kinh tế.
Chỉ số lạm phát cũng làm cho nhiều nhà phân tích bất ngờ và ngạc nhiên. Trong khi những nền kinh tế hàng đầu đang phải “đau đầu” giải bài toán lạm phát. Ví dụ như FED (Cục dự trữ liên bang Mỹ) đang phải tính đến chuyện dừng mua trái phiếu Chính phủ, điều chỉnh tăng lãi suất vì hiện nay lạm phát ở Mỹ đang cao nhất trong rất nhiều năm.
Đối với Việt Nam, chỉ số lạm phát đang là 1,47% của 6 tháng – thấp nhất trong 5-6 năm gần đây. GS.TS Trần Thọ Đạt khẳng định rằng cách tính lạm phát, CPI của chúng ta vẫn theo thông lệ quốc tế, tuy nhiên cũng phải nhìn nhận rằng Việt Nam là một nền kinh tế mở, xuất khẩu rất nhiều và nhâp khẩu cũng rất lớn, có rất nhiều chuỗi giá trị về cung ứng hàng hóa của thế giới đang được thực thi ở Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có cách thức điều hành để kiểm soát tốc độ tăng giá trong phạm vi hiện nay. Việt Nam chủ động được sự tăng giá trong lĩnh vực y tế, giáo dục… Có thể 6 tháng cuối năm lạm phát sẽ tăng lên nhưng vẫn ở trong tầm mục tiêu mà Chính phủ đặt ra.
Trở lại với GDP, GS.TS Trần Thọ Đạt cho rằng, các khu vực tăng trưởng trong nền kinh tế về cơ bản khá ổn định. Nêu vấn đề, vì sao công nghiệp chế biến chế tạo là đầu tàu của công nghiệp vẫn tăng trưởng ở mức 10%, trong khi trung tâm công nghiệp là Bắc Ninh, Bắc Giang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch, ông cho biết, Tổng cục Thống kê cũng đã giải thích là nếu không bị dịch bệnh, Bắc Giang sẽ tăng trưởng 30-40%, nhưng giờ chỉ tăng trưởng 20%. Bắc Ninh nếu không có dịch bệnh sẽ tăng trưởng 20%, nhưng vì dịch bệnh nên chỉ tăng trưởng 10%.
Về đầu tư, điều rất vui là tăng trưởng rất nhịp nhàng ở cả 3 khối Nhà nước, tư nhân, FDI đều xấp xỉ 7%
Về xuất nhập khẩu, xét về mặt tổng thể kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng trưởng mạnh, quãng 30%. Xuất khẩu có tăng trưởng chậm hơn nhập khẩu một chút nên chúng ta có ở trạng thái thâm hụt, nhưng theo GS.TS Trần Thọ Đạt, khi chúng ta đánh giá cán cân thương mại ở quá trình phục hồi của nền kinh tế và các chỉ số kinh tế vĩ mô, nên đánh giá toàn cảnh trong một thời gian dài. Một quý, một tháng chưa nói lên điều gì. Thậm chí, một vài năm, một đất nước có thể thâm hụt thương mại do họ nhập khẩu máy móc thiết bị và thâm hụt đó sẽ giảm dần trong quá trình phục hồi tăng trưởng. Chúng ta mới thâm hụt ở mức độ khiêm tốn là 1,47 tỷ USD trong 6 tháng là không đáng lo ngại, chỉ phản ánh trạng thái nhất thời của cán cân thương mại.
Xuất khẩu của chúng ta không tăng nhanh như nhập khẩu do ảnh hưởng bởi dịch ở các địa phương có nhiều khu công nghiệp. Khi các khu vực đó phục hồi lại, mức độ tăng trưởng xuất khẩu của chúng ta sẽ cao hơn.
"Không để ai bị bỏ lại phía sau"
Chỉ số tiêu dùng thể hiện mức lưu chuyển hàng hoá xã hội tăng trưởng khoảng 5,8% so với mức rất thấp cùng kỳ năm 2020 (tăng trưởng âm). Rõ ràng, thu nhập của người dân ở những khu vực bị tác động mạnh do COVID-19 bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hàng triệu người bị thất nghiệp, giãn việc, giảm việc. Nhận thức thấy vấn đề này, Chính phủ đã thông qua việc hỗ trợ an sinh xã hội lần 2.
