Từ ngày 28/12/2017 đến 3/1/2018, tức là chỉ sau một tuần tiến hành Kế hoạch Tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, các đội quản lý thị trường (QLTT) thuộc Chi cục QLTT tỉnh Quảng Trị đã tiến hành kiểm tra và xử lý 22 vụ vi phạm, với tổng giá trị hàng hóa tịch thu và xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) là 1.668.615.000 đồng. Trong đó, tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong việc kinh doanh thương mại, an toàn thực phẩm của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, đã kiểm tra, xử lý 3 cơ sở vi phạm, xử phạt VPHC 60 triệu đồng. Phát hiện 16 vụ buôn lậu, tịch thu hàng hóa và xử phạt VPHC hơn 750 triệu đồng. 3 vụ kinh doanh, vận chuyển hàng giả, vi phạm sỡ hữu trí tuệ đã được xử lý, tịch thu hàng hóa gồm quần dài, mũ, len... giả mạo nhãn hiệu, trị giá hàng hóa tịch thu hơn 843 triệu đồng. Đặc biệt, một vụ vận chuyển hàng giả có số lượng lớn, trị giá trên 500 triệu đồng đã được đội QLTT phát hiện và xử lý kịp thời trước khi số hàng hóa này trà trộn vào thị trường.
Trong thời gian tới, các đội QLTT sẽ tiếp tục phối hợp với các ban ngành tăng cường kiểm tra hàng hóa trên địa bàn, đồng thời thực hiện mọi phương án nhằm ngăn chặn vận chuyển hàng hóa không đạt chuẩn vào thị trường tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.
Để người tiêu dùng được tiếp cận với những loại hàng hóa có chất lượng, giá cả tốt thì các khâu từ sản xuất (thu mua nguyên liệu, đóng gói...), vận chuyển cho đến khâu dịch vụ thương mại, kinh doanh hàng hóa đều phải đảm bảo đúng quy định pháp luật. Do đó, Đoàn kiểm tra thị trường sẽ tiếp tục phối hợp với Ban quản lý chợ, Trung tâm thương mại, các cơ quan chức năng tập trung kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ các quy định pháp luật trong sản xuất kinh doanh hàng hóa, thương mại dịch vụ. Kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi vi phạm về giá, đo lường trong khâu đóng gói sản phẩm. Kiểm tra chất lượng, nhãn hàng, hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa... đặc biệt chú trọng các nhóm ngành hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu thụ cao trong những ngày cận Tết Nguyên đán, các mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Kiểm tra thường xuyên các điểm bán hàng bình ổn giá giúp người dân có địa chỉ tin cậy mua hàng, đưa hàng đã qua kiểm tra có chất lượng, giá cả ổn định về với vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, các Đội QLTT sẽ tiếp tục rà soát công tác quản lý địa bàn, nắm bắt tình hình cung cầu, giá cả hàng hóa, giám sát hàng hóa được bày bán tại hội chợ. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lợi dụng chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để đưa hàng kém chất lượng bán tại các địa bàn nông thôn của tỉnh. Kịp thời phát hiện, giải quyết tình trạng đầu cơ găm hàng, tăng giá cả bất hợp lý, đảm bảo ổn định thị trường.
Vấn đề đặt ra là để đẩy lùi nạn buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trong dịp tết rất cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, các Đội QLTT và sự đồng hành của cả người bán và người tiêu dùng. Người bán cần biết rõ đừng vì lợi ích trước mắt từ việc trưng bày và bán những sản phẩm không đạt chuẩn cho người tiêu dùng sẽ phải đối diện với quy chế xử phạt và cao hơn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và hệ lụy khó lường đến người xung quanh, trong đó có cả người thân của mình. Người tiêu dùng cũng nên chủ động tìm hiểu, nâng cao hiểu biết để phân biệt hàng giả, hàng kém chất lượng.
Những dịp cuối năm, cận Tết Nguyên đán là đỉnh điểm để hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng trà trộn vào thị trường, kẻ gian sẽ không ngừng lợi dụng sơ hở để sản xuất, vận chuyển các mặt hàng này. Do đó, rất cần sự phối hợp đồng bộ giữa các bên liên quan, quyết không để hàng kém chất lượng, giá cả bất hợp lý đến tay người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán 2018. Thảo Nhi