GS.TS Trần Thọ Đạt nhìn nhận Gói hỗ trợ an sinh xã hội lần 1 đã được thực hiện trong thời gian qua, mặc dù mới giải ngân được 22%, nhưng khó có thể tiếp tục duy trì và kéo dài hơn nữa do bối cảnh và điều kiện hiện tại đã thay đổi. Theo ông, những doanh nghiệp nào tiếp cận được, những đối tượng nào được thụ hưởng thì đã được thực hiện, những cấu phần nào chưa giải ngân được là do điều kiện đã không còn phù hợp nữa, cần phải thay đổi cả về đối tượng và điều kiện nhận hỗ trợ cho phù hợp với hoàn cảnh mới.
Do vậy, gói hỗ trợ lần 2 được đề xuất là cần thiết nhằm hướng đến những đối tượng mới cần hỗ trợ để nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh, giúp khắc phục khó khăn trong các đợt dịch vừa qua, sớm ổn định cuộc sống và công việc. Theo đề xuất của Bộ LĐTB&XH, gói hỗ trợ an sinh xã hội lần này có tổng trị giá trên 27.000 tỷ đồng.
Cần khẳng định đây là chính sách rất kịp thời để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch, với mục tiêu là hỗ trợ những người lao động, người dân bị ảnh hưởng, giảm sâu thu nhập, mất - thiếu - giãn việc làm, tạo niềm tin đối với người dân cùng đồng hành với Chính phủ trong thực hiện "mục tiêu kép".
Một khoản mục khá "đặc biệt" của gói hỗ trợ được coi là "chưa có tiền lệ" này là hỗ trợ cho cả người lao động tự do, không có hợp đồng lao động, thể hiện rõ tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau". Các nguyên tắc hỗ trợ được xác định là bảo đảm đúng đối tượng, hỗ trợ đủ và nhanh nhất, công khai, minh bạch.
Cơ hội mang tên vaccine COVID-19
Trong bối cảnh khó khăn nhưng ngân sách 6 tháng chúng ta vẫn thu được 57% do sự phát triển rất mạnh của thị trường chứng khoán… Còn về chi, chúng ta ưu tiên hàng đầu của tuyến đầu phòng, chống dịch. Chính phủ sẵn sàng bỏ ra 14.000 tỷ đồng để mua vaccine COVID-19.
“Vaccine COVID-19 cũng chính là cơ hội để giảm chi tiêu của Chính phủ trong việc truy vết, điều trị và kiểm soát dịch bệnh và đang tạo ra sự thay đổi kinh tế lớn hơn nhiều so với các vaccine trước đây. Tốc độ phục hồi nền kinh tế sẽ phụ thuộc và có mối quan hệ chặt chẽ với với tiến độ triển khai vaccine, tỷ lệ tiêm chủng trong dân số càng tăng thì nền kinh tế càng sớm trở lại trạng thái bình thường”, GS.TS Trần Thọ Đạt nhận định.
Cùng với quá trình phục hồi này, một cơ hội rõ rệt COVID-19 mang lại chính là những thay đổi trong thói quen tiêu dùng, phương thức làm việc và các mô hình kinh doanh mới sau đại dịch. Theo GS.TS Trần Thọ Đạt, một sự "phá hủy sáng tạo" đang trực chờ ở rất nhiều lĩnh vực kinh tế truyền thống như: Đào tạo, du lịch, hàng không, nhà hàng, bất động sản thương mại và nhà ở… và từ đó cách các doanh nghiệp có thêm động lực thay đổi về chiến lược tiếp thị và phương thức kinh doanh.
Chúng ta đã rất thành công, trở thành một "điểm sáng" trong việc truy vết, cách ly và điều trị trong phòng, chống dịch COVID-19, nhưng GS.TS Trần Thọ Đạt đánh giá tốc độ tiêm chủng của Việt Nam hiện nay là chưa bắt kịp tốc độ so với nhiều nước.
Đợt bùng phát dịch thứ 4 là đợt bùng phát rất lớn, phức tạp, với số ca mắc chiếm đến hơn 60% trong tổng cộng gần 15.000 ca bệnh tính đến nay. Số ca nghi nhiễm nhiều, nhu cầu xét nghiệm sẽ tăng, điều trị sẽ rất vất vả và tốn kém. Đồng thời, số người cách ly tăng lên, số nơi phải phong tỏa cũng gia tăng, tạo gánh nặng rất lớn cả về y tế và kinh tế.
Theo GS.TS Trần Thọ Đạt, với nguy cơ tiềm ẩn các "đốm" dịch xuất hiện bất cứ khi nào trong cộng đồng như hiện nay, cần xem vaccine chính là cơ hội hiệu quả để giảm chi tiêu của Chính phủ trong việc truy vết, điều trị và kiểm soát dịch bệnh, đồng thời đảm bảo an toàn về năng lực chữa bệnh của hệ thống y tế.
Nếu tận dụng tối đa năng lực và điều kiện của hệ thống y tế hiện tại, mỗi người đủ 2 mũi tiêm và nếu không xảy ra bất kỳ sự đứt quãng nào về chuỗi cung ứng thì có đủ khả năng và cơ sở vật chất để tiêm cho khoảng 0,5% dân số một ngày, tức 500.000 liều/ngày. Như vậy dự kiến đến hết năm 2021 sẽ thực hiện được miễn dịch cộng đồng. Con số dự kiến này là cao hơn rất nhiều so với tốc độ tiêm chủng trung bình trong thời gian qua.
Do vậy, GS.TS Trần Thọ Đạt lưu ý, để gia tăng nhanh chóng năng lực tiêm chủng, cần sớm xây dựng, công khai chương trình, kế hoạch tiêm vaccine cho người dân nhằm đạt miễn dịch cộng đồng với lộ trình thời gian cụ thể.
Đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine COVID-19 là một giải pháp căn cơ, mang tính quyết định quá trình phục hồi kinh tế một cách vững chắc, đồng thời sớm tận dụng được các cơ hội để duy trì và thúc đẩy các động lực tăng trưởng xuất khẩu và đầu tư khi các đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam đang trên đà phục hồi mạnh mẽ.
Tìm ra giải pháp khả thi nhất
Hiện nay, các kịch bản phát triển kinh tế-xã hội trong 6 tháng tới của Chính phủ là 6,5% - cao hơn so với mục tiêu của Quốc hội giao (6%).
GS.TS Trần Thọ Đạt cho rằng, để đạt được mục tiêu 6% thì những tháng cuối năm 2021 phải đạt được khoảng 6,4%, nếu vẫn theo đà tăng trưởng của quý II và chúng ta kiểm soát tốt dịch bệnh thì con số này là “trong tầm tay”. Nhưng để đạt được 6,5% tăng trưởng cả năm thì khó hơn, chúng ta phải tăng tưởng 7% của những quý sau. Giải pháp khả thi nhất sẽ là tốc độ tăng trưởng nằm giữa 2 mốc 6% và 6,5%.
GS.TS Trần Thọ Đạt nhận định trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh của chúng ta vẫn rất phức tạp. Việc truy vết, cách ly và điều trị trong phòng, chống dịch COVID-19 chỉ phù hợp với quy mô nhỏ, ở quy mô lớn sẽ tiêu tốn rất nhiều nguồn lực của xã hội. Giải pháp mang tính chiến lược, căn bản, bền vững vẫn là chiến lược vaccine!
Chúng ta phải thực hiện “mục tiêu kép” một cách linh hoạt, ở những nơi ưu tiên chống dịch thì quyết liệt chống dịch, ở những nơi dịch bệnh đã kiểm soát tốt thì phải tiến hành phục hồi kinh tế mạnh mẽ.
Phương Liên